Mặc dù các biến chủng mới liên tiếp xuất hiện, tuy nhiên các nhà khoa học đánh giá, Delta vẫn là biến chủng nguy hiểm nhất hiện nay.
Các nhà nghiên cứu cho biết biến chủng Delta có thể tiếp tục "giữ vững" vị thế thống trị so với các biến chủng khác như Lambda, Mu hay Iota. Delta đã phát triển để có thể lây lan nhanh đến mức các biến chủng khác không theo kịp.
Theo Trevor Bedford, một nhà virus học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, Mỹ, biến thể Delta vẫn là biến thể gây lo ngại nhất bởi mức độ lây nhiễm gia tăng với khả năng lây nhiễm tăng ít nhất gấp đôi so với chủng virus ban đầu được phát hiện vào cuối năm 2019.
Chuyên gia này cũng chỉ ra, mặc dù biến chủng Delta thực sự có ít thay đổi di truyền hơn so với các biến chủng như Alpha hay Beta trước đó, nhưng những đột biến của biến chủng này tạo điều kiện thuận lợi trong việc lây lan virus từ người này sang người khác. Điều này cũng bao gồm việc tạo ra thời gian ủ bệnh là bốn ngày thay vì sáu ngày, vì vậy mọi người dễ lây nhiễm sớm hơn.
CDC ước tính, những người nhiễm biến thể Delta có thể lây cho trung bình từ 5 - 9,5 người. Con số này cao hơn so với chủng virus gốc ban đầu được phát hiện tại Vũ Hán, có R0 từ 2,3 - 2,7, trong khi biến thể Alpha có R0 từ 4 - 5. Biến thể Delta dễ lây nhiễm tương tự như bệnh thủy đậu, có R0 từ 9 - 10.
Bên cạnh đó, biến thể Delta cũng mang theo năng lực tiêu diệt tế bào mạnh mẽ hơn hẳn, do đột biến ở vị trí 681 của protein gai (P681R) phá hủy tế bào ở người. Điều này cho phép nó đột phá thành công hơn hàng rào phòng vệ miễn dịch ở người so với một số biến chủng mới hiện nay. Những người nhiễm biến thể Delta có tải lượng virus cao hơn 1.000 lần so với những người nhiễm các biến thể khác.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng biến thể Delta không gây tỷ lệ tử vong cao hơn so với các biến chủng nCoV khác. Mức độ nghiêm trọng của COVID-19 tương tự như chủng gốc. Đó là lý do vì sao các loại vaccine đang được sử dụng hiện nay có hiệu quả cao trong việc ngăn chặn bệnh diễn tiến nặng và tử vong.
Mặc dù vậy, để tránh những làn sóng dịch mạnh như biến chủng Delta, Mike Ryan, người đứng đầu chương trình y tế khẩn cấp của WHO khuyến nghị, vẫn cần thúc đẩy nghiên cứu và giải mã gen các biến chủng mới đáng chú ý như Mu.
“Không phải mọi biến thể được phát hiện đều đồng nghĩa với việc một đợt dịch mới sẽ xuất hiện. Nhưng bất kỳ chủng virus mới nào xuất hiện đều có thể cạnh tranh để thay thế cho biến chủng Delta. Mỗi biến thể đều cần được xem xét những đặc điểm về nguy cơ gây nên các triệu chứng nghiêm trọng, nguy cơ lây nhiễm và nguy cơ thoát khỏi các loại vaccine”, chuyên gia Ryan đánh giá.
Dennis R. Burton, Giáo sư miễn dịch học tại Viện nghiên cứu Scripps cho rằng, điều cần thiết để đối phó với biến thể tiếp theo là thử nghiệm các cách tiếp cận khác nhau để phát triển vaccine thế hệ mới. Cụ thể, chuyên gia này đã đề xuất sử dụng một loại kháng thể có khả năng bảo vệ đặc biệt, được gọi là kháng thể trung hòa diện rộng, để phát triển các loại vaccine mới.
Các kháng thể trung hòa diện rộng có thể hoạt động chống lại nhiều chủng virus khác nhau. Bằng cách tiếp cận này, các nhà khoa học có thể tạo ra vaccine có hiệu quả chống lại một họ virus, với mục tiêu ngăn chặn các căn bệnh bùng phát trong tương lai có nguy cơ trở thành đại dịch.
Trước mắt, phương pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn các biến chủng mới xuất hiện là tiêm chủng và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Vaccine COVID-19 có hiệu quả tốt nhưng không hoàn hảo và khả năng bảo vệ của chúng sẽ giảm dần trong nhiều tháng sau khi tiêm chủng đầy đủ.
Chính vì vậy, các bác sĩ nên khuyến cáo những người đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine vẫn cần thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và đeo khẩu trang khi ra nơi đông người để hạn chế lây nhiễm COVID-19.
Có thể bạn quan tâm