Đến Uzbekistan, xem công nghệ AR tái hiện lịch sử

Dương Quán Hạ - Ga Liên 27/01/2020 08:09

Bật smartphone, cầm một tấm ảnh và màn hình lập tức xuất hiện hình 3D của lăng mộ, chi tiết tới từng ngõ ngách, kèm theo thuyết minh rất rõ ràng từ niên đại, trang trí mái vòm, những gì bên trong,...

Sau hôm Thường Châu tuyết trắng, người Việt Nam ai cũng biết tới Uzbekistan. Nhưng ngoài bóng đá, Uzbekistan là đất nước nổi tiếng với những công trình kiến trúc Hồi giáo đẹp lộng lẫy và thiên nhiên tươi đẹp.

Uzbekistan còn là điểm giao thoa của các nền văn minh trong nhiều thế kỷ, nơi hội tụ các nền văn hóa khác nhau, bởi Uzbekistan có vị trí chiến lược trên con đường tơ lụa lớn nối châu Âu với Ấn Độ và Trung Quốc.

Uzbekistan rất nổi tiếng với 3 thành phố là Samarkand, Bukhara và Khiva với hàng trăm thánh đường, học viện hồi giáo, lăng mộ, đài tưởng niệm đồ sộ. Cả ba thành phố này đều cùng thời với Rome hay Babylon, nằm trên tuyến đường Con đường Tơ lụa cổ đại và đã từng là những trung tâm khoa học, văn hóa lớn của nhân loại.

Hiện nay, Uzbekistan là điểm đến thu hút hàng triệu khách du lịch hàng năm bởi những kiệt tác kiến trúc cổ kính, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa.

Samarkand được mệnh danh là Kinh đô của những đại đế và là một trong những thành phố cổ nhất Trung Á được xây dựng từ thế kỷ thứ 5 trước công nguyên. Nơi đây từng là thủ đô và nơi phồn hoa đô hội nhất của đế chế Sogdian khi Alexander Đại Đế chiếm nơi này vào năm 329 trước công nguyên.

Năm 1370, Timur Đại Đế quyết định chọn Samarkand là thủ đô và trong 35 năm sau đó, những công trình kiến trúc đẹp tuyệt vời được xây dựng. Cháu trai của Timur là Ulugbeck tiếp túc cai trị nơi này đến năm 1449 và càng xây dựng thêm nhiều công trình kiến trúc độc đáo khác.

Tôi đặt chân tới Samarkand vào một ngày mùa thu nắng vàng như rót mật. Ấn tượng đầu tiên đối với cố đô của Uzbekistan là choáng ngợp và trầm trồ thán phục. Dường như lịch sử hào hùng của mảnh đất này không hề mất đi mà chúng vẫn tồn tại các công trình tráng lệ và nguy nga đứng sừng sững từ bao thế kỷ.

Các lăng mộ, đài tưởng niệm, thánh đường hồi giáo… đều ở khá gần nhau và tập trung quanh quảng trường công cộng nổi tiếng nhất trung Á – Registan. Quảng trường Registan là quần thể ba học viện hồi giáo Ulugh Bek, Sher-Dor Tilla Kori. Quần thể kiến trúc vĩ đại này đã trở thành một tượng đài của kiến trúc phương Đông…

Trong những ngày ở Samarkand, ngày nào tôi cũng xách balo lên, cầm bản đồ và đi bộ từ di tích này tới các di tích khác của Samarkand. Tôi đã không biết bao nhiêu lần đứng tần ngần ngẩn ngơ hàng tiếng đồng hồ trước vẻ đẹp tráng lệ của thánh đường hồi giáo Bibi-Khanym, quần thể nghĩa trang hoàng gia Shah-i Zinda hay đài thiên văn của vua Ulugh Beg. Những cánh cổng, mái vòm được trang trí tinh xảo với màu sắc xanh, vàng là chủ đạo nổi bật trong nắng vàng rực rỡ.

Đứng trước những công trình vĩ đại như vậy tôi chỉ biết ngã mũ khâm phục. Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi ngày nay vẫn còn cơ hội có thể tận mắt chiêm ngưỡng kiến trúc đạo Hồi đỉnh cao tới như vậy. Và tôi rất đồng cảm với Alexander Đại Đế khi ngài đã nói “Mọi thứ ta được nghe về Samarkand đều là thật trừ một điều nơi này đẹp hơn ta tưởng tượng rất nhiều”.

Tuy được bảo tồn rất tốt nhưng dấu vết thời gian và động đất vẫn ảnh hưởng đến những kiến trúc nơi này. Một số lăng mộ như Gur Emir, đài thiên văn Ulugh Beg, thánh đường hồi giáo Bibi-Khanym đã không thể được phục hồi nguyên vẹn mà hiện tại chỉ còn lại một phần nhỏ. Tháp Kalta-minor đang được xây đựng thì bị bỏ dở tới tận ngày nay.

Tôi rất tiếc nuối khi tìm hiểu về những công trình dang dở hoặc đã biến mất theo thời gian, mình không có cơ hội tìm hiểu sự huy hoàng và kiến trúc tuyệt đỉnh của nó. Thật sự không có nhiều tư liệu để tìm hiểu về sơ đồ, nguyên liệu xây dựng hay cấu trúc những lăng mộ, thánh đường.

Nhưng tôi đã rất bất ngờ khi tới thăm lăng mộ Gur Emir của đại đế Timur ở cố đô Samarkand. Ban đầu khi bước vào cổng chính, tôi còn đang hoang mang khi không biết bắt đầu khám phá lăng mộ từ đâu, thì có một bạn hướng dẫn viên xuất hiện và mời tôi ra chiếc bàn ở phía đối diện cửa vào.

Hướng dẫn viên bật smartphone, cầm một tấm ảnh chụp Gur Emir và màn hình ngay lập tức xuất hiện thiết kế 3D của lăng mộ, chi tiết tới từng ngõ ngách. Kèm theo đó là thuyết minh bằng tiếng Anh rất rõ ràng và chi tiết, từ thời gian xây dựng, niên đại, có những gì bên trong, mái vòm được trang trí tỉ mỉ ra sao…

Tôi rất phấn khích và phải thốt lên thật kì diệu không biết bao nhiêu lần. Sau khi được bạn hướng dẫn viên giải thích, tôi mới được biết chính phủ Uzbekistan áp dụng công nghệ số hóa 3D NazzAR tại các di tích lịch sử.

NazzAR là công nghệ dựng ảnh 3D, thu thập tất cả các dữ liệu liên quan đến một di tích lịch sử nhằm tái tạo lại bằng hình ảnh thực tế ảo, từ đó giúp chúng ta bảo tồn và tham quan trực tuyến các di tích trên máy tính, điện thoại thông minh.

Với công nghệ tân tiến này, NazzAR có thể cung cấp cho người xem những hình ảnh chi tiết nhất, bao gồm màu sắc, bố cục, các dạng hình học với độ chính xác tới từng milimet bằng hình ảnh 3D.

Tôi có thể biết di tích này đã từng có những cửa sổ, mái vòm được xây dựng như thế nào, cách người cổ đại đặt từng viên gạch ở từng vị trí khác nhau, hay lớp gạch men được phủ lên bên ngoài các công trình công phu và tỉ mỉ như thế nào.

Đi kèm với hình ảnh 3D được phục dựng sẽ là thuyết minh audio những thông tin về lịch sử, quá trình xây dựng, triều đại… rất chi tiết.

Việc sử dụng NazzAR rất đơn giản, tôi được hướng dẫn tải về và cài đặt ứng dụng NazzAR trên điện thoại của mình.

Ngay trước lối vào thánh đường cầu nguyện của Gur Emir có một bức tranh rất to chụp ảnh lăng mộ và có logo AR ở góc phải. Tôi mở NazzAR trên điện thoại, scan vào logo AR và ngay lập tức toàn cảnh lăng mộ hiện ra choáng ngợp và lộng lẫy.

Bước vào bên trong lăng mộ, tay tôi vẫn cầm điện thoại và tấm ảnh bạn hướng dẫn đưa cho. Chỗ nào chưa hiểu hoặc muốn hiểu rõ hơn tôi lại bật ứng dụng NazzAR lên quét ảnh để xem và nghe lại thông tin.

Điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả là trước mỗi lăng mộ, thánh đường, đài tưởng niệm ở Samarkand, Bukhara, Khiva… đều có những tấm ảnh đóng khung của di tích rất to có logo AR để khách du lịch có thể cầm điện thoại lên scan và tìm hiểu trước khi bước vào bên trong di tích khám phá.

Chỉ cần có điện thoại, máy tính bảng, máy tính để bàn có kết nối internet là tôi có thể tìm hiểu trước hình ảnh 3D của công trình đó.

Tôi cảm thấy ngắm nhìn những di tích này trong thời gian ngắn chưa đủ nên tôi đã mua bộ tranh về những di tích ở Uzbekistan có logo AR về để xem tại nhà hay bất cứ lúc nào tôi muốn. Bạn cũng có thể mua về làm quà tặng rất độc đáo với giá 7USD (tương đương với 160,000VND) một hộp tranh.

Tôi đã từng đi qua nhiều nước, có lẽ Uzbekistan là đất nước đầu tiên tôi được khám phá công nghệ phục dựng ảnh 3D các di tích thú vị đến như vậy. Đây là một trong những hoạt động tìm lại thời vàng son thông qua hoạt động quảng bá giá trị văn hóa, kiến trúc, tôn giáo… độc đáo của Chính phủ Uzbekistan.

Thật kì diệu, tôi đã có thể nhìn thấy những phế tích một thời vang bóng trong hình hài hoàn chỉnh và nguyên vẹn nhất. Tôi cảm thấy những gì mà các tiền bối để lại không còn xa xôi mơ hồ nữa trái lại rất chân thật và hiển hiện ngay trước mắt. Trong tương lai không xa, công nghệ này sẽ được phổ biến rộng rãi hơn để những du khách như tôi có thể trải nghiệm nhiều hơn các giá trị văn hóa vô giá của thế giới.

Bài và ảnh: Dương Quán Hạ
Thiết kế: Ga Liên

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đến Uzbekistan, xem công nghệ AR tái hiện lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO