TAND TP HCM đã có quyết định mở thủ tục phá sản đối với CTCP Xây dựng Công Nghiệp - Descon (DCC) theo đơn kiện của một nhà cung cấp là Siam City Cement Ltd.
Những quyết định “nổi như cồn” trong đường kinh doanh quá khứ, đã đưa doanh nhân Trịnh Thanh Huy trở thành “cá mập” đáng gờm trên thị trường. Điều gì đã khiến các doanh nghiệp dưới thời quản trị sau thâu tóm của nhà đầu tư tăm tiếng này, gặp ngõ cụt?
BTA và chiến lược đi ngược thị trường
Đầu tư và dự án căn hộ triệu đô Đảo Kim Cương tại quận 2 Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Bình Thiên An (BTA) do ông Trịnh Thanh Huy làm Chủ tịch HĐQT, một thời là tên tuổi khiến giới đầu tư địa ốc trên thị trường e ngại. Ở thời mà Bình Thiên An công bố dự án Đảo Kim Cương, khái niệm “căn hộ triệu đô” không quá phổ biến. Thêm vào đó, việc triển khai ở nơi còn thiếu vắng kết nối hạ tầng giao thông, khiến dự án trở thành tâm điểm: Phải chăng Bình Thiên An có tầm nhìn “xa quá xa” hoặc “sai quá sai”?
Sau một thời gian, dự án Đảo Kim Cương quy mô 8 ha đã thực sự thể hiện sự đáng giá. Căn hộ triệu "đô" cũng trở thành khái niệm bình thường đặc biệt trong giới “đại gia” và nhà giàu mới nổi của Việt Nam. Vai trò doanh nhân Trịnh Thanh Huy, người khởi xướng dự án với sự mạnh mẽ, quyết liệt và đi trước rất đúng “chất” của các doanh nhân trở về từ Đông Âu, phần nào được khẳng định rõ nét hơn.
Không quá lấp lánh như dự án Đảo Kim Cương, Descon – CTCP Xây dựng-Công nghiệp với mã chứng khoán DCC trên HoSE trước 15/12/2011, là một khoản đầu tư ngược dòng thị trường khác của ông Trịnh Thanh Huy, nhưng không “đẹp hậu”.
Việc Toà án mở thủ tục phá sản đối với DESCON là để bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ và thực tế chưa ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh của Công ty.
Khoản đầu tư này đã được ông Trịnh Thanh Huy phát lộ từ đầu quý II/2010, gây chao đảo với chiêu thức M&A mềm – đầu tư tài chính chi phí thấp kiêm thuyết phục các cổ đông. Theo đó, số tiền đầu tư được cho là không lớn, doanh nghiệp đi thâu tóm vẫn nắm được quyền chi phối. Tại giai đoạn đó, ông Huy cho biết, BTA “định vị hoạt động của mình là trực tiếp tham gia đầu tư vào các doanh nghiệp chưa tốt và tái cơ cấu để doanh nghiệp hoạt động tốt hơn. Còn trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi chọn doanh nghiệp có tiềm năng nhưng hoạt động chưa tốt và hỗ trợ nó đi lên”. DCC theo nghĩa đó, về tay chủ mới với hy vọng cải thiện hoạt động của mình tích cực hơn.
Ẩn số đằng sau phá sản của Descon
Lại cũng nói chuyện ở thời điểm Descon bị BTA thâu tóm, Công ty không phải là doanh nghiệp có nhiều tiềm năng lớn về kinh doanh lõi. Trên DCC, có khá nhiều Cty xây lắp có vị thế, đặc biệt không ít đơn vị có “đặc quyền riêng” khi gắn với các “mẹ”, “cha” cấp tổng, tập đoàn có vốn Nhà nước. Trong khi DCC chỉ ở hạng trung.
Chính vì “trên đầu” DCC có khá nhiều đơn vị xây lắp, nên dư luận tập trung chú ý vào các tài sản của doanh nghiệp như lý giải nỗ lực thâu tóm của vị doanh nhân khá tiếng tăm này. Một cựu lãnh đạo của DCC khi đó cho biết Cty có nhiều tài sản có giá. Ví dụ vào năm 2007, DCC liên doanh với Tập đoàn PUMYANG Hàn Quốc triển khai Dự án PRECHE tại quận 2, TP. HCM.
Dự án khi đó (2010) phải tạm dừng do khó khăn từ phía đối tác Hàn Quốc, nhưng chi chi phí đầu tư ban đầu khoảng 15 triệu USD, nếu tính theo giá thị trường, dự án có thể chuyển nhượng từ 25 - 30 triệu USD. Theo tính toán cùng thời điểm, nếu chuyển nhượng mức lãi đã xấp xỉ giá trị vốn hóa DCC. Ngoài ra, Công ty còn có các dự án khác như Khu căn hộ cao cấp tại Cần Thơ, Dự án DESCON Đà Lạt hay các công trình xây lắp.
Trong vòng hơn 8 năm đầu tư DCC, các dự án này đã có chuyển động ra sao? Câu hỏi khó có đáp án bởi chỉ sau 1 năm thâu tóm, rất nhanh chóng DCC đã hủy niêm yết tại HSX với lỗi vi phạm nghiêm trọng về công bố thông tin. Tại cuối 2018, Descon mới 1 lần nữa gây chú ý khi doanh nhân Trịnh Thanh Huy phải đến tòa, nguyên do nhà cung cấp Siam City Cement Ltd có đơn kiện mở thủ tục phá sản vì đơn vị không có khả năng thanh toán. Số liệu tài chính cho thấy Descon có nợ ngắn hạn 1.500 tỷ đồng, dài hạn 880 tỷ đồng, vốn điều lệ Cty chỉ 356 tỷ với 2 cổ đông lớn trong đó ông Trịnh Thanh Huy nắm hơn 56%, tại 31/12/2017.
Sau hủy niêm yết, bức màn kinh doanh của DCC từ chỗ bị thâu tóm để kỳ vọng được hỗ trợ tốt lên đến bờ vực phá sản, rõ ràng đã trở nên mù mờ. Các tài sản đi đâu và điều gì đã khiến DCC đi đến bước đường hôm nay là ẩn số. Có điều rằng, một nhà đầu tư đặt dấu hỏi, nhìn rộng hơn, tại sao BT6– 1 Cty khác mà nhóm ông Trịnh Thanh Huy vào thâu tóm, tái cơ cấu, cũng trượt khỏi thời kỳ kinh doanh rực rỡ của mình sau khi hủy niêm yết và chỉ trở lại UpCOM, với kết quả kinh doanh èo uột gần đây?