Đi phượt xa nhà vào những ngày nghỉ đang là xu hướng giải trí hiện nay.
Để có những chuyến cắm trại thoải mái và xua tan căng thẳng trong cuộc sống cũng như công việc cùng với xế hộp của mình, bạn cần có những chuẩn bị kỹ càng.
Trước khi bắt đầu một chuyến đi phượt dài, hãy mang xe đi kiểm tra kỹ càng và khắc phục những nguy cơ có thể khiến xe bạn hỏng hóc và gặp sự cố trong hành trình.
Đảm bảo khả năng vận hành bình thường của chiếc xe trên những cung đường khó, kiểm tra kỹ các trang bị an toàn.
Ngoài ra, nếu bạn thường xuyên đi phượt bằng chiếc xế yêu của mình, hãy trang bị cho mình một số kiến thức tự sửa chữa, khắc phục một số sự cố đơn giản để có thể chủ động trong những tình huống xấu xảy ra. Cùng với đó, tài xế nên chuẩn bị sẵn sàng một số vật dụng cần thiết như lốp sơ cua của xe trong tình trạng tốt, tay kính, đèn pin, kích nâng, bơm điện và bộ phụ tùng sửa xe cơ bản.
Và để chắc chắn hơn, bạn nên chủ động tìm số điện thoại của các trung tâm có dịch vụ sửa chữa xe lưu động gần những khu vực bạn đi ngang qua để dự phòng.
Bên cạnh những vật dụng thiết yếu như lều bạt, đồ ăn, nước uống, đồ dùng y tế, và bộ dụng cụ sửa chữa xe cơ bản. Bạn nên trang bị cho mình một tấm bản đồ khu vực mà mình cắm trại, bởi không phải chỗ nào cũng có sóng điện thoại (đặc biệt là các vùng rừng núi) nên trong nhiều trường hợp bạn có thể bị mất phương hướng khi bản đồ trên điện thoại không thể hỗ trợ vì khu vực hoang vu chưa được cập nhật hoặc không có sóng để sử dụng Internet.
Đi phượt một mình hoặc chỉ đi một xe không phải là ý tưởng hay vì mọi thứ đều có thể xảy ra trên đường. Đi theo nhóm nhiều người và nhiều xe sẽ giúp bạn nhận được nhiều sự hỗ trợ kịp thời và an toàn hơn trên những hành trình khó khăn. Tất nhiên, sẽ là ngoại lệ nếu bạn muốn có sự riêng tư hoặc là mẫu người thích "độc hành".
Trong trường hợp bạn là mẫu người thích "độc hành" trên những hành trình khám phá và trải nghiệm thiên nhiên. Nên thông báo cho cho người thân, bạn bè về nơi mà bạn định đến để dự phòng trong trường hợp nào đó có thể xảy ra khiến bạn không thể trở về nhà theo dự kiến.
Bạn không nên điều khiển chiếc xe di chuyển quá lâu trong khu vực đường rừng hẻo lánh nếu không thực sự nắm rõ địa hình khu vực đó. Đặc biệt là vào buổi chiều, trời sẽ tối rất nhanh, không đèn đường, không nhà dân, không dịch vụ tiện ích mà bạn vẫn chưa thể tìm được đường ra. Chưa kể đến trường hợp ô tô của bạn gặp trục trặc bất ngờ mà không có đủ kỹ năng và kinh nghiệm để xử lý.
Đặc biệt, không nên dừng xe tại những khu vực quá xa khu dân cư, hẻo lánh trong khi bạn lại đi ít người và không thân thuộc địa hình nơi đó.
Bạn cần biết được giới hạn chiếc xe của mình, cần nắm rõ khả năng vận hành, mô men xoắn của động cơ cũng như công suất cực đại, khoảng sáng gầm xe cũng như hệ dẫn động. Nếu chiếc xe của bạn không được trang bị các công nghệ ô tô hiện đại như những "ông vua địa hình", nó chỉ có thể vượt qua một số cung đường với mức độ khó nhất định, hãy biết điều đó, đừng quá tự tin vào "chiến mã" của bạn để dẫn đến tình trạng mắc kẹt ở những cung đường quá sức.
Nếu bạn không thường xuyên trải nghiệm các cung đường xấu, các cung đường chỉ chuyên dành cho các tài xế mê off-road. Hãy tìm kiếm lời khuyên từ những người có nhiều kinh nghiệm lái ô tô đường rừng núi để có thể xử lý những tình huống khó khăn trong hành trình.
Nhiều tài xế có nhiều kinh nghiệm về đi phượt hoặc off-road thường hạ bớt áp suất lốp của xe. Việc giảm bớt áp suất sẽ giúp cho phần bên của lốp đàn hồi linh hoạt hơn, tốt hơn cho cả người và xe khi phải liên tục đi qua đường xấu.
Bên cạnh đó, áp suất lốp thấp hơn mức bình thường sẽ giúp chiếc xe tăng độ bám với địa hình, điều này cho phép bánh xe phù hợp hơn với những góc cạnh gồ ghề, chướng ngại trên đường. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, áp suất lốp nên giữ ở khoảng 18 PSI là an toàn.