Di sản đền Hùng và niềm tự hào bị “pha loãng”

Trương Khắc Trà 25/04/2018 19:46

Ít người biết tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng thật ra như thế nào, ngài cần giản dị hay màu mè sặc sỡ như thế, ngài có cần bánh chưng, bánh giày to kỷ lục?

Giỗ tổ vua Hùng ngày một được tổ chức hoành tráng hơn, số lượng người tham gia lên đến hàng triệu, nhưng ít ai biết cách đây hơn 6 năm, tại kỳ họp lần thứ 7, UNESCO đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương ở Phú Thọ, Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ở Việt Nam, lập hồ sơ trình UNESCO được thực hiện theo Điều 6 Nghị định 98/2010/NĐ-CP của Thủ tướng  Chính phủ. Sau khi địa phương hoàn thành hồ sơ bước một, trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Ngoại giao tham mưu Chính phủ quyết định, đồng thời lấy ý kiến đóng góp của Hội đồng di sản văn hóa quốc gia.

Khi Chính phủ chấp thuận hồ sơ, sẽ giao Bộ Ngoại giao trình lên UNESCO vào ngày 31 tháng 3 hàng năm, chi phí trên 25 nghìn đô la. Kết quả sẽ được công bố tại kỳ họp xét của UNESCO.

Hiện Việt Nam có 11 di sản phi vật thể được UNESCO công nhận, trong đó có 9 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 2 di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Vinh dự đầu tiên là Nhã nhạc Cung đình Huế.

Để được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện cho nhân loại, di sản đó phải vượt qua vô vàn tiêu chuẩn khắt khe, đảm bảo tính “đại diện”, “tiêu biểu” mà không hoặc hiếm nơi nào trên thế giới có được. Nhưng phải chăng có nhiều di sản mang tầm nhân loại làm loãng sự đậm đặc lòng tự hào.

Lễ hội ngày một xa với truyền thống dân tộc (Nguồn: Internet)

Lễ hội ngày một xa với truyền thống dân tộc (Nguồn: baogiaothong.vn)

Có nhiều di sản sau khi được công nhận người ta chẳng biết làm gì với nó. Ví dụ nghi lễ và trò chơi kéo co, đây là di sản đa quốc gia, ngoài Việt Nam còn có Hàn Quốc, Campuchia và Philippines. Chắc hẳn tốn không ít thời gian, công sức và tiền bạc nhưng chưa thấy thu lại được gì và kéo co có đóng góp như thế nào với sự phát triển đất nước!?

Có thể bạn quan tâm

  • 10 tháng 3, ngày khoan thư bản lĩnh dân tộc

    08:54, 25/04/2018

  • Đi làm dịp Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4, 1/5 đươc tính lương thế nào?

    05:05, 23/04/2018

  • Hàng chục nghìn người dâng hương Giỗ tổ vua Hùng

    10:29, 25/04/2018

  • Ngày "Quốc giỗ" nghĩ về văn hóa cội nguồn dân tộc

    12:06, 25/04/2018

Có hàng triệu người dâng hương hoa lễ vật ngay tại di sản nhưng không nhiều trong số đó ý thức được mình đang tương tác với một nơi là sở hữu chung của toàn nhân loại. Về nguyên tắc di sản UNESCO là “của chung”, nhưng chính trên đất nước mình còn không bảo vệ thì ai bảo vệ cho mình?

Lễ hội đền Hùng năm nào cũng “vỡ trận”, năm nay báo đài chưa thấy phản ánh nhưng những năm trước tình trạng chen lấn, xô đẩy, ngất xỉu, móc túi, trộm cắp, nhét tiền vào tay thánh, quẳng tiền lên bàn thờ… khá phổ biến. Sau lễ là khung cảnh tan hoang rác rưởi, cây cỏ xơ xác tiêu điều.

Những hát Xoan, Ca trù, Dân ca ví dặm đang không biết bảo vệ và phát huy như thế nào. Lớp “người muôn năm cũ” gìn giữ hồn cốt văn hóa dân tộc ngày càng “rơi rụng” dần. Lớp trẻ không ai theo nghề vì không thể sống với nghề, văn hóa hiện đại nhập khẩu như Kpop, Bolero, Rock… phủ sóng khắp mọi ngõ ngách.

Một buổi biểu diễn hát Xoan, Dân ca, Cải lương chỉ lưa thưa vài khán giả lớn tuổi, một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, một vài khách ngoại quốc tò mò đến xem, còn lại vắng bóng lớp trẻ. Tiền vé không đủ trang trải chi phí tổ chức nên dần dà không ai thiết tha.

Bảo vệ và phát huy giá trị truyền thống như thế nào (Nguồn:sggp.vn)

Bảo vệ và phát huy giá trị truyền thống như thế nào? (Nguồn:sggp.org.vn)

Những nơi như Lễ hội đền Hùng, lễ hội đền Gióng, khai ấn đền Trần lại bị kinh doanh quá đà. Lễ, hội bị đẩy đi quá xa so với yêu cầu bảo vệ và phát huy những giá trị cốt lõi. Ít người biết tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng thật ra như thế nào, ngài cần giản dị hay màu mè sặc sỡ như thế, ngài có cần bánh chưng, bánh giày to kỷ lục?

Sự thật là nhiều người đến lễ hội chỉ cầu mong tài lộc, vinh hoa phú quý, đem tâm phàm tục đến làm ô uế chốn linh thiêng. Chả nhẽ người ta không biết vua Hùng, thánh Gióng, đức thánh Trần là những vị khai quốc công thần chứ không phải thần tài có chức năng ban phát tài lộc!

Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống như thế nào vẫn chưa định hình rõ, trong khi đó văn hóa ngoại nhập cách hàng ngàn cây số chỉ một cú click chuột là ồ ạt chảy vào.

Đã đến lúc nghĩ cách bảo vệ di sản quan trọng hơn làm hồ sơ đề nghị công nhận. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Di sản đền Hùng và niềm tự hào bị “pha loãng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO