Đi tìm “lời giải” cho kinh tế báo chí

NGUYỄN VIỆT thực hiện 21/06/2023 00:59

Để tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan báo chí, cần phải có sự thay đổi về “cơ chế đặt hàng” nhằm tạo nguồn lực đủ lớn cho các cơ quan báo chí hoạt động tốt hơn.

>>Báo chí trong “thế giới phẳng”

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ với DĐDN về vấn đề kinh tế báo chí trong giai đoạn hiện nay.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

- Làm kinh tế trong báo chí là nhu cầu cần thiết của nền kinh tế. Song, trên thực tế câu chuyện kinh tế báo chí vẫn còn nhiều tâm tư. Ông bình luận như thế nào về vấn đề này?

Câu chuyện kinh tế báo là một vấn đề cần phải được quan tâm khi chúng ta vận hành toàn bộ xã hội theo kinh tế thị trường, thì tất cả các lĩnh vực trong xã hội cũng phải có tư duy thị trường, phù hợp với quy luật thị trường. Báo chí cũng không thể nằm ngoài các quy luật chung đó.

Chúng ta phải suy nghĩ sâu sắc hơn về kinh tế báo chí. Tuy nhiên, báo chí ở Việt Nam khá đặc biệt, khác rất nhiều so với báo chí các nước. Cho nên, bên cạnh những bài học của các nước trên thế giới chúng ta cũng phải có kinh nghiệm riêng, giải pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay để kinh tế báo chí thực sự giúp cho hoạt động báo chí vừa gần gũi với quy luật kinh tế thị trường, tạo ra sự năng động, linh hoạt, hiệu quả của các cơ quan báo chí.

Nhưng vẫn bám sát định hướng, giá trị quan trọng của báo chí trong việc phổ biến đường lối chủ trương của Đảng, định hướng nhận thức cho người dân và xã hội hướng đến những giá trị tốt đẹp, tích cực trong cuộc sống.

- Tuy nhiên, thời gian qua kinh tế báo chí bị “hụt hẫng” và “lún sâu” vào khó khăn bởi nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực truyền thông ra đời và thâu tóm những đơn hàng quảng cáo như Google, Facekbook… thưa ông?

Theo đánh giá của tôi cũng như qua một số cuộc khảo sát cho thấy, chúng ta đang gặp một số khó khăn trong hoạt động kinh tế báo chí.

Thứ nhất, xét trên góc độ chủ quan, chúng ta vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm trong kinh tế báo chí, việc “mày mò” tự rút kinh nghiệm đã khiến hoạt động kinh tế báo chí gặp khó khăn trong giai đoạn đầu tiên.

Thứ hai, do một thời gian quá dài đã quen với việc được bao cấp. Điều này trở thành “quán tính” và tạo “sức ì” của các cơ quan báo chí trong nền kinh tế thị trường. Chúng ta vẫn chưa có nhiều kỹ năng kinh doanh, chưa biết cách xây dựng thương hiệu, đáp ứng các nhu cầu khác nhau của độc giả…

Thứ ba, ở góc độ khách quan báo chí gặp khó khăn từ các phương tiện truyền thông mới. Thông tin từ các mạng xã hội rất nhanh đến với đông đảo người dân, phù hợp với thói quen đọc báo, xem tin của độc giả trẻ…

Tầm ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông mới làm cho việc thu hút độc giả với báo chí khó khăn hơn, nguồn lực quảng cáo hỗ trợ cho hoạt động báo chí cũng dần bị “thu hẹp”.

Thứ tư, để tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan báo chí, theo tôi cần phải có sự thay đổi cơ chế “đặt hàng” nhằm tạo nguồn lực đủ lớn cho các cơ quan báo chí hoạt động tốt hơn. Đặc biệt, không để báo chí chạy theo lợi ích vật chất, lợi ích kinh tế gây ảnh hưởng tiêu cực đến tôn chỉ mục đích của các cơ quan báo chí.

- Có ý kiến cho rằng, đã đến lúc nên coi báo chí là một ngành kinh tế, các sản phẩm báo chí là hàng hóa, cơ quan báo chí là doanh nghiệp, phải tư duy theo hướng tờ báo là một công ty trong ngành công nghiệp tin tức... Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tất cả các ý tưởng này đều đúng, vì như vậy sẽ làm cho hoạt động báo chí phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, sản phẩm báo chí là hàng hoá nhưng có logic đặc biệt.

Do đó, phải ứng xử theo cách thức đặc biệt, không thể đi theo đáp ứng những nhu cầu của thị trường, những nhu cầu khác nhau của độc giả. Báo chí phải định hướng nhận thức, văn hoá, đạo đức trong xã hội, tạo ra môi trường lành mạnh, thông tin tốt đẹp, tích cực để giúp phát triển đất nước bền vững hơn.

>>"Khách hàng đặc biệt" của báo chí

>>Sức mạnh của "thiết chế báo chí"

- Vậy, theo ông cần phải làm như thế nào giải được bài toán kinh tế báo chí giúp báo chí từng bước tự chủ tài chính, phát triển đột phá nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng Việt Nam?

Đây là bài toán khó, nhưng cần có lời giải để tạo điều kiện cho báo chí phát triển. Vấn đề này phải có hệ thống các giải pháp mang tính tổng thể.

Một là, nhận thức đúng đắn và đầy đủ về vai trò của báo chí trong sự nghiệp xây dựng đất nước, có được sự quan tâm đầy đủ, phù hợp hơn với các cơ quan báo chí.

Hai là, các sản phẩm báo chí là hàng hoá đặc biệt. Như vậy, bên cạnh việc tạo điều kiện cho báo chí phát triển theo quy luật kinh tế thị trường như cung-cầu, giá trị, hàng hoá… thì vẫn phải có sự hỗ trợ nhất định từ nhà nước để báo chí giữ gìn được hình ảnh, tôn chỉ mục đích.

Ba là, không để các cơ quan báo chí chạy theo những thị hiếu tầm thường hay lợi ích vật chất khiến báo chí rời xa nguyên tắc căn bản giá trị đạo đức.

Bốn là, cần phải có cơ chế chính sách phù hợp hơn để các cơ quan báo chí hoạt động hiệu quả, như tăng cường cơ sở vật chất, hỗ trợ tài chính thông qua cơ chế đặt hàng, hỗ trợ thuế…

Năm là, tập trung cho nguồn nhân lực báo chí. Nhân lực báo chí cần phải có năng lực tốt, cập nhật nhanh thông tin trong điều kiện hoàn cảnh hiện nay và mặt bằng chung của thế giới. Bồi dưỡng giá trị đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp để giúp những người làm báo có sự tự tin và yên tâm với nghề của mình.

Sáu là, về cơ sở vật chất cần tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đơn cử, các trang thiết bị phù hợp với các toà soạn hội tụ.

Bảy là, cần xây dựng văn hoá báo chí lành mạnh với các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp để định hướng tốt hơn cho tất cả các hoạt động báo chí, trong đó có kinh tế báo chí.

Các giải pháp mang tính tổng hợp như vậy, cùng với các giải pháp khác sẽ giúp cho hoạt động kinh tế báo chí thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình, đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với các cơ quan báo chí.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Báo chí đồng hành cùng ngành du lịch phục hồi sau đại dịch

    16:40, 21/06/2023

  • Báo chí trong “thế giới phẳng”

    15:20, 21/06/2023

  • "Khách hàng đặc biệt" của báo chí

    15:00, 21/06/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đi tìm “lời giải” cho kinh tế báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO