Theo luật hàng hải, người phát hiện ra vị trí tàu chìm sẽ được hưởng 1-2% giá trị con tàu nếu trục vớt được. Ở đây, quả bom trị giá 2 tỉ USD, vậy 1% sẽ là 20 triệu USD.
Palomares - ngôi làng miền biển hiền hòa ven Địa Trung Hải nước Cộng hòa Tây Ban Nha với 1.200 dân chuyên trồng hành, cam, khoai tây, đánh cá,… từng là trung tâm chú ý của hàng trăm triệu con người. Có lẽ đến tận bây giờ dân làng này vẫn còn giật mình thon thót về sự nổi tiếng của mình.
Cứ mỗi sáng sớm, dân chúng các thành phố lớn Phương Tây lại được “điểm tâm” bằng tin mới nhất về Palomares dưới dạng những hàng tít lớn chạy ngang suốt 8 cột báo, chương trình phát thanh, truyền hình của hầu hết hãng thông tấn nổi tiếng thế giới.
Thị trấn Palomares
Ngày hoảng hồn ở Palomares
Lúc 10h sáng ngày 17/1/1966, Francisco Simo 40 tuổi, thuyền trưởng một chiếc tàu đánh cá nhỏ đang ở ngoài khơi Palomares, cách xa bờ 4 hải lý. Bỗng nhiên bầu trời màu xanh ô-liu bục ra quầng sáng chói lòa, chụp xuống Palomares một cơn mưa lửa. Simo hoảng hốt, song người đánh cá còn kịp nhận thấy chiếc dù mầu xám treo một vật dài hơn người, rơi cách ông 100m.
Hôm sau, từ trời, từ biển, từ những con đường bụi mù sâu trong đất liền, người ta kéo đến hàng trăm, ngôn ngữ lạ tai, sắc phục lạ kiểu. Họ dựng lên cả làng lều để ở. Khắp các tường nhà là những yết thị cấm dân địa phương bén mảng đến các cánh đồng xung quanh Palomares, phải đốt hết quần áo mặc trong ngày hôm đó, hủy diệt gia súc, gia cầm…
Hoảng hồn, người già, phụ nữ quỳ mọp trước bàn thờ Thánh, trẻ con bám sau song cửa ngơ ngác nhìn ngó cảnh 600 người nước ngoài cầm máy Geiger và các thiết bị điện tử lang thang đi khắp Palomares.
Ngày 20/1/1966, Bộ chỉ huy không quân Mỹ phải ra một bản Thông cáo chính thức thừa nhận:
Ngày 17/1, một máy bay chiến lược B.52 của Mỹ mang bom khinh khí đang bay tuần phòng thường lệ trên bầu trời Địa Trung hải thì được máy bay KC.135 tiếp dầu trên không. Mười một phút sau, một trong 8 động cơ của chiếc B.52 bất ngờ bốc cháy. Ngọn lửa trùm lên máy bay và cháy lan sang chiếc KC.135. Các phi công lao liều qua cơn mưa lửa xuống biển, sau khi bấm nút hệ thống thả bom sự cố.
Quả bom rơi xuống Palomares có sức công phá gấp 1.250 lần quả bom ném xuống Hiroshima, có thể tức khắc hủy diệt hoàn toàn sự sống nằm cách tâm nổ 15km. Còn tia phóng xạ giết người sẽ lan truyền trên diện tích hàng chục nghìn km2 (mà đây lại những 4 quả)!
May thay bom khinh khí có cấu tạo để loại trừ những trường hợp nổ bất đắc dĩ tương tự. Tuy nhiên vấn đề không chỉ đơn giản như vậy. Chất nổ thường (phi hạt nhân) trong bom khinh khí có thể nổ vỡ vỏ bom, “vật liệu” nguyên tử Urani 235 và Pluto 239 chu kì bán rã 24.000 năm bắn văng ra ngoài. Ngăn ngừa khả năng ô nhiễm môi trường là vấn đề phải đặt ra. Thực tế, công việc tẩy sạch khu vực khu vực 2km2 bị nhiễm xạ pluto, kéo dài đến tận hôm nay vẫn chưa kết thúc.
Bốn giờ sáng hôm sau “ngày Palomares”, người ta tìm thấy 3 quả bom khinh khí nằm chềnh ềnh trên đất liền. Còn quả nữa biến đi đâu? Mười phần cầm chắc là nó dưới biển. Thế là bắt đầu công cuộc tìm kiếm và trục vớt “cậu Robert” – bí danh quả bom bị mất.
Cuộc truy “cậu Robert”
Tư lệnh phó lực lượng xung kích của hải quân Mỹ ở Nam Âu – Chuẩn đô đốc William Gest được chỉ định làm chỉ huy chiến dịch. Dưới trướng của Gest là cố vấn chính – thuyền trưởng J. Muni lão luyện đã từng điều khiển chuông lặn nổi tiếng Trieste tìm ra hài cốt của chiếc tàu ngầm Thresher.
Được thắng lợi của vụ tìm kiếm Thresher cổ vũ, Gest quyết tâm theo bài cũ: logic, phương pháp, và sự kiên trì – Chúa ba ngôi chỉ đường đi tới thành công.
Các chuyên viên hải quân Mỹ sử dụng máy tính điện tử, cùng những phương pháp tính toán phức tạp để xác định ra một vùng được coi là có xác suất quả bom “lạc” rơi lớn nhất: Một tam giác có cạnh đáy là 20 hải lí, chiều cao 10 hải lí. Sau đó, Gest ra lệnh cho những phương tiện tìm kiếm hiện đại nhất “chải” đi “chải” lại trên từng “thiết diện” vùng này.
Đích thân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ hồi đó McNamara, đã đàm phán với Viện nghiên cứu đại dương Woods Hole của nhà hải dương học Mỹ nổi tiếng Allyn Vine để mượn Alvin – tàu lặn sâu mang tên ông – cho cuộc tìm kiếm Palomares. Alvin được máy bay của không quân Mỹ đưa gấp đến Tây Ban Nha.
Đó là một con tàu lặn chở người dài 7,1m, nặng 17 tấn, có thể xuống sâu 4.500m nước. Alvin đủ điều kiện sống cho một ê-kip gồm 3 nhân viên dưới nước trong 3 ngày ròng.
Tàu lặn Alvin
Ngoài Alvin là tàu lặn Aluminaut do công ty General Dynamics đóng. So với Alvin, Aluminaut to lớn hơn nhiều. Nó dài 15,5m, nặng 81 tấn chở tới 7 người. Nguồn năng lượng cũng mạnh hơn cho phép Aluminaut hoạt động 30 giờ liền dưới nước, độ sâu tới được 3.950m.
Gần 2 tháng trời, tàu nổi tàu chìm của Mỹ xé dọc xé ngang vùng biển Palomares mà vẫn không thấy tăm hơi quả bom. Trên bàn làm việc của Gest xếp đầy một chồng thư từ của cả trăm người tự nhận là đã mục kích cảnh tượng bi thảm trên bầu trời làng Palomares hôm ấy. Song vì ý kiến của họ về quả bom “lạc” mâu thuẫn, phủ định lẫn nhau, trái với tư duy lành mạnh của những bộ óc điện tử, nên không được Gest chú tâm đến lắm.
Tất nhiên, bức thư của người đánh cá Simo cũng chẳng thoát khỏi số phận hẩm hiu chung đó. Hơn nữa, Simo đã chỉ vị trí quả bom “của mình” ở độ sâu hơn 600m, nơi ngoài Alvin và Aluminaut, không một phương tiện hiện có nào với tới được, nên các chuyên gia hải quân lại càng ngao ngán.
Rồi Gest cũng dần ngả theo ý nghĩ có thể ông ta sai lầm. Còn người đánh cá Simo có dịp đưa những người tìm kiếm đến vùng mặt biển “của mình”. Các sĩ quan hải quân Mỹ nhiều lần âm thầm kiểm tra mức độ tin cậy của điều Simo khẳng định. Lừa lúc ông vào cabin, bọn họ lặng lẽ cho tàu chạy ra chỗ khác. Khi người đánh cá trở lại mặt boong, họ làm ra vẻ vô tình hỏi ông: Có đúng chỗ này là nơi cái dù đã rơi xuống nước hay không?
Mười lần như một, Simo khẳng định: “Không, các ông đã cho tàu chạy khỏi chỗ cũ rồi. Chỗ tôi chỉ ở kia cơ.”
Họa vô đơn chí
Lòng kiên trì và tính chính xác của người dân chài Tây Ban Nha cuối cùng cũng đã làm xiêu lòng Gest. Ngày 15/3/1966, Gest tuyên bố: 70km2 vùng xung quanh “chỗ của Simo” trở thành “khu vực thứ hai có khả năng bom rơi xuống nhất” và ra lệnh cho Alvin cùng Aluminaut lặn tìm. Tám mươi phút sau, ngay trong lần lặn đầu tiên ở độ sâu 777m, Alvin đã thấy chiếc dù lấp trên quả bom. Một giờ sau đó, Aluminaut lặn xuống và mắc vào dù được 1 máy đáp vô tuyến thủy âm định vị.
Từ đấy, Alvin và Aluminaut thay nhau tìm cách mắc neo vào dây cáp dù, một việc có thể ví như xỏ kim chỉ trong phòng tối. Cứ sau mỗi cố gắng của Alvin và Aluminaut, qua bom lại bị đẩy thêm về phía cái vực hẻm sâu kinh khủng gần đó. Gest vội hạ lệnh tạm ngừng công việc.
Một cuộc họp dài 6 tiếng, các cố vấn tranh cãi nhau. Họ sợ 2 “A” không có khả năng làm trọn nhiệm vụ. Hội đồng cố vấn quyết định tăng cường 1 tàu ngầm không người lái CURV điều khiển từ trên tàu nổi có cánh tay máy để quắp lấy dù.
Bực mình vì hành động “phụ bạc” đó, ngay đêm hôm ấy, bằng một hành động táo bạo, Alvin đã “ngồi” lên Daglas (bí danh cái dù), mắc được neo vào cáp dù. Lập tức tàu cứu hộ đến kéo lên. Mới lên được 100m- cáp đứt! Có lẽ vì bị cạnh lưỡi neo sắc cứa vào. Cả ê-kip của Alvin ngồi sau cửa kính khoang tàu cay đắng nhìn theo quả bom mất hút trong dòng bùn đen cuồn cuộn xục lên từ đáy. Aluminaut lặn xuống, nhờ tín hiệu phát đi từ máy đáp vô tuyến, nó tìm thấy quả bom ở độ sâu 870m ngay kề một vực sâu thẳm.
Quả bom suýt rơi xuống vực sâu
Hôm sau giông bão nổi lên. Bão tan, Alvin không thấy quả bom ở chỗ cũ nữa. Lại mất 4 ngày để Aluminaut tìm được nó nhờ dòng nước ngầm rửa sạch lớp bùn lấp trên quả bom. Lần này, tay máy của CURV ngoặc được vào dù. Sau khi CURV tự cắt rời tay, lập tức Alvin lặn xuống, móc cáp nâng vào tay máy. Song mọi cố gắng đều không thành công. Ê-kíp Alvin nóng nảy nên đã mắc phải sai lầm: Vì vào quá gần, Alvin bị mắc rối vào cáp dù. Tình huống trở nên nguy kịch… Chỉ nhờ hành động thông minh, tuyệt vọng, đến phút cuối cùng Alvin mới thoát khỏi đám dây rợ bùng nhùng giết người.
Thần kinh căng thẳng đến mức quá tải đã khiến một hai nhân viên từ chối không lặn tiếp nữa. Thế nhưng, chính lần sau đó, một ngày động biển dữ dội, Alvin đã móc được cáp nâng vào tay máy. Thắng lợi tưởng đã nằm trong tầm tay, thử thách mới lại xảy ra. Chiếc tàu lặn không người lái CURV sa vào bước đi trước của Alvin, đâm đầu vào Daglas và bị bắt làm “tù binh” trong đống cáp dù.
Bằng thái độ quyết đoán của người chỉ huy quân sự, Gest lệnh kéo tất cả lên, cả bom, cả dù, cả CURV, bất chấp ý kiến do dự của nhiều cố vấn thân cận.
Cứ sau mỗi phút quả bom lên được 8m. Và sau 1h45’ (đối với những người trên bờ như dài bằng cả thế kỷ) quả bom hình trụ đường kính 609mm, dài 3.675mm đã được kéo lên tàu Hải quân USS PETREL sau 2 tháng 18 ngày 22 giờ 23’ du ngoạn thủy cung.
Quả bom được vớt lên tàu sau 2 tháng chu du đáy biển
Tây Ban Nha chúc mừng Mỹ vì đã tìm thấy quả bom
Sau khi giúp định vị được quả Bom, Simo đã đến tòa án liên bang ở New York để đòi tiền thù lao cứu hộ. theo luật hàng hải, người phát hiện ra vị trí tàu chìm sẽ được hưởng 1-2% giá trị con tàu nếu trục vớt được. Ở đây, quả bom trị giá 2 tỉ USD, vậy 1% sẽ là 20 triệu USD. không quân mỹ “tránh” phiên tòa bằng một số tiền “lót tay” Simo không được tiết lộ.