Có nhiều "lý do" để hạ bút không run tay cho điểm 10 của một bài Văn trong kỳ thi THPT Quốc gia: Một theo barem, một vì hay không tưởng tượng!
Tôi là người học Văn rất… dở! Chưa có bài văn nào vượt quá 6 điểm. Có một lần bình luận tác phẩm “Bức tranh” của Nguyễn Minh Châu, tôi vào đề hăng hái và viết bằng tất cả “những gì mình biết”, hôm trả bài, trong ô “lời phê của thầy cô giáo” chỉ có hai chữ sắc lạnh “Lan man”.
Đối với tôi đó là sự “tổn thương” không hề nhẹ, ám ảnh này đeo bám nhiều năm, kể cả đến bây giờ. Tôi không dám chắc những gì “mình thích viết” là phù hợp khuôn khổ. Nhưng dù sao, tôi vẫn ủng hộ lối văn tự luận mở như hiện nay.
Với Toán 1+1=2, nhưng với Văn đáp án có thể vô cùng vô tận, bởi thế, chưa bao giờ tôi nghĩ, có một tác phẩm hay bài tự luận nào đó đạt được sự tuyệt đối của ngôn từ, ý nghĩa, thông điệp của tác giả. Đó cũng là lẽ thường tình.
Vậy nên, 2 điểm 10 môn Văn trong kỳ thi THPT Quốc gia 2020 thực sự quá sức tưởng tượng của nhiều người! Để thuyết phục được hội đồng giám khảo, rõ ràng đó là cái tài của tác giả.
Đoạn trích trong “Trường ca mặt đường và khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm là một đề thi hay, có nhiều “đất” để thí sinh thi triển. Nhưng từ điểm 10 này đã nảy sinh rất nhiều ý kiến trái chiều khi tác giả “tiết lộ” với báo chí một phần thủ pháp hành văn.
Tôi không cho rằng, tác giả lấy hình ảnh Gastby trong tác phẩm “Đại gia Gastby” của Văn học Mỹ để minh chứng cho những người “làm ra đất nước” là sai về mặt phương pháp. Mặc dù đây không phải là nhân vật chính diện, hiện thân của chính trực, thiện mỹ.
Bởi vì em có quyền liên tưởng, có quyền biểu đạt, không ai có thể bắt em phải suy nghĩ giống mình “mỗi thánh nhân đều có một quá khứ, mỗi tội đồ đều có một tương lai”. Cái tốt-xấu, giả-thật mong manh như Nam Cao đã nói đến trong truyện ngắn “Sợi tóc”.
Ví như, người viết cũng có thể dẫn Washington - người sáng lập nước Mỹ, hoặc cũng có thể lấy mượn hình ảnh Hòa Thân - đại diện kinh điển của lòng tham, phá hoại để nói lên điều mình muốn.
Vì người ta cũng từng thống nhất với nhau rằng, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng miêu tả sự bần cùng của người nông dân nhưng không phải là chà đạp họ, bỉ bôi họ, trong tận cùng đáy xã hội vẫn nẩy ra được thông điệp nhân văn, cao cả cơ mà?
Nhưng để minh chứng cho “những người làm ra đất nước” thì Gastby rất dễ gây tranh cãi. Tác phẩm này đã từng bị cấm phổ biến tại bang Alaska vì đề cập quá nhiều đến sex, loạn luân,…
Những người chấm bài đã “bỏ qua” cứ liệu căn bản này, hay họ không tìm hiểu về “Đại gia Gastby” là ai? Xuất thân trong bối cảnh như thế nào? Nếu không muốn nói - đây là lỗ hổng về kiến thức Văn học nước ngoài!
Liệu rằng, điểm 10 này được quyết định bởi barem sẵn có hay vì tôn chỉ đẹp đẽ của thể văn tự luận?
Nếu chấm bài theo khung sẵn có thì sẽ mâu thuẫn với khái niệm “tự luận”, lúc này tự luận là luận dò theo cách mà “ai đó” đã đóng khung, ai trúng ý thì điểm cao. Vô hình dung, quay về với cách học Văn xưa cũ, bình mới nhưng rượu vẫn thế!
Đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật càng cố gắng lượng hóa giá trị của nó càng khó nắm bắt, càng làm thui chột tính sáng tạo và rất có thể sẽ giết chết tinh thần của tác giả.
Còn nếu điểm 10 này được chấm vì một áng văn hay không tưởng, thì có chắc sự hay này đã tuyệt đối hay chưa? Rất khó dung hòa giữa tự luận và barem. Cốt lõi của môn Văn là làm sao cho người học thấy được giá trị của hiện thực khách quan.
Ví như “đất nước”, có phải luôn là “khi chiếc khăn em đánh rơi trong nỗi nhớ thầm”, hay “cánh đồng thẳng cánh cò bay”, là "thon thả giọt đàn bầu", "dịu nỗi đau của mẹ"…?
Ngộ nhỡ, một mai công nghiệp hóa, đô thị hóa hết sạch cánh đồng? Thời nay tình yêu liệu có còn là chiếc khăn mùi soa thêu đôi chim bồ câu trắng, trái tim hồng mà người trai ra chiến tuyến gửi lại em gái hậu phương?
Đất nước lúc này không mông lung ảo ảnh, không chung chung khái quát. Đất nước lúc này là cương vực lãnh thổ, là hiện hữu nỗi lo mãi không giàu; là thịnh vượng để hóa hổ hóa rồng, là sánh vai với cường quốc.
Đất nước với người trẻ ngày nay là mang vinh quang về cho Tổ quốc, là tình thương, lòng trắc ẩn với các mảnh đời cơ cực khắp mọi miền quê, là phẫn uất mỗi khi biết tin biển đảo, ngư dân bị bức hại,…là thời sự, nóng bỏng mỗi ngày.
Có thể bạn quan tâm