"Điểm danh" 12 ông lớn vào tầm ngắm của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2020 (P1)

Nha Trang 18/12/2019 00:00

Có 12 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước được Kiểm toán nhà nước lựa chọn kiểm toán trong năm 2020. Có thể kể đến Tổng công ty xây dựng Hà Nội, 4 tổng công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam,...

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc vừa kí Quyết định số 1866/QĐ-KTNN về kế hoạch kiểm toán năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN). Theo đó, KTNN sẽ tập trung kiểm toán 158 cuộc.

Ngoài kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, KTNN sẽ kiểm toán 16 Bộ, cơ quan Trung ương và 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 9 cuộc kiểm toán hoạt động; 21 cuộc kiểm toán chuyên đề; 40 dự án đầu tư xây dựng; 16 cuộc kiểm toán các tổ chức tài chính, ngân hàng và các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước; 9 cuộc kiểm toán lĩnh vực quốc phòng an ninh và 6 cuộc kiểm toán lĩnh vực an ninh, khối cơ quan Đảng.

Riêng trong lĩnh vực doanh nghiệp, các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước được KTNN lựa chọn kiểm toán có qui mô phù hợp để kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lí, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2019, kết hợp với việc đánh giá công tác tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.

Trọng tâm kiểm toán tại các đơn vị này bao gồm đánh giá thực trạng công tác quản lí tài chính và cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước tại các đơn vị được kiểm toán; đánh giá các hoạt động quản lí.

Bên cạnh đó, việc kiểm toán nhằm bảo đảm phát triển lành mạnh thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước như đánh giá việc chấp hành các qui định của pháp luật về giá, thuế, phí, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

Tổng công ty xây dựng Hà Nội (Hancorp)

Hancorp là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng được thành ngày 11/12/1982. Vốn điều lệ của Hancorp tại thời điểm 30/6/2019 là 1.410 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm 98,83%. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng, thi công xây lắp và đầu tư bất động sản.

Hancorp không thực hiện bàn giao đất khi cổ phần hóa

Tháng 4 vừa qua, kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều sai phạm trong cổ phần hóa của Hancorp.

Tại BCTC hợp nhất quý 3 mới công bố Hancorp đạt doanh thu thuần 791 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với cùng kỳ 2018, lãi sau thuế của Hancorp kỳ này ghi nhận gần 1,8 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Hancorp đạt 1.699 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ 2018.

Tháng 4 vừa qua, kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều sai phạm trong cổ phần hóa của Hancorp như chưa xác định lại kết quả kinh doanh các dự án bất động sản; quyết toán dự án khi chưa hoàn thành...

Theo báo cáo, Hancorp trước khi cổ phần hóa đang quản lý 10 khu đất tại Hà Nội; TP HCM, Nghệ An và Đồng Nai mỗi nơi có một khu đất.

Kết luận kiểm toán chỉ ra, tại dự án tổ hợp nhà ở đa năng 28 tầng Làng Quốc tế Thăng Long (Hà Nội), Hancorp đã nộp tiền sử dụng đất là 119 tỷ đồng nhưng chưa nộp phần chênh lệch giữa giá bán và giá thành của 30% diện tích sàn căn hộ. Khoản này được xác định khoảng 20,4 tỷ đồng.

Còn tại dự án đầu tư cơ sở hạ tầng Khu Đoàn ngoại giao ở Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, theo Kiểm toán Nhà nước, Hancorp chưa nộp tiền sử dụng đất với phần xây dựng 3.005m2 để làm nhà ở cao tầng cho người nước ngoài.

Tại dự án đầu tư cơ sở hạ tầng Khu Đoàn ngoại giao tại xã Xuân Đỉnh, Huyện Từ Liêm, TP Hà Nội (nay là phường Xuân Đỉnh, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), theo KTNN, Hancorp chưa thực hiện nộp tiền sử dụng đất đối với phân diện tích xây dựng 3.005m2 để làm nhà ở cao tầng cho người nước ngoài (ký hiệu N0I-NG, N02-NG).

Theo đó, tiền sử dụng đất của các diện tích này tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (1/1/2012) được tư vấn định giá theo đơn giá tạm tính 15.500.000 đồng/m2 tương ứng với là 59.195.100.000 đồng. Đến thời điểm kiểm toán, các khu đất này chưa triển khai thực hiện

Tại Dự án Khu dân cư Phước An - Long Thọ, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), Hancorp thực hiện bàn giao toàn bộ diện tích đất 207.274m2 cho UBND huyện Nhơn Trạch theo các quyết định thu hồi đất trên. Trên báo cáo quyết toán vốn nhà nước, Tổng công ty ghi giảm giá trị vốn nhà nước hơn 33 tỷ đồng là không có cơ sở, khi chưa có ý kiến của cấp thẩm quyền đối với các khoản chỉ phí đã phát sinh trên.

Cũng theo báo cáo kiểm toán của KTNN, đối với khu đất 5.000m2 tại xã Kiến Hưng, Hà Đông (Hà Nội) là diện tích trước đây Tổng Công ty UBND tỉnh Hà Tây đồng ý cho sử dụng tiền thuê đất trong 20 năm (tính từ năm 1997) để góp vốn liên doanh trong Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển kỹ thuật Econ Hà Nội. Năm 2011 Công ty đã giải thể và bàn giao lại cho Tổng Công ty sử dụng lô đất trên. Đơn vị đã làm việc với ban ngành TP Hà Nội để hoàn tất các thủ tục pháp lý để trả lại đất cho UBND TP, song đến thời điểm này vẫn chưa hoàn tất.

Về việc xử lý tài sản không tính vào giá trị doanh nghiệp, theo KTNN, đến 15/8/2014, Hancorp chưa bàn giao tài sản không cần dùng gồm Nhà ở K51 và Trạm điện K5 (nguyên giá: 2.919 triệu đồng, giá trị còn lại 1.293 triệu đồng) cho UBND TP Hà Nội theo phương án sử dụng đất trong phương án CPH.

Trong năm 2015, Hancorp phải thực hiện thủ tục bàn giao theo Công văn số 762/TCT-VP gửi Sở Xây dựng Hà Nội về bàn giao tài sản này, Sở Xây dựng Hà Nội đã có Công văn số 5619/XD-B61 ngày 03/7/2015 đề nghị đơn vị chủ động cung cấp hồ sơ về tài sản và phối hợp với Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội và các cơ quan liên quan phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm toán tài sản trên vẫn chưa được bàn giao dứt điểm.

Tổng công ty Điện lực TP. HCM

Nằm trong danh sách những cái tên được liệt kê trong báo cáo của KTNN, Tổng công ty điện lực TP HCM (EVN HCMC) từng vướng không ít "lùm xùm" gây xôn xao dư luận.

Trong đó có việc Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVNHCMC bị CQĐT "sờ gáy". Chiều ngày 30/10, thông tin của một số cơ quan truyền thông cho biết, liên quan đến việc thoái vốn của EVN HCMC tại một doanh nghiệp BĐS trên địa bàn TP HCM, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03- Bộ Công an) đang tổ chức điều tra và mời ông Lê Văn Phước, Chủ tịch HĐ Thành viên EVN HCMC đến làm việc, để làm rõ một số vấn đề liên quan đến đơn vị này.

Liên quan đến thông tin ông Lê Văn Phước, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVN HCMC) bị cơ quan Công an mời lên làm việc, trao đổi trên Kiến Thức, Phó Ban Truyền thông EVN HCMC không xác nhận có hay không cũng như không phủ nhận mà chỉ nói: “Hiện tại chưa có thẩm quyền thông tin về việc đó".

Có thể bạn quan tâm

  • "Điểm danh" 12 ông lớn vào tầm ngắm của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2020 (P2)

    00:40, 20/12/2019

  • "Điểm danh" những ngân hàng bị kiểm toán năm 2019

    11:00, 18/12/2019

  • Hàng loạt dự án

    Hàng loạt dự án "nóng" rơi vào "tầm ngắm" của Kiểm toán Nhà nước

    04:52, 16/12/2019

Công ty con của Điện lực TP Hồ Chí Minh cũng từng bị "sờ gáy". Cụ thể, tháng 9/2019, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM cho biết, qua rà soát tình hình thi công các công trình tại khu vực quận 1 và 3, mặt đường ở nhiều tuyến như Phạm Ngũ Lão, Lý Thái Tổ, Nguyễn Thái Học… sau khi tái lập đã xuất hiện tình trạng lớp nhựa bị oằn, lún so với mặt đường hiện hữu, gây mất an toàn khi giao thông.

Các vị trí này thuộc công trình sửa chữa thay thế các đoạn cáp ngầm cũ có nhiều hộp nối cáp, nhằm ngăn ngừa sự cố điện thuộc tuyến cáp Quốc Thanh, Thái Tổ, do Công ty Điện lực Sài Gòn làm chủ đầu tư. Công ty Điện lực Sài Gòn thuộc Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh. Đáng nói, việc thi công ở công trình này từng bị phản ánh và xử phạt trước đó nhưng vẫn tiếp tục tái diễn.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Sở GTVT TP HCM giao Thanh tra Sở thu hồi giấy phép thi công đối với công trình này, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra chất lượng tái lập mặt đường ở những công trình do Công ty Điện lực Sài Gòn làm chủ đầu tư. Nếu sai phạm thì yêu cầu xử phạt theo quy định và có thể áp dụng hình thức tăng nặng.

Sau đó, Công ty điện lực Sài Gòn nhận trách nhiệm về việc tái lập mặt đường bầy hầy, đồng thời xin lỗi người dân do ảnh hưởng an toàn giao thông.

4 tổng công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Dầu Việt Nam, Tổng CTCP Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, Tổng CTCP Vận tải Dầu khí)

Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power - POW) là 1 trong 4 Tổng công ty thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam vào diện kiểm toán 2020. Giai đoạn từ năm 2018 đến nay, PV Power tập trung vào cổ phần hóa. Năm 2018, PV Power đã IPO thành công với gần 20% vốn điều lệ được chào bán thành công và chỉ sau 1 năm, POW đã trở thành mã cổ phiếu có thương hiệu trên Sàn giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE). Lúc này, PV Power có thêm một thành phần rất quan trọng chính là các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Trong tháng 11, Nhà máy điện Cà Mau 1&2 thường xuyên được EVN/A0 huy động vận hành chu trình hỗn hợp 03 tổ máy bằng nhiên liệu khí, và 01 tổ máy bằng nhiên liệu dầu. Nhà máy vận hành an toàn, ổn định, đáp ứng huy động từ EVN/A0 và theo khả năng cấp khí.

Kế hoạch đề ra cho tháng 12, tổng sản lượng điện các nhà máy dự kiến là gần 2 tỷ kWh và sẽ mang về doanh thu gần 2.929 tỷ đồng.

Đơn vị tư vấn PECC2 đang hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4, dự kiến trình PV Power trong tháng 12/2019 để trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, thông qua.

PV Power đang tiếp tục làm việc với các tổ chức tín dụng, ngân hàng trong công tác thu xếp vốn cho dự án; đồng thời tổ chức làm việc với EVN EPTC và PV Gas để đàm phán các nội dung trong Hợp đồng mua bán điện và Hợp đồng mua bán khí cho dự án.

Ngoài ra, PV Power sẽ triển khai đàm phán với Ban Quản lý các khu công nghiệp Tín Nghĩa các vấn đề liên quan đến công tác thu hồi đất cho dự án.

Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL)chính thức trở thành công ty cổ phần từ 1/8/2018. Lĩnh vực kinh doanh của công ty: Kinh doanh và xuất nhập khẩu sản phẩm Ethanol, Xuất nhập khẩu và kinh doanh dầu thô trong và ngoài nước, Xuất nhập khẩu và kinh doanh sản phẩm dầu ở trong và ngoài nước, Phân phối và kinh doanh sản phẩm dầu, Xuất nhập khẩu sản phẩm dầu và các sản phẩm có nguồn gốc từ dầu, hóa chất; Kinh doanh và xuất khẩu vật tư thiết bị trong chế biến và kinh doanh sản phẩm dầu;

Doanh nghiệp này đang sở hữu hàng trăm cửa xăng trên toàn quốc. Công ty đặt mục tiêu, giai đoạn 5 năm sau cổ phần hóa (2018 - 2022) phát triển đột phá. Các chỉ tiêu cơ bản sẽ đạt vào năm 2022 như sau: thị phần 35%; tỷ trọng bán lẻ là 35%.

Theo đó, PVOIL có kế hoạch phát triển hơn 1.000 cửa hàng xăng dầu trong cả giai đoạn, bình quân hơn 200 cửa hàng/năm chủ yếu thông qua việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A).

Tổng CTCP Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam - PTSC (PVS)ngày 09/2/1993 được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam là: Công ty Địa vật lý và Công ty Dịch vụ dầu khí. Ngành nghề kinh doanh: dịch vụ đại lý tàu biển và môi giới hàng hải, dịch vụ cung ứng tàu biển; dịch vụ phục vụ hoạt động khảo sát địa vật lý, địa chất công trình; dịch vụ quản lý khai thác các tàu chứa dầu... 

Tổng tài sản đến cuối quý III/2019 đạt 26.030 tỷ đồng, trong đó đến 10.600 tỷ đồng là tiền, tương đương tiền và tiền gửi kỳ hạn ngắn. Hai dự án lớn PVS đang đầu tư dở dang là dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 (hơn 300 tỷ đồng) và dự án Bio Ethanol (gần 70 tỷ đồng).

Thời hoàng kim của giá dầu, PTSC-CGGV cùng nhiều công ty con và công ty liên kết đã chia cổ tức, lợi nhuận về PVS. Tuy nhiên, sự lao dốc của giá dầu từ năm 2014 không chỉ khiến kết quả kinh doanh các doanh nghiệp dấu khí sụt giảm, mà còn là nguyên nhân khiến liên doanh giữa PVS và đối tác Hà Lan không duy trì được hoạt động.

Cụ thể, sự lao dốc của giá dầu ảnh hưởng đến hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của các nhà thầu và tác động mạnh đến hoạt động của liên doanh ngàn tỷ do Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã PVS) và đối tác Hà Lan góp vốn.

Theo thông tin mới đây từ Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã PVS), Công ty TNHH Khảo sát Địa vật lý PTSC-CGGV, công ty liên doanh PVS và Công ty CGGVeritas Services Holding B.V (Hà Lan) với tỷ lệ lần lượt 51% và 49%, đang tiến hành thủ tục giải thể. Thông báo này được gửi đến PVS hôm 4/11/2019.

Trên báo cáo tài chính của PVS, giá trị khoản đầu tư vào liên doanh này là gần 598 tỷ đồng nhưng đã được trích lập dự phòng toàn bộ từ cuối năm 2018. Hoạt động thua lỗ của liên doanh buộc PVS phải trích lập dự phòng từ năm 2015 và tăng vọt số tiền trích lập vào năm 2016.

Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans) Hình thành từ năm 2007 với đội tàu chỉ có 5 chiếc, Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã PVT) hiện là doanh nghiệp sở hữu đội tàu vận tải dầu khí lớn nhất Việt Nam, với biên đội 30 chiếc và tổng tải trọng hơn 900.000DWT. PVTrans đang chiếm gần 100% thị phần vận tải dầu thô và khí hóa lỏng và 30% thị phần vận tải dầu thành phẩm. Kết thúc 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu hợp nhất đạt 5.995 tỉ đồng, tăng 2,5% trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 585,6 tỉ đồng, tăng 15,9%. Theo ước tính của Công ty Chứng khoán FPTS, tổng doanh thu năm 2019 của doanh nghiệp này đạt 8.167,1 tỉ đồng (tăng 4,3%), trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 897,1 tỉ đồng (tăng 15%), hoàn thành 224,3% kế hoạch năm.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, cơ cấu doanh thu của PVTrans có sự thay đổi gồm doanh thu vận tải tăng 19,2% và doanh thu dịch vụ cho thuê kho nổi tăng 37,1%. Các yếu tố trợ lực gồm có phần đóng góp doanh thu của 5 tàu mới mua. Sản lượng vận chuyển dầu thô, dầu thành phẩm gia tăng nhờ tham gia vận chuyển cho Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, vận hành thương mại từ ngày 12.11.2018. Về phía dịch vụ kho bãi, doanh thu tăng trưởng mạnh nhờ khối lượng công việc tăng thêm từ giai đoạn tiền vận hành của dự án Sao Vàng Đại Nguyệt.

Theo đơn vị chứng khoán, triển vọng đầu tư của PVTrans đến từ các yếu tố tích cực như (1) giá cho thuê tàu chạy tuyến quốc tế có xu hướng tăng; theo Công ty Môi giới vận tải Clarksons, giá cho thuê tàu quý IV/2019 tiếp tục ở mức cao hơn bình quân năm 2018; (2) việc mở rộng đội tàu có trọng tải lớn kỳ vọng giúp PVTrans nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị phần trên các tuyến vận tải quốc tế; (3) cổ tức tiền mặt ổn định: PVTrans trả cổ tức tiền mặt ổn định hằng năm ở mức 1.000 đồng/cổ phiếu, với tỉ suất cổ tức/thị giá là 7,03% trong năm 2015-2018.

Dù có nhiều điểm tích cực, song nhà đầu tư cũng cần lưu ý doanh nghiệp này với các yếu tố có ảnh hưởng đến doanh thu: (1) lịch bảo dưỡng của Nhà máy Nghi Sơn và Dung Quất, theo đó sẽ tạm ngừng hoạt động cho công tác duy tu nên ảnh hưởng đến doanh thu vận tải của PVTrans; (2) tàu kho nổi FSO Đại Hùng Queen cần phải bảo dưỡng, ảnh hưởng đến doanh thu dịch vụ kho nổi; (3) biến động về lãi suất, nếu lãi suất tăng, chi phí lãi vay sẽ tăng tương ứng; (4) biến động về giá dầu, nếu giá dầu tăng, khách hàng của PVTrans sẽ có động lực thuê tàu, doanh thu doanh nghiệp từ đó tăng và ngược lại.

Còn tiếp...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Điểm danh" 12 ông lớn vào tầm ngắm của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2020 (P1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO