Điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung (TX Đông Triều) có công suất 200 con/ngày nhưng hiện tại điểm này mới chỉ có 8 hộ đưa gia súc, gia cầm vào giết mổ.
Anh Nguyễn Văn Tuân – PGĐ Công ty CP chế biến lương thực, thực phẩm tập trung Đông Triều cho biết, cơ sở hạ tầng giai đoạn 1 doanh nghiệp đã đầu tư 6 tỷ đồng. Với số lượng 8 hộ dân vào giết mổ gia súc, gia cầm tại điểm giết mổ tập xã Hồng Thái Tây thì doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn.
Được biết, để hình thành hệ thống cơ sở giết mổ động vận tập trung, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, TX Đông Triều đã triển khai đề án đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn 2014 - 2020.
Đến nay, Đề án đã được Công ty CP Xây dựng và chế biến lương thực, thực phẩm Đông Triều triển khai đầu tư xây dựng điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung có công suất giết mổ trên 200 con/ngày đêm tại thôn 7, xã Hồng Thái Tây.
Được đưa vào hoạt động từ năm 2019 với 16 dãy chuồng, phục vụ nuôi nhốt hơn 312 con gia súc trước khi đưa vào giết mổ. Điểm giết mổ này được TX Đông Triều chỉ đạo phục vụ cho 62 hộ giết mổ gia súc, gia cầm của 6 xã phường khu vực phía đông của TX Đông Triều, từ phường Mạo Khê đến xã Hồng Thái Đông.
Mặc dù, tỉnh Quảng Ninh đã có chế độ hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện cho các hộ vào điểm giết mổ tập trung đến năm 2020 với mức là: 3.000 đồng/con gia cầm; 40.500 đồng/con lợn và 210.000 đồng/trâu, bò, ngựa. Các hộ chỉ trả cho doanh nghiệp 500 đồng/con gia cầm; 10.000 đồng/con lợn và 15.000 đồng/con trâu, bò…
Tuy nhiên từ khi đi vào hoạt động đến nay mới chỉ có 8 hộ ở 3 xã Hồng Thái Tây, Hồng Thái Đông và Hoàng Quế vào giết mổ tại đây, khoảng 30 con lợn/ngày. Trong khi các cơ sở kinh doanh giết mổ tại các phường Mạo Khê, Yên Đức, Yên Thọ vẫn duy trì giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư. Bởi, các hộ vẫn còn thói quen giết mổ tại nhà để tận dụng được lao động, giảm chi phí vận chuyển.
Ông Lê Văn Nhân – xã Hồng Thái Đông cho biết, trước đây gia đình ông mổ lợn tại nhà với điều kiện rất chật trội, còn không đảm bảo vệ sinh môi trường, người dân xung quanh cũng kêu ca rất nhiều. Từ khi vào trong điểm giết mổ tập trung thấy điều kiện rất thoải mái, sạch sẽ. Doanh nghiệp chỉ thu phí rất thấp 10.000 đồng/con lợn (do vẫn còn cơ chế hỗ trợ của tỉnh). "Với 10.000 đồng đó, trả tiền điện còn không đủ chứ chưa nói đến tiền nước" – ông Nhân nhấn mạnh.
Điều 64, Luật Thú y nêu rõ, đối với giết mổ động vật trên cạn, để kinh doanh phải được thực hiện tại cơ sở giết mổ động vật tập trung, đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y. Trong khi đó, TX Đông Triều còn 185 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư không đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y…
Có thể bạn quan tâm
13:44, 26/09/2019
18:09, 25/09/2019
10:38, 18/09/2019
Tại điểm giết mổ tập trung, cơ quan chuyên môn thường xuyên cơ mặt để kiểm soát vệ sinh thú y, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi đưa ra thị trường. Lợn trước khi đưa vào giết mổ phải được kiểm tra còn khỏe mạnh, đóng dấu, sau đó mới được mang ra chợ bán. Còn các điểm giết mổ tại nhà sẽ không thể kiểm soát được.
Tại các phường, xã đều có kiểm dịch viên thực hiện kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ, lăn dấu tại các chợ hằng ngày, nhưng hiệu quả chưa cao. Do chỉ kiểm tra tại chợ, nên không kiểm tra, kiểm soát được triệt để việc giết mổ tại các hộ gia đình.
Do vậy, để kiểm soát tốt vệ sinh thú ý, ngăn ngừa dịch bệnh, cũng như kiểm soát nguồn thịt lợn bán tại các chợ, TX Đông Triều cần có giải pháp kiên quyết đối với những điểm giết mổ nhỏ lẻ, không đủ điều kiện nhằm đảm bảo môi trường khu dân cư cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm.