"Điểm hội tụ" nhà đầu tư chiến lược

Lê Nam - Nguyễn Hà thực hiện 13/05/2019 11:19

Nhằm khơi dậy những tiềm năng, lợi thế, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho nhà đầu tư, quyết tâm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.

Báo DĐDN đã có buổi phỏng vấn ông Trần Tú Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Hà Tĩnh xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, so với các địa phương, các giải pháp thu hút đầu tư của Hà Tĩnh có điểm gì đặc biệt?

Trước hết, tỉnh đã làm tốt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội một cách bài bản, tầm nhìn chiến lược dài hạn, xác định mục tiêu và các trụ cột phát triển chính, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hà Tĩnh là 1 trong 2 địa phương đầu tiên trong cả nước thuê đơn vị tư vấn nước ngoài (Tập đoàn Monitor - Mỹ) lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngoài ra, Hà Tĩnh đã ban hành hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, nhằm khuyến khích đầu tư; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, nhất là thu hút các dự án lớn, các nhà đầu tư chiến lược. Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các giải pháp hữu hiệu mà tỉnh đã và đang triển khai: tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là hệ thống giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch và đô thị; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp,...

p/Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra sản xuất tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra sản xuất tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh

- Riêng Sở KHĐT đã đóng góp vai trò gì trong việc hiện thực hóa các giải pháp này, thưa ông?

Những năm qua, chúng tôi đã thực hiện hàng loạt CCHC trên lĩnh vực đầu tư và doanh nghiệp, tạo ra bước đột phá và thay đổi rõ rệt. Đặc biệt, rà soát đơn giản hóa và đưa vào Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh 100% TTHC; thường xuyên cải tiến quy trình thủ tục phối hợp xử lý, thẩm định hồ sơ thủ tục với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng hệ thống phần mềm quản lý dự án đầu tư của doanh nghiệp, HTX và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

- Để Hà Tĩnh thực sự có được bước tiến mới về thu hút đầu tư, lọt vào tốp những tỉnh thành có năng lực cạnh tranh cao, còn điều gì khiến ông trăn trở?

Năm 2018, lần thứ 3 liên tiếp chỉ số PCI của Hà Tĩnh tăng điểm số và thứ hạng. Tuy nhiên, các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện PCI vẫn cần thực hiện liên tục với nỗ lực không ngừng; phải tiếp tục đổi mới và sáng tạo tránh bị tụt lại phía sau, bởi địa phương nào cũng muốn vươn lên để quảng bá hình ảnh và thu hút đầu tư.

Do vậy, theo tôi, các ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch của UBND tỉnh triển khai Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ gắn với nâng cao chỉ số PCI; phân công đơn vị, cán bộ đầu mối theo dõi, xác định nhiệm vụ giải pháp cụ thể, rõ ràng, thiết thực, phù hợp thực tiễn ngành, lĩnh vực, cơ sở. Rà soát, phân tích đánh giá, xác định nguyên nhân thứ hạng thấp để có giải pháp cải thiện.

Đồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ đầu tư, đối thoại doanh nghiệp, nắm bắt tháo gỡ khó khăn vướng mắc, kịp thời giải quyết các phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư; tiếp tục xác định CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC và tổ chức bộ máy là yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng điều hành, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh. Tập trung đơn giản hóa, điện tử hóa thủ tục, rút ngắn thời gian xử lý TTHC.
Mặt khác, cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, khắc phục tình trạng "trên nóng dưới lạnh" bằng cách tăng cường đôn đốc, kiểm tra giám sát thực hiện nhiệm vụ; siết chặt kỷ cương, kỷ luật, xử lý nghiêm trách nhiệm cán bộ công chức và người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Hà Tĩnh hiện có 2 khu kinh tế (KKTCảng Vũng Áng và KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo); 3 khu công nghiệp (CCN Gia Lách, KCN Vũng Áng 1, KCN Hạ Vàng) và 25 cụm công nghiệp. Toàn tỉnh có hơn 1.305 dự án đầu tư, trong đó có 1.227 dự án trong nước (vốn đăng ký trên 108.400 tỷ đồng) và 78 dự án FDI (từ 17 nước và vùng lãnh thổ), với số vốn đăng ký trên 12 tỷ USD.

Nhiều dự án lớn đã đi vào hoạt động, như: Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa tại KKT Vũng Áng (tổng vốn đầu tư trên 11 tỷ USD), Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I (1,25 tỷ USD), Nhà máy bia Sài Gòn - Hà Tĩnh (500 tỷ đồng); Trung tâm thương mại, khách sạn và đô thị Vinperl (1700 tỷ đồng), Nhà máy chế biến gỗ MDF, HDF tại huyện Vũ Quang (vốn đăng ký 1.500 tỷ đồng)...

Một số dự án khác đang được tích cực triển khai như: Nhà máy chế biến gỗ MDF, HDF (vốn đăng ký 1.500 tỷ đồng) dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 4/2019; Nhà máy gỗ OKAL, OSB (2.343 tỷ đồng) của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt; Nhà máy may HAIVINA Hồng Lĩnh (15 triệu USD) của Công ty TNHH HAIVINA - Hàn Quốc; 02 dự án Nhà máy điện mặt trời tại huyện Cẩm Xuyên của Công ty GA. Power LTE. LDT - Cộng hòa LB Đức, tổng công suất 58 MW (tổng vốn đầu tư 46,6 triệu USD).

Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư lớn đang nghiên cứu các dự án về du lịch, đô thị, giáo dục; sản xuất điện (mặt trời, gió, sinh khối...), cảng biển, như: tập đoàn Vingroup, T&T, FLC...; Các công ty Crystial, ME-LE Biogas GmbH (CHLB Đức), Điện lực Đông Nam (Hàn Quốc), Weiyu (Đài Loan)...

Trong thời gian tới, Hà Tĩnh tập trung ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp công nghệ cao; Du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái; Dịch vụ logistics; Hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu đô thị.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Điểm hội tụ" nhà đầu tư chiến lược
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO