Từng là niềm kỳ vọng của ngành hoá chất, nhưng ngay sau khi đưa vào hoạt động (năm 2012), Nhà máy Đạm Ninh Bình luôn chìm đắm trong thua lỗ.
Đầu năm 2017, sau khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Đạm Ninh Bình bắt đầu gượng dậy sản xuất nhưng khó khăn vẫn bủa vây doanh nghiệp này. Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình được khởi công vào ngày 10/5/2008 với tổng mức đầu tư là 667 triệu USD (tương đương 12.000 tỷ đồng). Từ ngày 15/10/2012, Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình tiếp nhận, quản lý và vận hành nhà máy.
Trong giai đoạn 2012-2015, nhà máy liên tục rơi vào tình trạng thua lỗ. Theo báo cáo nghiên cứu khả thi, lỗ kế hoạch được đặt ra trong 3 năm đầu là hơn 47,9 triệu USD (1.025 tỷ đồng - quy đổi theo tỷ giá ngày 31/12/2014), từ năm thứ 4 trở đi nhà máy sẽ có lãi.
Trên thực tế, tổng lỗ lũy kế từ khi nhà máy đi vào sản xuất năm 2012 đến ngày 31/12/2014 là 1.719 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch là 694 tỷ đồng. 4 năm sau khi đi vào hoạt động, vào năm 2015, nhà máy tiếp tục lỗ 364 tỷ đồng. Đến nay, dự án không có hiệu quả về kinh tế, phải tạm dừng sản xuất, người lao động thực hiện nghỉ luân phiên.
Để giảm lỗ, công ty này kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn trả nợ vay cho các hợp đồng của VDB thành 20 năm, điều chỉnh lãi suất cho vay thành 3% trong thời gian 2017-2022.
Từ năm 2022 trở đi mức lãi suất nào cao hơn 8,55% sẽ được điều chỉnh về mức lãi suất được Bộ Tài chính công bố hàng năm; nợ lãi chưa trả đến 31/12/2016 được trả dần trong 5 năm 2017-2021; giãn mức trích khấu hao tài sản trong giai đoạn 2017-2021 với mức 50% như đã áp dụng trong năm 2016….
Đánh giá về Nhà máy Đạm Ninh Bình, PGS. TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho rằng, nhà máy này không bao giờ có thể có lãi vì lựa chọn địa điểm sai, chi phí vận chuyển cao; công nghệ lạc hậu, lỗi thời; đầu tư quá lãng phí... Bản thân Vinachem cũng hiểu rõ điều này mà vẫn lấy lý do đợi lãi mới cổ phần hóa.
“Kể cả thực hiện cổ phần hóa tôi cũng không tin sẽ có người sẽ mua. Không ai dại gì bỏ tiền mua một nhà máy đã biết chắc nó không hiệu quả. Vấn đề bây giờ là phải làm cho rõ ràng trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức để xử lý tới nơi tới chốn", ông Nam nói. Và theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, giải pháp tốt nhất là để nhà máy này phá sản.
Cùng bàn luận về vấn đề trên, ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cũng cho biết, quyết định đầu tư nhà máy Đạm Ninh Bình là một sai lầm, bao gồm từ các vấn đề về năng lực điều hành, quản lý cho tới những tính toán đầu tư, xây dựng...
Ông Hải cho rằng, cách giải quyết triệt để đối với tình trạng trên là chấm dứt cho đầu tư mới đối với những DNNN đang nằm trong diện phải cổ phần hóa. Hạn chế sử dụng vốn vay ODA, hạn chế vay ngoại tệ.
Những doanh nghiệp thật sự có năng lực, có tầm nhìn họ luôn coi vốn vay ODA như con dao hai lưỡi. Sử dụng vốn vay ODA cũng đồng nghĩa với việc đẩy doanh nghiệp vào cảnh phải đối diện với những hậu họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì sử dụng vốn ODA nghĩa là phải lựa chọn nhà thầu, phải sử dụng công nghệ của nước cho vay vốn... ngay cả mức vốn vay cũng không hề được coi là ưu đãi, do lãi suất thấp nhưng suất đầu tư lại rất cao. Vì vậy, doanh nghiệp không hề hào hứng.
“Thế nhưng các DNNN lại rất hào hứng với nguồn vốn này theo ông Hải là do yếu tố vụ lợi. Có những cán bộ quản lý nhà nước thích sử dụng vốn ODA vì họ không nghĩ tới lợi ích chung mà chỉ cần nghĩ đến lợi ích trước mắt, lợi ích của cá nhân họ. Vì vậy mới những dự án được thực hiện bằng được dù biết chắc nó không hiệu quả", ông Hải nói.