Hạn chế công suất lưới truyền tải điện, không đáp ứng được với công suất sản xuất khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong phát triển các dự án năng lượng tái tạo.
Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Hải Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Năng lượng Tái tạo BIM (Tập đoàn BIM Group) cho biết, là doanh nghiệp đầu tư dự án điện Mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận, doanh nghiệp đã gặp khó khăn trong việc hạn chế công suất lưới truyền tải.
“Các dự án đấu nối lưới 110kV tại Ninh Thuận đã có một năm 2019 khó khăn. Trước thực tế đó, Chính phủ, Bộ Công thương, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tích cực chỉ đạo, cùng với nỗ lực đầu tư của EVN trong vòng một năm qua để đầu tư, xây dựng lưới truyền tải. Đây là quyết định đúng đắn, kịp thời”, ông Nguyễn Hải Vinh chia sẻ.
Dự kiến, hơn 2.000MW điện mặt trời sẽ được xây dựng đến cuối năm 2020. Trong đó, BIM Group dự kiến sẽ có thêm 50MW được đưa vào vận hành nâng tổng công suất lên trên 400MWp điện Mặt trời đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận. Do đó, doanh nghiệp mong muốn những tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp về lưới truyền tải tiếp tục đi đúng hướng như hiện nay.
Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận ông Phạm Văn Hậu thừa nhận địa phương có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo nhưng về lưới truyền tải mới chỉ có 3 dự án 500 kV được triển khai (2 dự án của EVNNPT, 1 dự án của tư nhân đầu tư theo chấp thuận của Thủ tướng), 3 dự án 220 kV và 6 dự án 110 kV của ngành điện đang triển khai với tổng vốn đầu tư hơn 10.800 tỉ đồng.
Để khắc phục khó khăn này, doanh nghiệp tư nhân đã tự mình đầu tư vào xây dựng đường truyền tải. Điều đáng nói, con đường để một doanh nghiệp tư nhân làm đường dây truyền tải không hề bằng phẳng. Thậm chí đối mặt rủi ro.
"Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, điện gió chỉ áp dụng trong thời gian quá ngắn, trong khi thủ tục đầu tư dự án kéo dài, qua nhiều công đoạn, đã ảnh hưởng tới tâm lý, tiến độ triển khai cũng như sự rủi ro cho các nhà đầu tư", ông Hậu cho biết.
Tại Ninh Thuận, vào năm 2019, Tập đoàn Trung Nam đã có được chủ trương xây dựng nhà máy điện mặt trời 450 MW công ty này còn thay Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đầu tư trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và đường dây 500 kV Thuận Nam - Vĩnh Tân dài 15,5km.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũng lo lắng thay doanh nghiệp khi Luật Điện lực nêu “truyền tải là độc quyền nhà nước”. Song Luật Điện lực không nêu rõ khâu nào trong lĩnh vực truyền tải thuộc “độc quyền Nhà nước” (đầu tư - vận hành - quản lý).
Do đó, cần phải làm rõ hoạt động truyền tải chỉ độc quyền khâu vận hành quản lý, hay cả khâu đầu tư. Cần thiết phải có giải thích Luật của Ủy ban thường vụ quốc hội nhằm làm rõ hơn về khái niệm độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải.
“Bên cạnh đó, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, thủ tục chuyển đổi đất rừng còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, thủ tục kéo dài ảnh hưởng đến việc phát triển năng lượng tái tạo. Hoặc vấn đề truyền tải điện cũng vướng quy hoạch điện lực... Đó là những vướng mắc cần sớm tháo gỡ”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tâm Tiến, TGĐ Tập đoàn Trung Nam khẳng định, Nghị quyết số 55-NQ/TW đã giải quyết hai vấn đề lớn là cho phép tất cả các thành phần kinh tế đều được tham gia vào phát triển năng lượng. Đồng thời, tháo bỏ những rào cản và xoá bỏ độc quyền để tư nhân tham gia vào truyền tải.
TGĐ Tập đoàn Trung Nam cho rằng điều này là đòn bẩy giúp doanh nghiệp tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng nhanh và bền vững. Đơn cử với một đường dây truyền tải 500kV doanh nghiệp tư nhân chỉ làm 6 tháng, nhưng EVN phải mất đến 4 năm vì nhiều lý do. Do đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân vào cả phát triển nguồn năng lượng và hạ tầng sẽ đẩy nhanh thực hiện các dự án nói riêng và phát triển thị trường năng lượng nói chung.
“Chính phủ đã cho chúng tôi đòn bẩy, nhưng cần hành lang cơ chế để bật lên. Mong rằng các Bộ ngành đưa ra hành lang pháp lý và các điều kiện cần và đủ để tư nhân tham gia vào thị trường năng lượng”, ông Tiến đề xuất.
Có thể bạn quan tâm
10:36, 22/07/2020
07:00, 15/07/2020
22:15, 14/07/2020
21:34, 09/07/2020
02:38, 06/07/2020