“Điểm nghẽn” trong chuyển đổi số doanh nghiệp

TUẤN VỸ 20/08/2023 00:33

Mặc dù xác định rằng chuyển đổi số là yếu tố “sống còn” của doanh nghiệp, song nhiều đơn vị tại tỉnh Quảng Nam vẫn còn nhiều khó khăn trong việc bắt đầu tiến trình của mình.

>>>“Vực dậy” du lịch miền núi Quảng Nam

Nguyên nhân đầu tiên được chỉ ra là phần lớn các doanh nghiệp tại Quảng Nam thuộc quy mô nhỏ và vừa, siêu nhỏ nên khó đáp ứng được các yêu cầu chuyển đổi số.

 Giới thiệu sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử ở Quảng Nam

Giới thiệu sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử ở Quảng Nam


Doanh nghiệp vẫn khó

Tại Quảng Nam, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm được chính quyền tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện, đặt ra mục tiêu sớm trở thành địa phương nằm trong top đầu của cả nước về chuyển đổi số vào năm 2030, kèm theo những giải pháp đột phá, để nhanh chóng hiện thực hóa mục tiêu “chính quyền số, kinh tế số và xã hội số”. Đối với các doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Nam, ứng dụng chuyển đổi số là một xu thế khách quan tất yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Mặc dù mục tiêu đã có, song việc chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn từ chính nội tại của đơn vị. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp gặp hạn chế về nguồn tài chính triển khai chuyển đổi số bởi không chỉ đầu tư mà doanh nghiệp còn phải chịu các chi phí thay đổi quy trình, đào tạo nhân sự để thích ứng với quy trình mới,...

Cùng với đó, chưa thể nhìn rõ kết quả, lợi ích của chuyển đổi số khi quyết định chuyển đổi cũng đã khiến các doanh nghiệp đắn đo trong lúc đầu tư. Ngoài ra, khi các các doanh nghiệp quyết định lựa chọn mua giải pháp thông qua tư vấn của các nhà cung cấp giải pháp công nghệ và đôi khi chưa khách quan và phù hợp nhất với cơ sở sản xuất kinh doanh. Còn nhiều nguyên nhân khác như công nghệ, quy trình thực hiện, giải pháp triển khai,... chưa đủ thông tin rõ ràng cũng tác động đến doanh nghiệp.

Ông Trần Xuân Dung, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đại Dương Kính cho hay doanh nghiệp vẫn còn nhiều boăn khoăn trong việc lựa chọn ứng dụng để triển khai chuyển đổi. Cụ thể, doanh nghiệp vẫn đang tìm kiếm một phần mềm có thể giải quyết được vấn đề vừa xử lý công việc vừa giao việc, kiểm soát đánh giá KPI.

“Hiện tại, doanh nghiệp đang xây dựng tiến trình đánh giá KPI, nhưng để tạo ra môi trường làm việc công bằng, giúp nhân viên làm việc tốt hơn thì vẫn là giải pháp mà đơn vị đang đi tìm”, ông Dung cho biết.

Trong một buổi trao đổi với phóng viên, ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam nhìn nhận đối với doanh nghiệp, chuyển đổi số là một câu chuyện khó về quy mô, tính chất của doanh nghiệp. Theo ông Bảo, đối với doanh nghiệp lớn thì sẽ tập trung cải thiện về các thủ tục hành chính liên quan đến quản trị điều hành, còn những doanh nghiệp khởi nghiệp, nhỏ và vừa thì mức độ để tiếp cận chuyển đổi số thì mới mang tính chất sơ khai. “Nghĩa là họ chỉ sử dụng công nghệ để quảng bá hình ảnh và bán hàng, để tăng doanh thu chứ chưa đi sâu vào quản trị”, ông Trần Quốc Bảo thông tin.

Chuyển đổi số là mục tiêu của địa phương

Theo tìm hiểu, hiện nay đang có 9148 doanh nghiệp đang hoạt động tại Quảng Nam, trong đó số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa là 8398 đơn vị. Đồng thời, tại Quảng Nam cũng có hơn 1000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông.
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm đã có 24.300 lượt giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Như thế cho thấy rằng cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thể hiện mối quan tâm đến công cuộc chuyển đổi số.

Từ đó, tỉnh Quảng Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, có tối thiểu 1.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tham gia các hội thảo, khóa đào tạo, tập huấn để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Phấn đấu 40% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng các hình thức thương mại điện tử, 50% doanh nghiệp có website riêng để quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Hỗ trợ tối thiểu 100 doanh nghiệp thử nghiệm các nền tảng số để chuyển đổi số.

Ngoài ra, địa phương này cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số doanh nghiệp, triển khai các khóa tập huấn, đào tạo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp, tổ chức đào tạo chuyên sâu theo quy mô, giai đoạn, lĩnh vực, nền tảng chuyển đổi số cụ thể… Cùng với đó, tỉnh Quảng Nam sẽ tìm kiếm, đánh giá, lựa chọn các doanh nghiệp tiềm năng, ưu tiên lĩnh vực sản xuất, chế biến, nông nghiệp, du lịch… để hỗ trợ chuyển đổi số, triển khai các gói hỗ trợ chuyển đổi số chuyên biệt cho từng doanh nghiệp sau khi được đánh giá và lựa chọn, tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.

Để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về nhiệm vụ phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT. Song song là xây dựng khu CNTT tập trung của tỉnh để tạo điều kiện, thu hút các doanh nghiệp CNTT tham gia đầu tư.

Nói về câu chuyện chuyển đổi số, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận định các doanh nghiệp, địa phương đang đi đúng hướng, tốc độ chuyển đổi đang ở mức độ tương đối. Ngoài ra, ông Bửu cũng cho hay địa phương đang có kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia thực hiện chuyển đổi số.

Về phương án, ông Bửu đề xuất các chương trình không nên làm miễn phí mà là nên có thu phí một ít nhưng có trách nhiệm. Như vậy, cộng đồng doanh nghiệp sẽ thay đổi tư duy hoạt động, từng bước chuyển đổi theo hướng có hiệu quả.
“Về hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương sẽ lên kế hoạch, trước mắt sẽ chuyển đổi một số chính sách có từ trước để phù hợp hơn và làm thì phải có kết quả”, ông Hồ Quang Bửu cho hay.

Có thể bạn quan tâm

  • Chủ tịch HĐQT MB: “Chuyển đổi số không có nghĩa ngay lập tức phải đầu tư một số tiền lớn”

    06:24, 18/08/2023

  • Tư duy số thúc đẩy chuyển đổi số

    03:00, 17/08/2023

  • Thái Bình: Chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan thúc đẩy phát triển cho doanh nghiệp

    00:06, 19/08/2023

  • Bình Dương phấn đấu đạt Top 10 về cải cách hành chính, chuyển đổi số

    18:09, 18/08/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Điểm nghẽn” trong chuyển đổi số doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO