Hành vi, tính cách, sở thích, mối quan hệ, lịch sử tín dụng của người dân... sẽ được hệ thống máy tính theo dõi và cho điểm.
Theo đó, người được điểm cao sẽ là người tốt và sẽ được xã hội coi trọng, trong khi người được điểm thấp sẽ là người xấu và bị cho ra rìa xã hội.
Đây không phải là viễn tưởng, mà là hệ thống được người Trung Quốc triển khai và dự tính đưa vào đại trà năm 2020. Ở Mỹ cũng có ý tưởng tương tự để lượng hoá “độ tốt” của người dân. Liệu đây có phải là 1 ý tưởng hay?
Điểm "Tín nhiệm xã hội" của Trung Quốc
Ngày 1/5/2018, chính phủ Trung Quốc đã chính thức áp dụng những “phần thưởng” và “hình phạt” đầu tiên với hệ thống “Điểm tín nhiệm xã hội”. Theo đó, những người có điểm tín nhiệm cao được cho là những người tốt. Họ sẽ được xã hội coi trọng, nhận được ưu đãi như vay với lãi suất thấp, được đãi ngộ VIP tại sân bay, học tại các trường đại học hàng đầu, và có được các công việc tốt nhất. Còn những người có điểm tín nhiệm thấp được cho là những người xấu. Họ sẽ gần như bị cho ra rìa của xã hội, bị cấm du lịch, không được vay vốn, con cái của họ không được học trường điểm. Thậm chí nhiều dịch vụ online ở Trung Quốc cũng đã yêu cầu mức điểm tín nhiệm xã hội tối thiểu để được đăng ký thành viên.
Đây là 1 chương trình nhằm điều chỉnh người dân và doanh nghiệp trở nên tốt hơn, giúp đỡ và yêu thương nhau nhiều hơn, giảm thiểu tệ nạn xã hội, cùng nhau xây dựng 1 xã hội ổn định và an toàn.
Hệ thống này được vận hành thông qua mô hình của Sesame Credit thuộc Alibaba. Mô hình lượng giá “độ tin cậy” của 1 cá nhân theo 5 yếu tố chính: Lịch sử tín dụng, Tính cách cá nhân, Hành vi & Sở thích, Các mối quan hệ liên cá nhân, Khả năng thực hiện nghĩa vụ.
Mô hình đánh giá độ tin cậy của 1 người của Sesame Credit
Có thể bạn quan tâm
06:45, 25/11/2018
06:00, 19/05/2018
Để có dữ liệu cho mô hình, chính quyền Trung Quốc cho lắp đặt hệ thống hàng trăm triệu camera trên mọi ngóc ngách đường phố. Những camera này được trang bị chế độ nhân diện khuôn mặt và quét cơ thể để nhận diện chính xác đến từng người dân, đảm bảo không một hành vi nào ở nơi công cộng không được ghi nhận, từ xả rác, vượt đèn đỏ cho đến giúp đỡ người già qua đường. Chính phủ Trung Quốc cũng lấy dữ liệu thông qua các công ty công nghệ. Alibaba là 1 ví dụ, với độ phủ sóng từ nền tảng thương mại điện tử, thanh toán, mạng xã hội, du lịch và nhà đất, họ đã thu thập được hơn 3.000 đầu dữ liệu trên mỗi cá nhân.
Trung Quốc không phải Quốc gia đầu tiên lượng hoá độ tốt của công dân. Từ đầu thế kỷ 20, một số nhóm tình nguyện của Mỹ đã thử nghiệm áp dụng mô hình “Ngân hàng thời gian” (Timebanking). Mô hình này dùng để đo lường thời gian hoạt động công ích của người dân và quy ra tiền.
Bất kể việc đó là gì, từ chăm sóc trẻ em, sửa chữa nhà, quét dọn đường phố,... mỗi giờ sẽ tương ứng với 1 số tiền nhất định, tuỳ quy định của từng khu vực. Mô hình này nhằm công nhận những đóng góp thầm lặng cho cộng đồng, và khuyến khích người dân trở nên “tốt” hơn. Người nào càng tốt thì sẽ được càng nhiều tiền - một phong cách rất Mỹ.
Nhưng rất khác với Trung Quốc, mô hình này của Mỹ được vận hành một cách tự nguyện, do các tổ chức, cá nhân thực hiện, và không có hình phạt với những người “xấu”. Mô hình của Mỹ đã được thử nghiệm hơn 200 khu vực trên khắp nước Mỹ, nhưng hiện đã… thất bại.
Thúc đẩy lòng tốt con người?
Lòng tốt của con người vốn là 1 thứ không thể đo lường dễ dàng được. Chương trình của Trung Quốc hiện đang gặp phải những chỉ trích gay gắt, với lo sợ nó có thể biến thành 1 cỗ máy nhào nặn con người đúng theo 1 vài khuôn mẫu được định sẵn.
Khi gặp 1 người ăn xin, có người vì rung cảm sẽ cho chút tiền, nhưng cũng có người vì không muốn cổ vũ cho hành vi lười lao động sẽ không cho tiền. Những quan điểm khác nhau tạo thành 1 xã hội đa dạng, và đầy màu sắc. Nhưng khi áp dụng hệ thống này, liệu nhóm thứ 2 có bị coi là thiếu sự đồng cảm và bị trừ điểm hay không?
Hệ thống chấm điểm sẽ là 1 quyển sách giáo khoa, trong đó ghi chi tiết mọi cách cư xử mà 1 người công dân tốt phải làm theo: Khi đi siêu thị phải thế này, khi đi ăn phải thế kia, khi có thời gian rảnh nên giải trí như thế nào, khi lên mạng nên vào trang web gì, khi đọc sách nên chọn quyển nào...
Cả xã hội sẽ chạy theo hệ thống điểm. Con người bị biến thành những cỗ máy với 1 logic duy nhất: “Khi gặp vấn đề A, phải cư xử kiểu B để được cộng điểm”. Một xã hội mà bên ngoài trật tự, đẹp đẽ đến dường nào thì bên trong lại vô cảm, đáng sợ đến dường ấy.
Một xã hội mà mỗi ngày ta trao cho bạn mình những nụ cười, và những cái ôm nồng nhiệt. Nhưng khi ở một mình lại cảm thấy trống rỗng, vì ta biết rằng bạn mình làm như vậy chỉ để được camera ghi nhận, và chính bản thân ta tỏ ra thân thiện cũng chỉ để cải thiện điểm số. Một xã hội mà khi 1 anh thanh niên giúp 1 bà cụ qua đường, trong đầu anh thanh niên là số điểm mình sẽ được cộng thêm chứ không phải là lòng trắc ẩn khi giúp được bà lão.
Liệu chúng ta sẽ sống như thế nào trong 1 thế giới như vậy? Chúng ta còn có thể sống và hành động theo ý chí của mình nữa hay không? Hay suốt ngày, kể cả lúc ở ngoài nơi công cộng, kể cả lúc lướt điện thoại 1 mình, đều lo lắng xem liệu mình đã đáp ứng tốt các tiêu chí hay không?. Đó hẳn không phải là điều gì dễ chịu khi tưởng tượng tới.