Kinh tế

Điểm trung chuyển quan trọng cho hoạt động xuất khẩu nông sản

Lê Cường 24/07/2025 00:20

Với vị trí địa lý thuận lợi và hệ thống cửa khẩu đường bộ, đường biển phát triển, Quảng Ninh đang trở thành điểm trung chuyển quan trọng cho hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Nhận thấy tiềm năng to lớn này, tỉnh Quảng Ninh đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu trên địa bàn, đặc biệt là cửa khẩu quốc tế.

Nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng

Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tích cực, đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước.

Với vị trí chiến lược, hệ thống cửa khẩu đa dạng và chính sách hỗ trợ linh hoạt, Quảng Ninh đang trở thành điểm trung chuyển nông sản quan trọng. Đặc biệt với thị trường Trung Quốc - đối tác thương mại nông sản lớn nhất của Việt Nam.

1(1).jpg
Trong thời gian qua,hoạt động XNK nông sản qua biên giới đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế (Ảnh Báo Quảng Ninh)

Theo ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh: Một trong những ưu tiên hàng đầu của Quảng Ninh là tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính. Các cơ quan chức năng tại cửa khẩu đã và đang nỗ lực số hóa quy trình, rút ngắn thời gian thông quan, áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ doanh nghiệp. Điều này giúp giảm thiểu chi phí và thời gian cho các đơn vị xuất khẩu, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản tươi sống yêu cầu tốc độ cao. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung đầu tư vào hạ tầng logistics.

Các khu vực kho bãi, bến bãi được nâng cấp, mở rộng; hệ thống đường sá kết nối đến cửa khẩu được cải thiện. Việc xây dựng các trung tâm logistics chuyên biệt cho nông sản, với kho lạnh và hệ thống bảo quản đạt chuẩn, cũng đang được đẩy mạnh để đảm bảo chất lượng hàng hóa trong suốt quá trình vận chuyển và thông quan.

Quảng Ninh cũng chú trọng liên kết vùng và phát triển chuỗi giá trị. Tỉnh chủ động kết nối với các địa phương có nguồn nông sản dồi dào như Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn, tạo thành các hành lang vận chuyển nông sản hiệu quả. Đồng thời, các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ nông sản được tổ chức thường xuyên nhằm quảng bá sản phẩm, kết nối doanh nghiệp với các đối tác nước ngoài.

Việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Quảng Ninh, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp đạt các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế (VietGAP, GlobalGAP) là yếu tố then chốt để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.

Theo báo cáo của Chi cục Hải quan khu vực VIII, trong 6 tháng đầu năm, tổng lượng nông sản xuất khẩu qua địa bàn đạt 319.500 tấn, trị giá 350 triệu USD, tăng 54% về sản lượng và 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, tại Lối mở Km3+4, phường Móng Cái 3 đạt 247.200 tấn, trị giá 283 triệu USD, tăng 125% về số lượng và tăng 119% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024, chiếm tới 77% tổng lượng nông sản thông quan.

Đáng chú ý, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu thành công lô sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc qua cửa khẩu cầu Bắc Luân II vào ngày 30/5. Đây là bước ngoặt mở ra cơ hội mới cho ngành trái cây Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh sầu riêng tươi gặp khó khăn về kỹ thuật và thời vụ khi xuất sang thị trường Trung Quốc. Việc đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu từ tươi sang đông lạnh, sấy thăng hoa, chế biến sâu không chỉ giúp nâng cao giá trị gia tăng mà còn giúp doanh nghiệp chủ động hơn trước các biến động về chính sách và thị trường.

Chủ động hỗ trợ

Được biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành các Công điện số 59 và 71/CĐ-TTg về bảo đảm tiêu thụ và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là mặt hàng sầu riêng, Chi cục Hải quan khu vực VIII đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị tạo điều kiện tối đa cho hàng hóa nông sản được thông quan nhanh chóng. Chi cục cũng ban hành công văn 6491/CHQ-GSQL yêu cầu các đơn vị ưu tiên xử lý nhóm hàng nông sản, giảm thiểu thủ tục hành chính và xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh.

2(3).jpg
Hoạt động XNK qua Lối thông quan Bắc Phong Sinh (Ảnh Báo Quảng Ninh)

Các cửa khẩu có thế mạnh trong xuất khẩu nông sản như: Bắc Luân II, Lối mở Km3+4, Bắc Phong Sinh và Hoành Mô đều được bố trí cán bộ trực 24/24h, kể cả cuối tuần và ngày lễ để đảm bảo dòng hàng không bị gián đoạn...

Chi cục Hải quan khu vực VIII đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng, kiểm dịch, các doanh nghiệp kinh doanh kho bãi và Hải quan Trung Quốc để điều tiết phương tiện, phân luồng hợp lý, giảm thiểu tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu - đặc biệt trong các mùa cao điểm thu hoạch nông sản.

Để tiếp tục phát huy đà tăng trưởng và mở rộng quy mô xuất khẩu nông sản qua địa bàn, tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các địa phương và ngành chức năng tập trung triển khai các giải pháp trọng tâm, trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng logistics chuyên biệt cho nông sản. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm dịch vụ logistics nông sản tại khu vực cửa khẩu, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cửa khẩu thông minh, ứng dụng công nghệ số trong quy trình kiểm tra, thông quan nhằm tăng hiệu suất xử lý.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu sạch, áp dụng tiêu chuẩn HACCP, VietGAP, GlobalGAP, cũng như đầu tư công nghệ chế biến sâu (cấp đông nito, sấy thăng hoa, đóng gói thông minh...) để tăng giá trị xuất khẩu và phù hợp với yêu cầu khắt khe từ các thị trường lớn; thường xuyên tổ chức các hội nghị tham vấn giữa hải quan và doanh nghiệp nhằm lắng nghe khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, đồng thời cập nhật thông tin chính sách mới từ nước bạn. Đây là một hình thức “đồng hành cùng doanh nghiệp” rất hiệu quả, giúp xây dựng niềm tin và thúc đẩy liên kết công - tư trong xuất khẩu.

Quảng Ninh với lợi thế “cửa ngõ” của cả miền Bắc đang chứng minh vai trò đầu tàu trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền - doanh nghiệp - lực lượng chức năng, hoạt động xuất khẩu nông sản qua địa bàn Quảng Ninh chắc chắn sẽ tiếp tục bứt phá, góp phần hoàn thành mục tiêu 8 tỷ USD xuất khẩu rau quả trong năm 2025 của Việt Nam.

Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp XNK hoạt động hiệu quả, từ đầu năm 2025 đến nay, các ngành khối, lực lượng chức năng tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh tích cực rà soát, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình làm thủ tục, điều tiết phương tiện vận tải, đảm bảo thông suốt hoạt động XNK 24/7.

Theo UBND phường Móng Cái 1, địa bàn trọng điểm về XNK cho biết: Cùng với hệ thống hạ tầng cửa khẩu được đầu tư đồng bộ, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai kịp thời, chính quyền phường cũng đang đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực mũi nhọn như: Logistics, chế biến nông sản, xuất khẩu thủy sản... Từ đó, góp phần đưa hoạt động XNK đi vào chiều sâu, ổn định, ngày càng chuyên nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và thu hút thêm nhiều doanh nghiệp mới đến đầu tư, tham gia chuỗi XNK trên địa bàn.

Anh Nguyễn Văn Hải, đại diện Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ XNK Minh Hải, chia sẻ: Trong 6 tháng đầu năm, đơn hàng của doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu rất tích cực, tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các hoạt động XNK ổn định, lâu dài và từng bước mở rộng quy mô giao thương.

Được biết, từ đầu năm 2025 đến ngày 15/6, tổng trọng lượng hàng hóa XNK qua các cửa khẩu đạt gần 1,2 triệu tấn, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2024.

Nhờ những nỗ lực này, hoạt động xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Tỉnh Quảng Ninh vẫn đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và hạ tầng để giữ vững vị thế là cửa ngõ xuất khẩu nông sản quan trọng của cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Điểm trung chuyển quan trọng cho hoạt động xuất khẩu nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO