“Điểm tựa” phục hồi kinh tế

NGUYỄN VIỆT thực hiện 13/11/2021 04:00

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn TP HCM) đề xuất chuyển 100.000 tỷ đồng đầu tư công sang để hỗ trợ các doanh nghiệp và phòng, chống dịch.

>>>>> Xem thêm: phục hồi kinh tế

Theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội, để phục hồi được nền kinh tế nhất thiết phải có các gói kích cầu đủ mạnh, có sự hỗ trợ hiệu quả về tín dụng, tài chính để duy trì lại các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Để giúp các doanh nghiệp "tăng tốc" trong thời gian tới, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn TP HCM) đề xuất chuyển 100.000 tỷ đồng đầu tư công sang để hỗ trợ các doanh nghiệp và phòng, chống dịch.

Dành 4% cấp bù lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp

Lấy dẫn chứng TP HCM, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TP HCM tuy có số lượng doanh nghiệp lớn nhất cả nước, với khoảng 288.000 doanh nghiệp và 400.000 hộ kinh doanh. Câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp đang cần gì? Mặc dù kinh tế thành phố năm nay dự kiến tăng trưởng âm 5%, song các tiền đề vật chất, tinh thần quan trọng nhất của nền kinh tế đóng góp 23% GDP, 27% thu ngân sách vẫn còn nguyên vẹn.

Theo dự báo, chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp tự khởi động lại, không cần hỗ trợ. Còn 80% cần hỗ trợ Nhà nước để có đủ vốn lưu động với mức bình quân cho vay khoảng 5 tỷ đồng/doanh nghiệp và 25 triệu đồng/hộ kinh doanh cá thể.

Theo tính toán, với tổng mức vay khoảng 440.000 tỷ đồng thì có thể khởi động lại hầu hết cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Tuy nhiên nếu tính tổng các nguồn vốn chúng ta còn thiếu cho khoản vay trên khoảng 100.000 tỷ đồng. Số tiền này có thể có sẵn trong vốn đầu tư công chưa dùng hết.

Từ phân tích trên, ông Nhân kiến nghị Quốc hội cho phép chuyển 100.000 tỷ đầu tư công không chi hết năm nay sang để hỗ trợ các doanh nghiệp và phòng, chống dịch. “Đây là cơ hội để giúp các doanh nghiệp "tăng tốc" trong thời gian tới”, ông Nhân bày tỏ.

Nhưng còn một vấn đề cũng rất đáng quan tâm là nếu gói hỗ trợ này được Quốc hội thông qua thì nó sẽ được phẩn bổ ra sao? Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho biết, Bộ Tài chính rất ủng hộ các gói kích cầu để đảm bảo thúc đẩy kinh tế phát triển. “Chúng tôi đang tham mưu cho Chính phủ gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất mỗi năm khoảng 20.000 tỷ đồng, hai năm khoảng 40.000 tỷ đồng. Đặc biệt, với gói hỗ trợ cấp bù lãi suất 4% thì chúng ta có 1 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lãi suất kích cầu đầu tư, phục vụ an sinh xã hội năm 2009 với giá trị 1 tỷ USD dẫn đến nợ xấu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thay vì hỗ trợ trên diện rộng và dàn trải sẽ hạn chế lại, việc hỗ trợ cần tập trung vào các đối tượng có khả năng đầu tư. Đặc biệt là các đối tượng vay không có nợ xấu và đảm bảo đủ điều kiện vay với thủ tục đơn giản, quyết toán dễ dàng và chính xác, chặt chẽ.

>>>>> Xem thêm: Chương trình phục hồi kinh tế

gd

Cần sử dụng đầu tư công như công cụ kích thích tổng cầu, làm “vốn mồi” để thu hút đầu tư xã hội. 

Dùng đầu tư công kích tổng cầu

Đánh giá về đề xuất tăng mức bội chi ngân sách trong 2 năm 2022-2023 cao hơn mức 4% GDP như Chính phủ trình trong kế hoạch 2022, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương), kinh nghiệm giai đoạn 2011-2015 cho thấy, để phục hồi kinh tế sau khủng khoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, chúng ta đã sử dụng công cụ đầu tư công để kích thích tổng cầu bằng cách tăng bội chi ngân sách thông qua phát hành trái phiếu tài trợ.

Do đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị cần sử dụng đầu tư công như công cụ kích thích tổng cầu, làm “vốn mồi” để thu hút đầu tư xã hội. Cần rà soát lại danh mục đầu tư công trung hạn theo hướng ưu tiên đầu tư cho kết cầu hạ tầng giao thông, kết nối mạng lưới logistics và liên kết vùng, xây dựng hạ tầng số và tăng vốn đối ứng để thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

“Hiện nay, tuy chúng ta lo lắng về trần nợ công và tỷ lệ nợ đến hạn phải trả so với tổng thu ngân sách hàng năm, nhưng dư địa chính sách tài khóa vẫn còn rộng hơn so với chính sách tiền tệ khi phải linh hoạt ứng phó với áp lực tăng nợ xấu và kiểm soát lạm phát”, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, đại biểu Hà Đức Minh (Đoàn Lào Cai) cho rằng, cần phải tăng thêm mức bội chi ngân sách để tạo nguồn lực thực hiện mục tiêu kép. Cụ thể, hiện nay bội chi năm 2021 là gần 344.000 tỷ đồng, bằng 4% GDP.

Dự kiến phương án đang trình ra Quốc hội năm 2022 là gần 373.000 tỷ cũng bằng khoảng 4% GDP. Trong khi đó, tổng chi đầu tư phát triển năm 2022 dự kiến tối thiểu là 526.000 tỷ đồng, dư địa bội chi theo luật vẫn còn khoảng 153.000 tỷ đồng.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VIAC:

Để thúc đẩy quá trình tái khởi động và phục hồi nền kinh tế trong hai năm tới, bên cạnh các chính sách về tài khóa, tiền tệ, về an sinh xã hội, phải áp dụng một giải pháp phi tài chính hay nói khác đi là các cơ chế về các thủ tục đặc thù để thúc đẩy cho sản xuất kinh doanh, đầu tư toàn xã hội. Dư địa chính sách tiền tệ là không còn nhiều nên biện pháp tiếp máu cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể là sự cộng hưởng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó chính sách tài khóa phải đóng vai trò chủ đạo.

ĐBQH Phạm Đức Ấn - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội:

Việc Nhà nước hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp bị tổn thương từ đại dịch thông qua lãi suất tới đây cũng cần được tính toán phù hợp, không phải đối tượng nào cũng áp dụng được. Bởi nếu ngân sách hỗ trợ khoảng 3.000 tỷ đồng tiền lãi thì ngân hàng thương mại phải giải ngân 100.000 tỷ đồng. Rủi ro mất vốn ở đây sẽ rất lớn nếu ngân hàng thương mại không lựa chọn được để cấp tín dụng phù hợp, vì vậy chính sách tài khóa trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp là cần được ưu tiên áp dụng. Ngoài ra, với quy mô Việt Nam hiện nay tín dụng đã ở mức 115% GDP, đây là mức tương đối lớn ở trên thế giới nên tăng trưởng tín dụng cũng phải được kiểm soát.

Có thể bạn quan tâm

  • 7 quan điểm, nguyên tắc xây dựng giải pháp phục hồi kinh tế

    7 quan điểm, nguyên tắc xây dựng giải pháp phục hồi kinh tế

    09:40, 12/11/2021

  • Chủ tịch nước: Các thành viên ABAC cần đồng hành cùng APEC phục hồi kinh tế

    Chủ tịch nước: Các thành viên ABAC cần đồng hành cùng APEC phục hồi kinh tế

    03:43, 12/11/2021

  • Cần nguồn lực mạnh để chớp thời cơ phục hồi kinh tế

    Cần nguồn lực mạnh để chớp thời cơ phục hồi kinh tế

    04:00, 11/11/2021

  • Tăng tốc phục hồi kinh tế

    Tăng tốc phục hồi kinh tế

    20:08, 09/11/2021

  • Blockchain có thể thúc đẩy tái cấu trúc kinh tế hậu COVID-19

    Blockchain có thể thúc đẩy tái cấu trúc kinh tế hậu COVID-19

    05:30, 19/08/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Điểm tựa” phục hồi kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO