"Điểm yếu" của Giày Thượng Đình

Diendandoanhnghiep.vn Đã lâu không thay đổi và đầu tư máy móc thiết bị mới, công nghệ mới,... là điểm yếu của hãng giày "vang bóng một thời".

Ban lãnh đạo Giày Thượng Đình cho biết công ty đã trải qua 2 năm sản xuất kinh doanh với rất nhiều khó khăn.

Từng là "giày của mọi nhà"

Xét về hành trình lịch sử, hiếm có thương hiệu nào có thể bám sâu vào tâm trí người tiêu dùng Việt như Giày Thượng Đình. Hình ảnh đôi giày bata trắng đơn giản với họa tiết ba sọc xanh lam cùng phần đế cao su dẻo rất được ưa chuộng bởi tính bền, hữu dụng và phù hợp với nhiều đối tượng, nhiều lứa tuổi khác nhau.

Thập niên những năm 80, gần như nhà nào cũng sở hữu một đôi giày vải Thượng Đình. Những đôi giày này được sử dụng nhiều nhất vào mục đích lao động và thể thao. Hầu hết các sân bóng và sân thể thao được xem là "thiên hạ" một thời của Giày Thượng Đình. Liên tục những năm 2000 – 2006, các sản phẩm giày của Thượng Đình luôn đứng đầu các cuộc bình chọn hàng Việt từ khách hàng.

Thời kỳ hoàng kim đi qua, Giày Thượng Đình đang phải

Thời kỳ hoàng kim đi qua, Giày Thượng Đình đang phải "chật vật" tìm lại chỗ đứng trước sức cạnh tranh quyết liệt của thị trường giày dép tại Việt Nam.

Được thành lập từ năm 1957, Giày Thượng Đình tiền thân là xưởng X30 thuộc Cục quân khu – Tổng cục Hậu cần, chuyên sản xuất mũ cứng và dép cao su phục vụ quân đội. Phải đến năm 1978, xưởng đổi tên thành Xí nghiệp giày vải Thượng Đình và bắt đầu tập trung vào sản xuất giày vải, giày thời trang, giày thể thao cùng các loại dép khác… Năm 1993, cái tên Giày Thượng Đình mới chính thức được áp dụng và trở thành một thương hiệu khó quên của nhiều thế hệ người tiêu dùng Việt.

Thành công ở thị trường trong nước, Giày Thượng Đình bắt đầu có những lô hàng xuất khẩu sang nước ngoài, đầu tiên là thị trường Pháp và Đức vào năm 1992. Khi Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp định Mậu dịch tự do giữa các nước ASEAN (AFTA) vào năm 2003, sản phẩm Giày Thượng Đình vẫn có chỗ đứng vững vào trên thị trường nội địa.

Các mặt hàng giày dép của Thái Lan và các nước láng giếng dù đã xuất hiện nhiều hơn tại thị trường Việt Nam, nhưng vẫn không thể cạnh tranh được với Giày Thượng Đình ở cả chất lượng, mẫu mã, giá cả nhờ lợi thế tận dụng được nguồn nguyên liệu trong nước.

Năm 2005, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Âu đạt 4,6 triệu USD và tăng lên 5,4 triệu USD vào năm 2006. Các đơn hàng từ thị Mỹ, Nam Phi, Peru và Mexico,… cũng có xu hướng tăng nhanh và không có hạn ngạch. Thị trường xuất khẩu châu Âu là chủ yếu, chiếm 80%, còn lại thị trường Mexico, Mỹ, Úc, Nhật và các nước Đông Nam Á.

Hãng giày Việt 60 năm tuổi lao đao

Sau thời kỳ hoàng kim của hai thập niên trước, tương tự nhiều thương hiệu vang bóng một thời khác như mỳ Miliket, kem Thủy Tạ hay Cao sư Sao Vàng,… Giày Thượng Đình cũng phải chật vật tìm lại chỗ đứng trước "cơn bão" hội nhập.

Với 60 năm tuổi đời, thương hiệu Giày Thượng Đình dường như đã sớm hụt hơi. Không khó để nhận ra sự vắng bóng của những đôi giày Thượng Đình trên các kệ hàng ngày nay.

Nguyên nhân có thể xuất phát từ sự bảo thủ của thương hiệu "già cỗi" này. Gần chục năm nay, Giày Thượng Đình không hề có thêm một sản phẩm nổi bật nào, vẫn là những đôi giày vải mềm mẫu mã cũ có giá dưới 100.000 đồng. Bởi vậy, Giày Thượng Đình đã sớm bị xếp vào nhóm "đồ bảo hộ lao động".

Trong khi đó, thị trường Việt Nam liên tục phải đón nhận những cuộc đổ bộ mạnh mẽ của các thương hiệu giày nổi tiếng nước ngoài như Adidas, Nike,… với nhiều mẫu mã thời thượng. Thậm chí, "người em" cùng ngành là Biti's cũng buộc phải thay đổi với các dòng sản phẩm mới như Biti's Hunter cùng nhiều hoạt động quảng bá rầm rộ để "sống" lại trong lòng khách hàng, thành công bứt phá trên trường đua giày dép cạnh tranh khốc liệt.

2 năm trở lại đây, tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị liên tục gặp khó. Doanh thu bán hàng năm 2018 đạt 174 tỉ đồng, giảm so với năm 2017 là 197 tỉ đồng. Hai năm liên tiếp, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đều ở mức âm. Năm 2017 là âm 17 tỉ đồng, năm 2018 ở mức âm 16 tỉ đồng.

Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 được công bố cách đây không lâu, doanh nghiệp này nhận định, năm 2018 là một năm sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Đơn hàng xuất khẩu không thuận lợi do thay đổi xu hướng tiêu dùng giày dép, chuyển từ dòng giày vải lưu hóa sang dòng giày thể thao gò dán, các đơn hàng xuất khẩu sang Châu Âu giảm.

Thực tế, các chi phí chung hiện cũng chỉ được tính một phần vào giá thành, còn nếu đưa hết vào thì giá sản phẩm của Thượng Đình sẽ quá cao, không thể chào hàng cho đối tác.

Khách hàng đòi hỏi về đánh giá nhà máy, trách nhiệm xã hội và đánh giá năng lực đáp ứng về các điều kiện kỹ thuật trong sản xuất.

Doanh nghiệp thừa nhận: “Đây là điểm yếu của Công ty hiện nay đã lâu không thay đổi và đầu tư máy móc thiết bị mới, công nghệ mới”.

Trong khi đó, tại thị trường nội địa, Thượng Đình lại chịu cạnh tranh từ các cơ sở sản xuất tư nhân nhỏ, bán không hóa đơn, và giày Trung Quốc. Bên cạnh đó,xu hướng và thị hiếu tiêu dùng chuyển sang dòng giày thể thao. Ngoài ra, hiện nay trên thị trường cũng có hiện tượng làm giả các sản phẩm của công ty từ giày đá bóng cho tới giày KK.

Bên cạnh đó, Công ty còn gặp khó khăn về tài chính như nợ khó đòi, lỗ tại Hà Nam từ trước năm 2014, các khoản chi phí tăng cao đặc biệt là khấu hao và tiền thuê đất. Trong đó, nợ khó đòi khoảng xấp xỉ 12 tỉ đồng, nhà máy Hà Nam thời kỳ trước lỗ khoảng 3,60 tỉ đồng, ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính, phát sinh lãi ngân hàng.

Sau khi cổ phần hóa vào năm 2015, chi phí khấu hao của Giày Thượng Đình tăng đột biến. Bên cạnh đó, tiền thuê đất tăng khiến chi phí đầu vào của Thượng Đình cao hơn nhiều so với công ty sản xuất giày đơn thuần cùng ngành.

Dù đã áp dụng mọi biện pháp nhưng Công ty nhận định kết quả kinh doanh năm 2018 không đạt được kỳ vọng, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 88% so với cùng kỳ và đạt 87% so với kế hoạch.

So với kết quả trong 2 năm gần đây, ban lãnh đạo của hãng giày này cho biết đã tính toán để có thể đưa công ty thoát lỗ trong năm nay.

Cụ thể, năm 2019, Giày Thượng Đình đặt mục tiêu doanh thu đạt 175 tỷ đồng, tăng nhẹ so với doanh số đạt được trong năm 2018 trước đó. Tuy nhiên, mục tiêu lãi ròng dự kiến công ty thu về lại chỉ vỏn vẹn 50 triệu đồng.

Nếu không tính 2 năm gần nhất lỗ ròng, đây là mục tiêu lợi nhuận khiêm tốn nhất mà hãng giày này từng đặt ra. 

"Đất vàng" cũng là "điểm yếu"

Trong tài liệu công bố lần này, ban lãnh đạo Thượng Đình cũng đề cập tới kế hoạch di dời nhà máy tại khu đất số 277 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội). Theo đó, công ty đang xin UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận kế hoạch di dời càng sớm càng tốt.

Phía Thượng Đình cho biết sản xuất tại địa điểm này rất bất lợi vì chi phí quá cao, sản xuất kinh doanh không thể bù đắp được chi phí thực tế, đặc biệt là chi phí thuê đất và chi phí khấu hao.

Theo đó, nếu di dời sớm nhà máy, các nhà đầu tư cũng sẽ không bị mất vốn hoặc hạn chế tối đa mất vốn do sản xuất kinh doanh tại nhà máy này không hiệu quả.

Ngoài ra, nếu di dời nhà máy ở Hà Nội, công ty sẽ đầu tư xây dựng bổ sung theo cam kết với UBND tỉnh Hà Nam với nhà máy tại đây. Như vậy, tỉnh này sẽ không thu hồi đất của công ty trên địa bàn.

Nếu việc xây dựng bổ sung không thực hiện được trong quý IV này, UBND tỉnh Hà Nam sẽ cưỡng chế thu hồi đất với nhà máy của Thượng Đình tại tỉnh này.

Giày Thượng Đình là một trong những thương hiệu Việt lâu đời nhất tại Việt Nam. Tính đến nay, Thượng Đình đã có 62 năm hoạt động và cung cấp các sản phẩm giày cho thị trường Việt. Giày Thượng Đình cũng từng rất thành công trong việc xuất khẩu. Năm 2016, khi chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, Thượng Đình được định giá lên tới 44.000 đồng/cổ phiếu, tương đương vốn hóa hơn 400 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau 2 năm liền thua lỗ (2017-2018), giá cổ phiếu Giày Thượng Đình giảm liên tục hiện chỉ còn 4.300 đồng/cổ phiếu và không có thanh khoản.

Cũng giống như nhiều thương hiệu vang bóng một thời của Việt Nam, Thượng Đình cũng gặp rất nhiều khó khăn vì dây chuyền sản xuất cũ và không kịp sự thay đổi theo thị yếu người dùng. Các sản phẩm của công ty bị chê là kém thẩm mỹ và không được đầu tư bài bản.

Ông Đặng Đức Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc Gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: “Trong quá trình cạnh tranh trên thị trường, sẽ có một số doanh nghiệp bị đào thải và một số phát triển lên. Việc có bị thị trường đào thải hay không sẽ phụ thuộc rất lớn vào năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, điều này thể hiện ở nhiều yếu tố. Đơn cử như giày Thượng Đình, có lẽ vấn đề không chỉ nằm ở chất lượng mà còn ở việc doanh nghiệp có kịp thời nắm bắt được xu hướng của thị trường cũng như thị hiếu của người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ.”

Phải chăng, đã đến lúc giày Thượng Đình thực sự cần có một “cuộc cải cách” toàn diện, với những bước thay đổi để bắt nhịp với thị trường và những xu hướng tiêu dùng mới, làm sao để đi qua “phía bên kia con dốc”, thương hiệu giày Thượng Đình sẽ tìm thấy một “con đường sáng”?

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết "Điểm yếu" của Giày Thượng Đình tại chuyên mục Doanh nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714157861 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714157861 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10