Ngày 11/01/2019, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh, lần thứ nhất năm 2019.
Hội nghị gặp mặt và đối thoại các doanh nghiệp, nhà đầu tư lần thứ nhất năm 2019, đây là một hoạt động được UBND tỉnh tổ chức định kỳ để đánh giá và ghi nhận những đóng góp của các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm vừa qua. Đồng thời, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh trên một số lĩnh vực trọng điểm, chia sẻ về một số định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2019 và lắng nghe các ý kiến đóng góp, hiến kế của các doanh nghiệp, nhà đầu tư về những giải pháp để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Hiệu quả từ chất lượng điều hành
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Trần Văn Sơn, Bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên cho rằng đây là một trong những hành động thiết thực, thể hiện cam kết cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Cho rằng, các doanh nghiệp trên địa bàn hiện nay chủ yếu là vừa và nhỏ, thậm chí rất nhỏ nên việc tiếp cận, hấp thụ các cơ chế chính sách hỗ trợ còn nhiều khó khăn. Với vị trí của người từng làm lãnh đạo doanh nghiệp, ông Trần Văn Sơn mong muốn các doanh nghiệp trước mắt tập trung khai thác các tiềm năng lợi thế của tỉnh như nông, lâm nghiệp, du lịch…
“Hiện nay có nhiều nhà đầu tư lớn đến với Điện Biên. Vì vậy tỉnh sẽ điều chỉnh quy hoạch tổng thể trong đó có thành phố Điện Biên Phủ để nhà đầu tư hiệu quả, kinh doanh có lãi.”- ông Trần Văn Sơn khẳng định.
Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thực chất, hiệu quả hơn, ông Trần Văn Sơn yêu cầu: Thứ nhất thiết lập cơ chế tiếp thu kịp thời nhất những kiến nghị của doanh nghiệp, vì kinh doanh là cơ hội. Chia sẻ đồng hành cùng doanh nghiệp, trên tinh thần chuyển từ quản lý doanh nghiệp sang phục vụ doanh nghiệp, kiến tạo cùng doanh nghiệp. Cương quyết xử lý các cán bộ nhũng nhiễu gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Thứ hai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 19 của Chính phủ để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt là thủ tục về đất đai
Thứ ba, công khai kịp thời đầy đủ quy hoạch về phát triển kinh tế xã hội.
Thứ tư, tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng để thu hút đầu tư. Cụ thể hoá các cơ chế chính sách của Trung ương phù hợp với điều kiện của địa phương.
Thứ năm, tiếp tục quan tâm phát triển đội ngũ doanh ngũ doanh nhân".
Tại Hội nghị, ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như những kết quả mà cộng đồng các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh đã đạt được. Qua đó đưa tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP đạt 10.482 tỷ đồng, tăng 7,15% so với thực hiện năm 2017, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. GRDP bình quân đầu người đạt 26,48 triệu đồng/người/năm, tăng 8,71% so với thực hiện năm 2017. Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 1.128 tỷ 494 triệu đồng, đạt 104,67% dự toán giao. Trong đó, thu nội địa ước thực hiện 1.081 tỷ 400 triệu đồng.
Đặc biệt, về cải thiện môi trường kinh doanh, Điện Biên đã triển khai thực hiện Nghị quyết 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018, định hướng đến năm 2020. Trong đó, đã lồng ghép với việc thực hiện Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh PCI cấp tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng; tổ chức gặp gỡ đối thoại trực tiếp và kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư; đôn đốc, hỗ trợ thành lập Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh...
Năm 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI đạt 60,57 điểm, tăng 05 bậc so với năm 2016, xếp hạng 48/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số Cải cách hành chính (Par-Index) tăng 18 bậc, xếp hạng 24/63, tỉnh thành phố; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tăng 13 bậc, xếp thứ 22/63 tỉnh thành trong cả nước.
Tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu năm 2018 các doanh nghiệp đã phát biểu 19 ý kiến, kiến nghị về một số nội dung như: chính sách thuế, về thanh toán khối lượng xây lắp đã thực hiện, về thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư.... Đến nay cơ bản các nội dung kiến nghị đã được giải quyết, một số nội dung kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trên đã được UBND tỉnh tổng hợp, kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương xem xét giải quyết.
Với những nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong năm 2018, Điện Biên có 145 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn 950 tỷ đồng. Nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên 1.220 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 20.235 tỷ đồng. Kinh tế tập thể và hộ kinh doanh tiếp tục được khuyến khích phát triển, thành lập mới 20 hợp tác xã với tổng số vốn đăng ký là 200 tỷ đồng, đưa tổng số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh là 196 hợp tác xã với tổng số vốn đăng ký 435 tỷ đồng; có thêm 1.100 hộ kinh doanh với tổng số vốn đăng ký 206 tỷ đồng, nâng tổng số hộ kinh doanh lên 17.728 hộ, tổng số vốn đăng ký 2.338 tỷ đồng.
Năm 2018, tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 29 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký trên 4.900 tỷ đồng, có 7 dự án hoàn thành đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký 114,8 tỷ đồng. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 150 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 26 nghìn tỷ đồng, trong đó có 01 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 03 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đặc biệt, đã có một số dự án có quy mô tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng... Đã thu hút được một số nhà đầu tư là các tập đoàn kinh tế lớn như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FLC, Tập đoàn TH Trumilk, Vietjet Air... quan tâm tìm hiểu môi trường đầu tư và đăng ký dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, UBND tỉnh đang tích cực chỉ đạo, đôn đốc các Sở, ngành, địa phương phối hợp với các nhà đầu tư hoàn tất thủ tục để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư.
Thừa nhận việc đi đến Điện Biên còn gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên ông Đinh Việt Phương, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hàng không VietJet cho rằng tỉnh có tiềm năng rất lớn và có điều kiện thuận lợi để xây dựng phát triển trên quy hoạch mới hiện đại, đồng bộ. Nhưng không có hạ tầng hàng không phát triển tương xứng, Điện Biên khó phát triển.
Ông Phương cho biết: Nếu nhận được sự đồng ý của địa phương và Chính phủ, VietJet sẽ sẵn sàng đầu xây dựng sân bay Điện Biên hiện đại đồng bộ. Khó khăn lớn nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng nhưng chúng tôi đã nhận được sự cam kết rất lớn của tỉnh. Với khả năng của VietJet và quyết tâm của chính quyền địa phương, chúng tôi tin tưởng dự án có để đưa vào khai thác sau 2 năm đầu tư.
Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp
Tại Hội nghị, ý kiến, kiến nghị, tập trung chủ yếu vào các nhóm vấn đề: Các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Cải cách thủ tục hành chính; một số kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến các lĩnh vực như: chính sách thuế, tiếp cận nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tiếp cận đất đai, công tác quy hoạch, kế hoạch, nguồn vốn đầu tư, khai thác khoáng sản, tài nguyên…
Phần lớn các kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương đã được đại diện lãnh đạo các sở, ngành giải đáp, tiếp thu, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Trung ương sẽ được tổng hợp, báo cáo Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết. Những nội dung cụ thể còn lại, UBND tỉnh cam kết chỉ đạo, theo dõi, giải quyết và trả lời các kiến nghị đại biểu trong thời gian sớm nhất. UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng UBND tỉnh tiếp tục là cơ quan đầu mối tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổng hợp báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh kịp thời có giải pháp chỉ đạo giải quyết.
Đánh giá cao những nỗ lực của các cấp chính quyền trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thời gian vừa qua, ông Bùi Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh mong muốn trong thời tới tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt thực hiện các cam kết với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là về cải cách thủ tục hành chính.
Đồng thời, trong năm 2019, mỗi tháng Hiệp hội sẽ chủ động tổng hợp ý kiến, các nhóm vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp để kiến nghị các cấp chính quyền tỉnh Điện Biên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Năm 2019 được xác định là năm có ý nghĩa quan trọng thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 của Điện Biên. Đây là năm tổ chức kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 110 năm ngày thành lập tỉnh Điện Biên… Tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,20%; số lượng doanh nghiệp đăng ký mới năm 2019 là 150 doanh nghiệp và 20 hợp tác xã; số lượng các dự án kêu gọi đầu tư đạt ít nhất 15 dự án, với tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, trong đó có ít nhất 01 dự án FDI...
Theo ông Mùa A Sơn: Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh tiếp tục quán triệt, bám sát, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019; nỗ lực thực hiện theo đúng tinh thần, thông điệp của Chính phủ thể hiện trong 12 chữ "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả". Đồng thời, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ giải pháp đồng bộ để cải thiện môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 về những nghiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Trong đó, tập trung đổi mới công tác chỉ đạo điều hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tăng cường thực hiện các cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển để doanh nghiệp thực sự trở thành động lực quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế của tỉnh.
Ông Mùa A Sơn cam kết: Các cấp, các ngành Điện Biên sẽ tăng cường đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư bằng nhiều hình thức để kịp thời ghi nhận và giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các Hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong các hoạt động tham vấn chính sách và giải quyết khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp; chủ động tạo điều kiện thuận lợi trong các mặt hoạt động, đặc biệt là việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
“Tỉnh Điện Biên luôn đánh giá cao vai trò của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư; coi đội ngũ doanh nhân là những người chiến sỹ trên mặt trận kinh tế, là lực lượng đi đầu thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tôi rất mong các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ luôn đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, cạnh tranh lành mạnh; phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo, bám sát định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, tích cực tìm kiếm, tận dụng cơ hội, khai thác tốt, có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và triển khai những dự án đầu tư mới, phát huy hiệu quả. UBND tỉnh cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, thông thoáng nhất trong khuôn khổ quy định của pháp luật để các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi thực hiện các dự án đầu tư cần làm tốt các khâu từ bước chuẩn bị dự án, xin chủ trương đầu tư và thực hiện dự án đầu tư theo đúng các quy định, hướng dẫn của pháp luật để tiết kiệm thời gian, chi phí đầu tư; trong quá trình thực hiện dự án đầu tư cần thực hiện tốt các cam kết với tỉnh, đặc biệt là cam kết về bảo vệ môi trường, tiến độ và hiệu quả đầu tư; chủ động linh hoạt, kịp thời nắm bắt các thời cơ, vượt qua những thách thức, cùng hợp tác phát triển vì sự phát triển của doanh nghiệp và của tỉnh. Tỉnh luôn coi sự thành công của các doanh nghiệp, nhà đầu tư chính là thành công của tỉnh.”- ông Mùa A Sơn nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã chính thức ra mắt. UBND tỉnh Điện Biên cũng đã ký kết Quy chế phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp.
Nhân dịp này UBND tỉnh đã trao bằng khen cho các doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh tốt trong năm 2018, các tập thể và cá nhân đạt thành tích tốt trong thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.