Điện Biên là tỉnh miền núi giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, có 19 dân tộc cùng sinh sống, 35 di tích lịch sử được xếp hạng.
Từ ba trụ cột chính: Du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe đang là động lực giúp du lịch Điện Biên phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn...
Ông Nguyễn Minh Phú, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết: Điện Biên là tỉnh miền núi giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, có 19 dân tộc cùng sinh sống, 35 di tích lịch sử được xếp hạng. Điện Biên còn sở hữu nhiều danh lam, thắng cảnh như: Hồ Pá Khoang; đèo Pha Đin; hệ thống hang động tại các huyện Điện Biên, Mường Chà, Tủa Chùa;... khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, A Pa Chải, cao nguyên đá Tủa Chùa, quần thể cây chè Shan tuyết cổ thụ tại Tủa Chùa (Cây di sản Việt Nam), tạo nên nguồn tài nguyên du lịch tiềm năng, thuận lợi cho việc phát triển các loại hình du lịch.
Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt đã tạo điều kiện để du lịch tỉnh Điện Biên “cất cánh” trong thời gian qua. Giai đoạn 2021 - 2023, tổng lượng khách du lịch đến Điện Biên đạt 2.156,68 triệu lượt, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt gần 4.000 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2024, Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024, gắn với kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tạo ra sức hút mạnh mẽ để lần đầu tiên Điện Biên đón lượng khách du lịch cao nhất, đạt hơn 1,85 triệu lượt, vượt xa kế hoạch 1,3 triệu lượt khách. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 3.321 tỷ đồng (kế hoạch là 2.200 tỷ đồng).
“Trong Quý I/2025, lượng khách du lịch đến tỉnh Điện Biên đạt 426.100 lượt (đạt 29,4% so với kế hoạch, trong đó khách quốc tế đạt 4.138 lượt; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 768 tỷ đồng (đạt 32% so với kế hoạch)”, ông Phú dẫn chứng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Điện Biên chưa khai thác, phát huy được hết các tiềm năng, lợi thế về du lịch bởi, Điện Biên là tỉnh biên giới, xa các trung tâm kinh tế lớn, giao thông đi lại khó khăn, sự liên kết giữa các tỉnh để phát triển du lịch còn hạn chế; Hạ tầng du lịch, các cơ sở lưu trú, nhà hàng, các điểm vui chơi, giải trí, mua sắm,… chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng, nhất là vào những dịp cao điểm khi tổ chức các sự kiện lớn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chưa có chính sách ưu đãi đột phá, cơ chế thu hút đầu tư phát triển du lịch hấp dẫn nhà đầu tư lớn; các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí còn nghèo nàn, sản phẩm du lịch chưa đa dạng...
Trước thách thức trên, để triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển “ngành công nghiệp không khói”, ông Phú cho hay: Tỉnh Điện Biên đang bám sát nội dung chỉ đạo của Trung ương cũng như của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đổi mới tư duy của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư về phát triển du lịch: Xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt, lâu dài và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và mang bản sắc văn hóa sâu sắc; có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho Nhân dân, thúc đẩy các ngành, kinh tế khác phát triển; góp phần ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Rà soát, nghiên cứu, xây dựng, trình HĐND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển du lịch, nhất là phát triển du lịch cộng đồng; ưu đãi thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, loại hình, sản phẩm du lịch tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tạo nền tảng để tỉnh Điện Biên phát triển trở thành một trong những trung tâm du lịch hấp dẫn của khu vực Tây Bắc; tiếp tục ưu tiên, bố trí nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn theo từng giai đoạn và huy động nguồn kinh phí xã hội hóa cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh.
Chú trọng tham mưu xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và cải tạo cảnh quan tại các điểm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Bên cạnh đó, tiến hành xây dựng và triển khai chương trình chuyển đổi số phục vụ công tác quản lý du lịch, trong đó tập trung vào xây dựng hệ thống quản lý, số hóa di tích lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể;...
“Đẩy mạnh tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong nước, trong khu vực và quốc tế nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách hội nhập về kinh tế, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển nhanh và bền vững”, ông Phú cho hay.
Năm 2025 ngành Du lịch phấn đấu thu hút hơn 1,450 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt trên 300.000 lượt. Tổng thu từ du lịch đạt trên 2.400 tỷ đồng và số ngày lưu trú bình quân của khách du lịch đạt trên 3 ngày.