Ngày 6/4 tới đây, TAND tỉnh Yên Bái sẽ đưa vụ án mua sim rác về cho thuê ra xét xử sơ thẩm về tội "Đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông"…
>>Cho thuê "sim rác", bất ngờ bị khởi tố
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, vụ án những người mua “sim rác” về kinh doanh cho thuê bất ngờ bị khởi tố tại Yên Bái khiến dư luận hết sức bất ngờ, các chuyên gia pháp lý cho rằng, đây là một vụ án hết sức “đặc biệt”, một vụ án chưa có tiền lệ bởi theo các chuyên gia, pháp luật hiện hành chỉ quy định xử lý hành chính đối với những hành vi này.
Cụ thể, ngày 04/4/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC02) Công an tỉnh Yên Bái ra Bản kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố số 19/KLĐT-CSHS đồng thời chuyển cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đề nghị truy tố 2 bị can Nguyễn Trung Tính (SN 2001, tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) và Lý Trọng Thiên (SN 2001 tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) về tội: “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự.
Quá trình điều tra, xác minh xác định để thực hiện hành vi phạm tội, các bị can trong vụ án đã thuê trực tuyến (online) các số thuê bao điện thoại của nhiều nhà mạng khác nhau trên 2 trang mạng (website): https://rentcode.co và https://simthue.com.
Cơ quan điều tra xác định, hình thức hoạt động của 2 website nhằm mục đích thu tiền lợi nhuận từ khách hàng thuê sim ảo (qua điều tra xác minh xác định là các sim trả trước đã kích hoạt của các nhà mạng: Viettel, Vinaphone, Mobifone,Vietnammobile, T-Telecom) để nhận mã code (mã code là nội dung tin nhắn SMS ) mục đích tạo lập các tài khoản trên các trang mạng xã hội. Tiền thuê sẽ được tính bằng việc thực hiện nhận được mã code thành công (nhận được tin nhắn SMS) tùy theo thời điểm. Cụ thể, đối với website rentcode mỗi tin nhắn có giá tiền từ 500đ – 1.000đ, website simthue có giá từ 1.000đ - 2.000đ.
Quá trình mở rộng vụ án, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Yên Bái tiếp tục ban hành bản kết luận điều tra (bổ sung) vụ án "Đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông"; chuyển hồ sơ đến Viện KSND tỉnh Yên Bái, đề nghị truy tố 14 bị can là những người làm dịch vụ cho thuê “sim rác” online.
Tại bản kết luận điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái dẫn kết luận giám định của Giám định viên Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái cho rằng số điện thoại (số thuê bao viễn thông) là thông tin cá nhân. Và chỉ doanh nghiệp viễn thông mới được quyền cho thuê và thuê sim điện thoại gắn với việc bán lại dịch vụ viễn thông; việc cá nhân, tổ chức khác không phải là doanh nghiệp viễn thông thực hiện hành vi cho thuê sim điện thoại là hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, Điều 12 Luật Viễn thông “… sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông…”.
“Để các đối tượng áp dụng khoa học công nghệ, sử dụng các số sim trả trước đã được kích hoạt của các nhà mạng cho thuê online thu lợi số tiền lên đến hàng tỷ đồng trong một thời gian dài là do có sự buông lỏng trong công tác phát hành sim trả trước của các nhà mạng...”, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái kết luận.
Từ đó cơ quan điều tra đã cáo buộc và chuyển hồ sơ tới Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái, đề nghị truy tố 14 bị can về tội “Đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự.
>>Cho thuê "sim rác" bị khởi tố: Vụ án chưa có tiền lệ
Trong vụ việc này, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt cho rằng, việc cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái xử lý “tận gốc” vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thể hiện quyết tâm cao trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm đã được dư luận đồng tình, đánh giá cao.
Tuy nhiên, việc khởi tố và đề nghị truy tố 14 bị can là những người cho thuê “sim rác” online với cáo buộc “Đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” còn nhiều điểm nhất thiết phải làm rõ.
“Mấu chốt nằm ở 2 điểm: “Số điện thoại” có phải “thông tin cá nhân” và hành vi “cho thuê sim rác” có phải là “sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông”, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt phân tích.
Theo phân tích của luật sư Nguyễn Thành Luân, “số điện thoại” sẽ là “thông tin cá nhân” nhưng phải đáp ứng được điều kiện cần và đủ, đó là phải gắn liền với thông tin của một cá nhân cụ thể, và sự gắn liền này cho phép xác định được danh tính của một người cụ thể.
Những thông tin trong “sim rác” là những thông tin không có thực, không thể xác định được danh tính của cá nhân cụ thể nào thông qua số điện thoại từ “sim rác”, thực tế trong vụ án này, không có “thông tin riêng hợp pháp của cá nhân” nào bị công khai cả!
“Do vậy, ở đây “số điện thoại” chỉ là “thông tin” hoàn toàn không phải “thông tin cá nhân” như nội dung kết luận giám định”- Luật sư Nguyễn Thành Luân phân tích.
Về nội dung những người “cho thuê sim” có phải là “sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông” hay không? Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt cho rằng, “cho thuê sim” chỉ là cách nói “nôm” được sử dụng rộng rãi. Bản chất của việc này là “cho thuê quyền sử dụng số điện thoại gắn liền với sim”. Bởi theo Luật Viễn thông, “số điện thoại” thuộc sở hữu chung của Nhà nước, của nhân dân. Sim chỉ là thiết bị vật lý gắn với một số điện thoại cụ thể.
Khi “số điện thoại” chưa được phân bổ cho các doanh nghiệp viễn thông, nó là tài nguyên viễn thông, thuộc sở hữu Nhà nước. Khi đã phân bổ cho Nhà mạng, số điện thoại thuộc “Quyền sử dụng” của Nhà mạng. Kể từ thời điểm này, pháp luật cho phép Nhà mạng được chuyển nhượng, cho thuê “Quyền sử dụng” số điện thoại. Khi nhà mạng cấp cho cá nhân và kích hoạt sử dụng, số điện thoại thuộc “Quyền sử dụng” của cá nhân. Tức cá nhân không những phải trả tiền để có được “Quyền sử dụng” số điện thoại, mà còn phải trả tiền cho Nhà mạng để sử dụng dịch vụ viễn thông phát sinh từ số điện thoại đó.
Cũng theo Luật sư Luân, khi khách hàng mua một sim điện thoại, đúng nghĩa là mua "Quyền sử dụng" số điện thoại, nghiễm nhiên khách hàng có quyền chuyển nhượng, điều này pháp luật cho phép – tức là thừa nhận quyền “định đoạt” của cá nhân đối với “Quyền sử dụng” số điện thoại.
“Không thể có chuyện chuyển nhượng "Quyền sử dụng" thì được nhưng đăng tải lên mạng cho thuê "Quyền sử dụng" lại bị khởi tố”, luật sư Nguyễn Thành Luân nói.
Theo Điều 158, Bộ luật dân sự 2015, “Quyền sở hữu” bao gồm “Quyền chiếm hữu”, “Quyền sử dụng” và “Quyền định đoạt”. Trong đó, “Quyền sử dụng” là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản, quy định tại Điều 189 Bộ luật dân sự 2015. Vì pháp luật viễn thông chưa có quy định cụ thể về hoạt động “cho thuê” của người sở hữu “Quyền sử dụng” số điện thoại.
“Do đó, việc cá nhân “cho thuê” này sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật về dân sự - kinh doanh – thương mại có liên quan”, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt phân tích.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Theo quy định hiện hành chỉ có khái niệm SIM là “thiết bị được sử dụng để gắn số thuê bao và chứa các dữ liệu, thông tin liên quan khác dùng cho việc cung cấp và sử dụng dịch vụ thông tin di động”, còn “sim rác” là một khái niệm không rõ ràng, không có quy định định nghĩa, đây là cách nói “nôm” mà người dân và xã hội đề cập đến tình trạng SIM có thông tin đăng ký không đúng quy định (có thông tin thuê bao không đầy đủ, không chính xác). |