Kinh tế địa phương

Điện Biên: Thay đổi tư duy từ “cấp phép” sang “phục vụ”

Nguyễn Minh thực hiện 14/09/2024 21:23

Năm 2024, tỉnh Điện Biên tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các DN đầu tư và hoạt động trên địa bàn.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, DĐDN có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.

ông Đô Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên
Ông Đô Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên

Ông Lê Thành Đô cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 1.300 doanh nghiệp và gần 700 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký hoạt động. Trung bình mỗi năm có trên 100 doanh nghiệp thành lập mới.

- Thưa ông, năm 2024, một tỷ lệ rất lớn doanh nghiệp trong nước vẫn phải “ăn đong” chờ thời và đối mặt với áp lực chi phí vốn, cạnh tranh tăng cao. Trước thực tế trên, tỉnh đã có những chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn?

Doanh nghiệp là khu vực chủ yếu tạo ra nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, góp phần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động... Nhận thức rõ điều này, tỉnh luôn hỗ trợ và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu từ và phát triển trên địa bàn. Tỉnh chỉ đạo xuyên suốt thống nhất quan điểm trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thay đổi tư duy, tác phong làm việc từ “cấp phép” sang “phục vụ” người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, tập trung triển khai kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu góp phần cắt giảm thời gian và đơn giản hóa TTHC.

Cụ thể, thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ 3 ngày theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2022, xuống còn 2 ngày hoặc ít hơn. TTHC về đăng ký doanh nghiệp được thực hiện liên thông trên môi trường mạng giữa các sở, ban ngành. Tính cả năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ nộp hồ sơ qua mạng của tỉnh đạt trên 97%.

Ngoài ra, tỉnh ban hành Quyết định số 1548/QĐ-UBND về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024, trong đó, có 3 nội dung chính gồm: hỗ trợ hợp đồng tư vấn chuyển giao công nghệ phù hợp với doanh nghiệp; hỗ trợ thông tin, truyền thông xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tham gia sàn thương mại điện tử... Mặt khác, tỉnh còn nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của tỉnh trên các lĩnh vực, cũng như các quy định về chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh...

- Kết quả xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 của Điện Biên cho thấy, tuy đã tăng khá ấn tượng (31 bậc) nhưng chưa tương xứng với sự phát triển của Điện Biên. Nhìn nhận một cách thẳng thắn, theo ông đâu là “rào cản”?

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật còn nhiều khó khăn. Điện Biên có vị trí địa lý nằm ở xa các vùng kinh tế trọng tâm của cả nước, không có cảng biển, chưa được đầu tư đường cao tốc (Sơn la- Điện Biên), nên khó thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư FDI. Đây là “rào cản” rất lớn đối với tỉnh trong việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ...

Đáng chú ý, nhiều quy định của pháp luật về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai thay đổi, nhiều điểm mới nhưng vẫn còn nội dung chưa thống nhất, chưa rõ ràng gây khó khăn, lúng túng cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong thực hiện thủ tục đầu tư, thủ tục giao đất, cho thuê đất, xây dựng, môi trường...

Công tác chuẩn bị đầu tư hạ tầng và giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp (CCN) cũng gặp rất nhiều khó khăn do ngân sách tỉnh còn hạn chế, địa hình không bằng phẳng, hạ tầng khung chưa được đầu tư nên rất khó thu hút đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu, các CCN của tỉnh.

- Theo các chuyên gia, ngoài việc nỗ lực đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, các tỉnh thành cần tuyên truyền để các doanh nghiệp hiểu rõ tầm quan trọng của PCI đối với sự phát triển kinh tế địa phương, thưa ông?

Hàng năm, tỉnh tổ chức Hội nghị phân tích kết quả Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số PCI, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), Chỉ số quản trị hành chính công (PAPI) của tỉnh; Chuyển đổi số của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của từng sở, ngành, địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh xây dựng và ban hành Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tổ chức và yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cam kết cải thiện chỉ số PCI của tỉnh. Định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm, ngoài việc tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thì tỉnh còn lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các nội dung về PCI cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Từ việc doanh nghiệp “chấm điểm” PCI và sau hai năm triển khai đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI), theo ông, đâu là những thách thức mà Điện Biên cần hoá giải trong năm 2024?

Sau 2 năm triển khai đánh giá chỉ số DDCI, tỉnh nhận thấy mặc dù việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số có nhiều tiến bộ, nhưng các chỉ tiêu về truy cập cổng thông tin điện tử và thực hiện TTHC theo phương thức trực tuyến vẫn còn thấp, đặc biệt là ở địa phương.

Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh còn mất nhiều thời gian giải quyết TTHC; hồ sơ phải chỉnh sửa, bổ sung còn nhiều. Văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý của sở, ban, ngành do tỉnh ban hành chậm; tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá sở, ban ngành có hiện tượng trì hoãn, chậm trễ thực hiện các quyết định, chủ trương của UBND tỉnh vẫn còn cao.

Để hoá giải những thách thức trên, tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu tập trung tháo gỡ những "điểm nghẽn" và thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn; thực hiện tuyên truyền mạnh mẽ tới cộng đồng doanh nghiệp về sự tiện lợi của phương thức thực hiện TTHC trực tuyến...

Song song đó, tỉnh tiếp tục rà soát lại quy trình và đưa ra giải pháp giải quyết TTHC hiệu quả hơn. Tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị sở, ban, ngành xem xét, quy trình pháp lý liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của đơn vị mình, kết hợp với tiếp thu ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, từ đó ban hành những văn bản, chính sách một cách kịp thời và bám sát với nhu cầu thực tiễn...

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Điện Biên: Thay đổi tư duy từ “cấp phép” sang “phục vụ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO