DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 14): Con người là trọng tâm trong cơ cấu lại nền kinh tế

HUYỀN TRANG (thực hiện) 04/11/2021 11:06

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần tạo thay đổi nền tảng để phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế. 

Đó là quan điểm của ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đang được xây dựng trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu tác động lớn của dịch bệnh với yêu cầu sớm có cơ chế, chính sách để phục hồi tổng thể. Chiều 29/10, Chính phủ đã trình Kế hoạch này tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

-Nhưng vẫn có ý kiến cho rằng chúng ta không cần thiết đưa nội dung cơ cấu lại nền kinh tế thành một Kế hoạch riêng vì khá nhiều nội dung trùng lặp với Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2026, thưa ông?

Trước tiên, tôi đánh giá cao sự khách quan, toàn diện và khoa học của các báo cáo, trong đó đã thẳng thắn đưa ra chỉ tiêu đã đạt, chưa đạt; đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ cần thực hiện 6 tháng cuối năm và 12 nhóm giải pháp cho giai đoạn 2021-2026 với kết cấu hợp lý, bài bản và đưa ra nhiều kịch bản tăng trưởng.

Trên thực tế, chặng đường mới cơ cấu lại nền kinh tế sẽ không tránh được sự giao thoa với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, với Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế nhưng việc ban hành kế hoạch riêng về cơ cấu lại nền kinh tế là cần thiết.

Yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế được đặt trong bối cảnh mới, cần tạo ra thay đổi nền tảng để phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, giúp cho thực thi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội hiệu quả hơn.

-Theo ông, cách tiếp cận và nội dung Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế vừa được đưa ra đã bao quát được các vấn đề mà chúng ta cần phải giải quyết trong thời gian tới?

Tôi đánh giá cao nhiều giải pháp đã nêu trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế gắn với kế hoạch phục hồi kinh tế. Tuy vậy, vẫn còn một số vấn đề cần phải làm rõ trong Kế hoạch này.

Trước tiên, đó là nhiệm vụ và mục tiêu về nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Đây cũng là một trong 3 đột phá chiến lược được nêu tại Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030.

Yêu cầu cải cách thể chế hiện nay không chỉ là tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, thực hiện thủ tục hành chính mà còn năng lực quản trị quốc gia, như: năng lực dự báo, hiệu quả phối hợp, tính nhanh chóng và kịp thời, chủ động ra quyết định với chất lượng cao, tính thích ứng và ứng phó hiệu quả với biến động khó lường.

Vừa qua, sự phối hợp giữa Trung ương với địa phương, giữa địa phương với nhau, giữa địa phương với doanh nghiệp... đã bộc lộ những vấn đề nhất định, thực thi các nghị quyết của Chính phủ cũng có vấn đề nhất định. Nói điều này, tôi không có mục tiêu chỉ trích ai, nhưng vấn đề đó liên quan đến năng lực quản trị quốc gia. Nếu năng lực này được nâng cao, thì việc ra quyết định sẽ chính xác hơn, kịp thời hơn và đỡ tốn kém hơn.

Thứ hai, tôi cũng đề nghị Chính phủ nên rà soát, đánh giá toàn diện việc tổ chức thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn vừa qua. Từ đó, rút ra các bài học kinh nghiệm để thiết kế có cơ chế tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế lần này một cách hiệu quả, đảm bảo kịp thời, đúng thời hạn và đầy đủ.

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thảo luận về Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Duy Linh

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thảo luận về Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Duy Linh

-Vậy, đâu sẽ là những vấn đề trọng tâm trong tái cơ cấu kinh tế lần này, thưa ông?

Nguồn lực con người sẽ là quan trọng nhất bởi lao động có trình độ thì sẽ tạo ra áp lực nâng cao trình độ công nghệ, năng lực quản trị quốc gia.

Thực tiễn cho thấy nguồn lực con người trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, là nền tảng cho chuyển đổi và quản trị sự thay đổi. Lợi thế về lao động giản đơn, giá rẻ để thu hút đầu tư trước đây dần trở thành điểm nghẽn cho tăng trưởng và phát triển. Đặc biệt, tình trạng di cư, vừa thừa, vừa thiếu lao động thời gian gần đây để tạo ra chất lượng lao động và hệ sinh thái cho người lao động.

Thật ra, công bằng mà nói Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đã có nhiều nội dung liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, nhưng vẫn tản mát ở các lĩnh vực. Trong khi đó, một hệ sinh thái về lực lượng lao động phải rộng hơn rất nhiều, không đơn thuần là lực lượng lao động nữa, mà còn là nhà ở, trường học, môi trường...

Do đó, tôi đề nghị Kế hoạch cần có mục riêng về hệ sinh thái lao động. Đây không còn là nhiệm vụ của một bộ, ngành nào, mà là việc của quốc gia với tư duy là hệ sinh thái cho lực lượng lao động, chứ không chỉ đơn thuần là quan hệ cung - cầu lao động.

-Còn yếu tố thể chế thì sao, thưa ông?

Như đã nhấn mạnh, cải cách thể chế tiếp tục sẽ là nội dung trọng tâm trong tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn này. Đề án tái cơ cấu nền kinh tế và Dự thảo Chiến lược kinh tế 2021-2030 đã nhấn mạnh nguyên tắc rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy định không còn phù hợp, chồng chéo, chưa đầy đủ hoặc vướng mắc.

Tuy nhiên, điều này là chưa đủ bởi trên thực tế chất lượng thể chế sẽ quyết định sự thành bại của một quốc gia và trong giai đoạn tới, thể chế sẽ là yếu tố trọng tâm quyết định tới sự bứt phá của chúng ta trong giai đoạn tới.

Do đó, với vấn đề thể chế, tôi đề nghị bổ sung thêm nội dung “nhanh chóng bãi bỏ các quy định cản trở đổi mới sáng tạo; hoàn thiện các quy định nhằm tạo thuận lợi gia nhập, rút lui khỏi thị trường, cơ cấu lại doanh nghiệp, thúc đẩy cạnh tranh, thúc đẩy mô hình kinh doanh xã hội, bền vững”. Khi và chỉ khi vấn đề này được bổ sung thì môi trường kinh doanh Việt Nam mới trở thành bệ đỡ vững chắc cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp yên tâm kinh doanh.

Bối cảnh hiện nay rất thích hợp để thực hiện cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư và nếu làm tốt sẽ tạo dư địa rất lớn cho phục hồi phát triển kinh tế mạnh mẽ và bền vững. Thực tế kinh nghiệm quốc tế cho thấy trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, rất nhiều quốc gia kiến nghị đây là cơ hội để tái cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại doanh nghiệp nhằm hướng đến xây dựng một nền kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững.

- Xin cảm ơn ông!

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 có 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:

(1) Hoàn thành cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, đầu tư công, Ngân sách Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

(2) Phát triển các loại hình thị trường, nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực.

(3) Phát triển lực lượng doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế.

(4) Cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị- nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn trong thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng.

(5) Nâng cấp chuỗi giá trị các ngành dựa vào ứng dụng tiến bộ KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế bao trùm; tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát huy yếu tố con người, giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Kế hoạch đưa ra 6 nhóm mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Trong đó ngoài một số chỉ tiêu cập nhật của kỳ kế hoạch trước, kế hoạch bổ sung lần này với các chỉ tiêu về phát triển các loại hình thị trường, cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 14): Con người là trọng tâm trong cơ cấu lại nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO