[Diễn đàn cảm xúc 30/4] Tình yêu đất nước là mẫu số chung kéo người tài về Tổ quốc

Nguyễn Việt thực hiện 30/04/2019 05:58

Khi tình yêu nước của mỗi người dân Việt Nam dù đang sinh sống ở trong hay ngoài nước được khơi dậy họ sẽ sẵn sàng gạt đi mọi mặc cảm để chung tay xây dựng đất nước.

Đây là chia sẻ của ĐBQH Dương Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30/4/1975.

- Hơn 4 thập kỷ qua kể từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, vấn đề hoà hợp lợi ích dân tộc để huy động “ngoại lực” phát triển đất nước không phải mới đặt ra, thưa ông ?

Ngay tại thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ chưa kết thúc, chúng ta đã biết rất nhiều chính sách của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, Chính phủ lâm thời Miền Nam Việt Nam, Mặt trận Giải phóng đều luôn luôn nhấn mạnh đến yếu tố hòa hợp dân tộc.

Sau một thời gian do nhiều lý do khác nhau, chủ yếu do sự chia cắt của chủ nghĩa thực dân, sự can thiệp của các nước lớn trong thời kỳ chiến tranh lạnh đã dẫn đến dân tộc Việt Nam bị phân ly thành những chiến tuyến khác nhau. Nhưng ngay từ thời điểm đó, chúng ta đã có những chính sách nêu cao tinh thần hòa giải dân tộc.

Tuy nhiên, sau khi chúng ta hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước thì mới nhận thấy một thực tế vấn đề hòa giải không đơn giản.

Ở đây không phải là vấn đề hận thù của quá khứ, mà quan trọng hơn cùng nhau đồng thuận hướng tới tương lai, và trong công cuộc này không thể không bàn tới câu chuyện lợi ích. Trong chiến tranh có nhiều người sẵn sàng hy sinh để đổi lấy hòa bình cho đất nước, nhưng khi thống nhất lại không dễ dàng hòa giải. Trên thực tế, sau hòa bình có nhiều người Việt đã rời bỏ tổ quốc ra đi trong hoàn cảnh như là hậu quả của chiến tranh, trong nhận thức chưa đầy đủ về nhau từ hai phía.

Có thể bạn quan tâm

  • Ba chìa khóa giúp doanh nghiệp giải bài toán hút nhân tài

    07:36, 24/04/2019

  • Quan tâm sức khoẻ trong môi trường làm việc là yếu tố giữ chân nhân tài

    04:06, 18/04/2019

  • Xu hướng mất nhân tài ngày càng nghiêm trọng

    07:45, 29/03/2019

  • Startup giữ chân nhân tài bằng... văn hóa?

    04:05, 18/03/2019

  • Động viên và giữ lại nhân tài thời khủng hoảng

    06:28, 31/01/2019

  • Lời khuyên giúp doanh nghiệp Việt thu hút nhân tài nước ngoài

    04:27, 30/01/2019

- Để hòa hợp, trước hết chúng ta cần phải tìm ra được một mẫu số chung, thưa ông?

Đúng như vậy, và mẫu số quan trọng nhất là không có người Việt Nam nào lại không yêu tổ quốc của mình, không có sự “độc quyền yêu nước”. Lòng yêu nước, tình cảm với tổ quốc không ai dám khẳng định ai hơn ai, còn chủ nghĩa yêu nước - tức con đường đưa đất nước Việt Nam thống nhất và giàu mạnh thì có thể khác nhau, thậm chí xung đột nhau. Chính vì thế, chúng ta phải đặt tối đa sự tôn trọng tình yêu đất nước của mỗi người Việt Nam mà không áp đặt chủ nghĩa yêu nước của mình cho người khác.

Người Việt yêu nước không nhất thiết phải về sống tại Việt Nam, chỉ cần họ toàn tâm, toàn ý hướng nguồn lực của họ hỗ trợ cho đất nước. 

Chúng ta cần cố gắng đi đến một mẫu số chung, lợi ích chung, nói hình tượng thì không phải là người thắng, kẻ thua; người trên cúi xuống hay người dưới nhìn lên, mà ở đó phải lấy tinh thần chung của tổ quốc mình. Chúng ta đã có quá nhiều bài học lịch sử hay những tấm gương ở nước ngoài để chứng minh cho tinh thần hòa giải dân tộc. Tôi lấy ví dụ tại Hoa Kỳ, họ đã phải trải qua một cuộc nội chiến rất ác liệt, và đã tưởng rằng một nước Mỹ phát triển đến mức độ hòa hợp quốc gia sau nội chiến để trở thành nước hùng cường trên thế giới. Nhưng những vấn đề từ quá khứ vẫn còn tồn tại và luôn quay trở lại.

Nói như vậy để thấy rằng, ý chí chúng ta mong muốn nhưng khi thực hiện cũng không đơn giản và dễ dàng. Vì thế, theo tôi để hòa hợp thì chính sách phải nhất quán, nhất quán không chỉ trên giấy tờ mà nhất quán trong từng chính sách cụ thể. Một điều quan trọng là chúng ta đang có một cộng đồng người dân đang sống trên đất nước Việt Nam, cũng có những cộng đồng người Việt vì nhiều lý do khác nhau, nhận thức khác nhau phải xa rời đất nước. Chính sách cần tạo điều kiện để họ gắn kết nhiều hơn với Tổ quốc. Họ không nhất thiết phải về sống tại Việt Nam, chỉ cần họ toàn tâm, toàn ý hướng nguồn lực của họ hỗ trợ cho đất nước.

Chúng ta đã thấy tinh thần nhường cơm sẻ áo, vì đồng bào của mình của người Việt xa xứ. Nhưng cái lớn hơn là sự trở về để đóng góp và xây dựng đất nước thì vẫn còn mong manh, không bền vững. Bởi vì chúng ta chưa có chính sách khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài hữu hiệu, vì với những lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo như khoa học công nghệ, văn học nghệ thuật… thì người Việt ở nước ngoài khi trở về tổ quốc làm việc thường bị đứng trước câu chuyện làm việc theo hướng dẫn của người khác, điều này khiến họ không phát huy hết tài năng của mình. Đầu tiên, không chỉ liên quan đến vấn đề thu nhập thấp hay những khó khăn về mặt vật chất, mà điều cơ bản là họ không được thỏa mãn về tinh thần, về quan hệ xã hội và họ cảm thấy không được đáp lại những thiện tình của họ khi hướng về tổ quốc.

- Như vậy theo ông, chính sách thu hút người Việt ở nước ngoài vẫn còn những điều bất cập?

Tôi lấy ví dụ, có một chuyên gia người Việt Nam có nhiều năm làm việc tại châu Âu về lĩnh vực đường sắt đô thị. Vị chuyên gia này về làm việc tại TP HCM nhưng không thể phát huy hết tài năng của mình vì vướng quá nhiều thứ trong cơ chế của chúng ta hiện nay.

Thực tế qua quan sát sau hơn 40 năm, nhiều người “trong cuộc” vẫn còn yếu tố tâm lý để chậm thay đổi việc hòa hợp. Nhưng dường như lớp trẻ ngày nay cũng chưa mặn mà trở về làm giàu cho quê hương mình. Do đó, vấn đề hòa hợp dân tộc cần có sự chủ động từ nhà nước, của các nhà lãnh đạo, đặc biệt là phải thiết thực và cụ thể.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
[Diễn đàn cảm xúc 30/4] Tình yêu đất nước là mẫu số chung kéo người tài về Tổ quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO