Tổng kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc trong 3 năm gần đây đạt trên 220 triệu USD. Riêng năm 2018, đạt trên 300tr USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của phái đoàn Chính phủ Cộng hòa Séc, do ông Richard Brabec Bộ trưởng Bộ môi trường dẫn đầu, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI đã phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam và Trường Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Séc - Việt.
Diễn đàn đã thu hút sự tham dự của hơn 200 doanh nghiệp hai nước.
Kim ngạch hai chiều chưa tương xứng với tiềm năng
Trong những năm gần đây, Việt Nam và Cộng hòa Séc có mối quan hệ toàn diện trên nhiều mặt và ngày càng phát triển sâu sắc hơn. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt trên thị trường Séc như giày dép, sản phẩm may mặc, thủy hải sản, hàng tiêu dùng, máy tính và điện thoại di động… các mặt hàng xuất khẩu của Cộng hòa Séc như máy dệt, máy gia công da, máy bơm, máy nén khí, máy biến thế, máy phát điện, máy nông nghiệp và các thiết bị linh kiện điện tử, dược phẩm, các mặt hàng thủy tinh pha lê ngày càng xuất hiện nhiều ở Việt Nam.
Theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nhiệp Việt Nam Võ Tân Thành, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc trong 3 năm gần đây đạt trên 220 triệu USD. Riêng năm 2018, kim ngạch thương mại 2 bên đạt trên 300 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong dó Việt Nam xuất khẩu sang Cộng hòa Séc đạt trên 156tr USD và nhập khẩu từ Cộng hòa Séc đạt 140tr USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam chủ yếu xuất sang thị trường Cộng hòa Séc những mặt hàng như Điện thoại di động, giày dép, thủy hải sản, dệt may; các mặt hàng nông sản như cà phê, hạt tiêu, hoa quả, chè, gạo, cao su, hàng thủ công mỹ nghệ…Trong đó, giày dép chiếm tỷ trọng lớn nhất, các mặt hàng thủy hải sản đang có xu hướng tăng nhanh. Một số sản phẩm nhập khẩu từ Cộng hòa Séc như hóa chất, máy vi tính, hàng điện tử, linh kiện, máy móc, phụ tùng, các sản phẩm từ thủy tinh và bia.
Cũng theo ông Võ Tân Thành, Cộng hòa Séc hiện đang nằm trong danh sách thị trường xuất khẩu triển vọng của Việt Nam trong giai đoạn 2010 đến 2020 và ngược lại, Việt Nam cũng được Cộng hòa Séc xem là một trong 12 thị trường hàng đầu có quy mô tương đối lớn tại các quốc gia Asean.
Về đầu tư, hiện nay Cộng hòa Séc đứng thứ 48/161 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 38 dự án, tương đương với 90,3tr USD. Các dự án chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như cao lanh, thủy tinh pha lê, bia, thiết bị điện và vật liệu xây dựng…
Đánh giá về sự hợp tác giữa hai nước, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, sự hợp tác về thương mại giữa hai nước đang có sự tiến triển tích cực. Tuy nhiên, kim ngạch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên. Do vậy, Việt Nam và Cộng hòa Séc cần phấn đấu để đưa kim ngạch thương mại 2 chiều tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.
Cơ hội cho các doanh nghiệp ngành môi trường
Liên quan đến lĩnh vực môi trường, ông Võ Tuấn Nhân – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về chuyển giao, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng phát triển bền vững, tăng cường quản lý tài nguyên, tăng cường tái chế, tái sử dụng bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển ngành công nghiêp môi trường Việt Nam đến năm 2025, nhằm phát triển ngành kinh tế công nghiệp môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cũng đang được Chính phủ giao làm đầu mối thống nhất quản lý chất thải rắn của cả nước. Do đó, trong những năm tới, Bộ TNMT sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan liên quan để nghiên cứu, xây dựng, phát triển ngành công nghiệp môi trường.
Về ứng phó với biến đổi khí hậu, hiện nay Việt Nam đang tích cực thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, nhằm triển khai những đóng góp của Việt Nam, cam kết thực hiện giảm khí thải nhà kính từ 8% - 25%, với kịch bản phát triển thông thường cùng với sự hỗ trợ về tài chính cũng như công nghệ, kinh nghiệm của bạn bè quốc tế.
“Đây là những cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp của Việt Nam và Cộng hòa Séc có thể thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý xử lý chất thải và giảm phát thải khí nhà kính và phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển hạ tầng giao thông thông minh, giao thông công cộng, bên cạnh việc tăng cường các hoạt động hợp tác thương mại truyền thống khác giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc”. Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chia sẻ.