Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Cần phân bổ nguồn lực hỗ trợ hợp lý!

Kim Huệ 06/12/2021 06:31

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường đã nêu quan điểm như vậy khi trao đổi về giải pháp, chính sách hỗ trợ kinh tế phục hồi và phát triển bền vững.

>>Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Cần gói hỗ trợ tài chính đủ lớn, đủ rộng và dài

“Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững” tổ chức ngày 05/12 và được trực tuyến tới 57 điểm cầu trong và ngoài nước, điểm cầu Đồng Nai do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường chủ trì. Theo dõi toàn bộ nội dung của diễn đàn, các đại biểu tham dự tại điểm cầu Đồng Nai đã đánh giá cao nội dung và tính kịp thời của diễn đàn. Các đại biểu cho biết rất ấn tượng với các bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đồng thời đánh giá cao các kiến nghị, gợi ý chính sách, ý kiến thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học và đại biểu tại diễn đàn.

Các đại biểu tham dự diễn đàn tại điểm cầu Đồng Nai

Các đại biểu tham dự diễn đàn tại điểm cầu Đồng Nai

Theo ông Quản Minh Cường, diễn đàn được Quốc hội tổ chức trong thời điểm hiện nay là một sự kiện mang tính cấp thiết và rất kịp thời, nội dung diễn đàn rất hay và phong phú. Sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, việc phục hồi kinh tế và chuẩn bị các điều kiện để phát triển bền vững là yêu cầu cấp bách hiện nay. Bởi suy cho cùng, nếu kinh tế trì trệ, không phát triển thì đời sống nhân dân sẽ rất khó khăn, đồng thời sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, phát sinh các vấn đề phức tạp về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội… Do đó, cần phải tăng cường sức khỏe cho nền kinh tế, đảm bảo sản xuất phát triển, đảm bảo sự tăng trưởng của nền kinh tế, các chỉ số như GRDP, xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp… phải tăng thì lúc đó thu nhập của người dân mới tăng.

“Tuy nhiên, không chỉ là phục hồi, mà là phục hồi và phát triển, và phát triển phải bền vững, đó là mục tiêu lớn mà Đảng, Quốc Hội, Chính Phủ đã và đang xây dựng các chính sách để hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển để không “lỡ nhịp” xu thế phục hồi và phát triển của thế giới”, ông Quản Minh Cường nói.

Về giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế, ông Cường nhận định: “Trong điều kiện dịch bệnh có thể kéo dài với những biến chủng mới như biến chủng Omicron vừa xuất hiện, để thích ứng và phát triển bền vững thì dứt khoát cần phải thực hiện tốt 5K + vaccine + chính sách mới. Tôi rất đồng tình với các đại biểu đã thảo luận, phân tích tại diễn đàn rằng để phục hồi và phát triển bền vững cần nhận thức được những đặc điểm, điều kiện, tính đặc thù của nền kinh tế trong tình hình mới để chủ động đưa ra những giải pháp”.

Trao đổi với báo chí tại diễn đàn, ông Quản Minh Cường đã nêu quan điểm về chính sách tiền tệ, chính sách thuế, chính sách đầu tư công, các lĩnh vực cần ưu tiên phân bổ nguồn lực... Ông cho rằng các gói hỗ trợ cần phải cân đối, tính toán hết sức khoa học và hợp lý để đảm bảo cho cả mục tiêu ngắn hạn và lâu dài.

Ông Quản Minh Cường - Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai trao đổi với báo chí tại diễn đàn

Ông Quản Minh Cường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai trao đổi với báo chí tại diễn đàn

>>Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Cần gói hỗ trợ tài chính đủ lớn, đủ rộng và dài

Đối với việc phục hồi và phát triển kinh tế Đồng Nai, ông Cường cho biết, trước hết, Đồng Nai sẽ áp dụng các chính sách chung mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội ban hành. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ căn cứ vào đặc thù, tính chất, đặc điểm của từng lĩnh vực để áp dụng chính sách một cách phù hợp, hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu phục hồi và phát triển bền vững. Ví dụ, nếu xét thấy cần phục hồi sản xuất nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực; phục hồi các ngành gia công như may mặc, giầy da... để đảm bảo xuất khẩu, giải quyết việc làm cho người lao động và giữ chân DN FDI hoặc đẩy mạnh công nghiệp công nghệ cao như sản xuất kinh kiện điện tử, bán dẫn... thì tỉnh sẽ ưu tiên cho các ngành này. Cụ thể như thế nào thì thời gian tới, sau khi Quốc Hội xây dựng và ban hành chính sách, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban chấp hành, Ban cán sự Đảng, UBND tỉnh, các sở ban ngành sẽ tham mưu cho lãnh đạo để có chính sách cụ thể đối với từng ngành.

Cũng tại diễn đàn, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường đã dành nhiều thời gian để trao đổi về vấn đề đảm bảo nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế ở Đồng Nai. Ông Cường cho biết, việc phục hồi và ổn định nguồn lao động hiện đang gặp nhiều khó khăn.

“Cụ thể, sau đợt dịch vừa rồi đã có vài trăm ngàn người lao động ở Đồng Nai đã về quê và phần lớn chưa quay trở lại. Đối với số lao động còn ở Đồng Nai, lúc thì bị F0, F1, lúc thì vướng con cái đang học trực tuyến nên nhiều người phải ở nhà trông con... Tôi được biết hiện nay một số lao động có suy nghĩ  “thôi thà nghèo một tí, khổ một tí, không đi làm nữa, cứ ở quê thôi hoặc vẫn ở Đồng Nai nhưng không đến nhà máy nữa”... Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng nhân lực, mà không có nhân lực thì không thể sản xuất được. Mặt khác, số lượng lao động ở Đồng Nai rất lớn, khoảng 1,2 triệu người nhưng chủ yếu là lao động phổ thông trong các DN FDI và các DN khác, lao động chất lượng cao, có tay nghề thì không nhiều”, ông Cường chia sẻ.

Để đảm bảo nguồn nhân lực cho phục hồi và phát triển, ông Cường cho rằng cần phải có nhiều biện pháp. Thứ nhất là doanh nghiệp phải đổi mới cách quản trị, chủ động cải tiến lại quy trình công nghệ sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại để hạn chế tối đa số lượng người lao động. Ví dụ trước đây doanh nghiệp cần phải dùng 100 công nhân, khi áp dụng công nghệ thì chỉ cần 80 công nhân, như vậy giảm được áp lực về nguồn lao động. Thứ hai là phải có chính sách khuyến khích người lao động như tăng lương, tăng các chính sách hỗ trợ để thu hút người lao động từ các tỉnh quay lại làm việc. Thứ 3, tỉnh phải có chính sách hỗ trợ người lao động trở lại; hỗ trợ doanh nghiệp như giãn thuế, giảm thuế, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp giảm bớt chi phí sản xuất và có nguồn lực để huy động lao động.

Ông Quản Minh Cường nhấn mạnh: “Trước mắt, cần phải có chiến lược về nhà ở cho công nhân. Đồng Nai hiện cần khoảng 200.000 căn hộ hợp tiêu chuẩn thì mới đủ đáp ứng cho 800.000 công nhân đang ở nhà trọ. Đây là một bài toán vô cùng nan giải, không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Về chiến lược lâu dài, khi phát triển khu công nghiệp phải đi liền với phát triển đô thị, quy hoạch nhà ở, quy hoạch giao thông, quy hoạch hạ tầng: viễn thông, điện, nước, trường học... Khi thu hút đầu tư, ưu tiên các dự án sử dụng ít lao động, áp dụng kinh tế trí thức, kinh tế số, chuyển đổi số. Trong những năm tới, Đồng Nai không nhất thiết phải tăng về dân số mà phải tăng được hàm lượng khoa học, hàm lượng chất xám trong sản xuất”.

Có thể bạn quan tâm

  • Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Cần gói hỗ trợ tài chính đủ lớn, đủ rộng và dài

    01:00, 06/12/2021

  • Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phải tự cường đứng trên đôi chân của mình!

    21:10, 05/12/2021

  • Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: "Bình thường mới" cần thể chế mới!

    18:02, 05/12/2021

  • Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Chuyển đổi số để chiến thắng dịch bệnh

    15:53, 05/12/2021

  • Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Làm rõ năng lực hấp thụ của nền kinh tế

    15:49, 05/12/2021

  • Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Loạt kiến nghị của chuyên gia quốc tế

    14:51, 05/12/2021

  • Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Quán triệt hai quan điểm khi đưa ra chính sách

    14:17, 05/12/2021

  • Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Đề xuất các gói hỗ trợ khoảng 666.000 tỷ đồng

    12:47, 05/12/2021

  • Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Tạo đột phá cho đầu tư công

    12:21, 05/12/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Cần phân bổ nguồn lực hỗ trợ hợp lý!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO