[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Loại bỏ “căn bệnh ung thư, di căn về nhân cách”?

Sông Hàn 01/11/2019 06:31

Bên cạnh những quy chuẩn pháp luật, đạo đức, chúng ta cũng cần tạo ra một dư luận xã hội mạnh mẽ để tẩy chay những cán bộ có hành vi “vô đạo, vô lương” – mầm ươm của tham nhũng.

Tại phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019 cũng như kế hoạch 2020 vừa qua, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã đề cập đến vấn đề đạo đức của cán bộ và đạo đức xã hội nhận được sự đồng tình cao của dư luận, cử tri cả nước.

Theo Đại biểu Nhưỡng thì “hiện nay, có lẽ còn rất nhiều loại cán bộ xấu xa đang lẩn khuất trong các cơ quan, tạo ra quốc nạn tham nhũng và tạo ra tình trạng mất lòng tin của người dân về Đảng, Nhà nước”.

Có thể bạn quan tâm

  • Đại biểu lo cán bộ "thu mình cuối nhiệm kỳ" sẽ ảnh hưởng đến tiến độ sân bay Long Thành

    10:06, 31/10/2019

  • Nhiều cán bộ xấu còn "lẩn khuất" trong các cơ quan

    12:08, 30/10/2019

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Cần bịt lỗ hổng tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ

    06:37, 08/10/2019

  • Cán bộ nào dũng cảm, kiên quyết không nhận “quà tặng”?

    06:17, 30/09/2019

  • Cán bộ thuộc diện quy hoạch: Cần công khai, minh bạch!

    05:00, 27/09/2019

Một thực trạng báo động ở nước ta hiện nay là tệ tham nhũng thường xảy ra ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp chi tiêu ngân sách nhà nước, do những cán bộ, công chức, viên chức thiếu đạo đức cách mạng gây ra.

Và nó ngày càng trầm trọng, trở nên phổ biến trong tất cả các lĩnh vực từ công an đến hải quan, từ tài nguyên môi trường đến xây dựng, thuế, ngân hàng, y tế, giáo dục cho đến cả thanh tra, kiểm sát, tòa án,… Từ lĩnh vực kinh tế cho đến cả chính trị với quy mô các vụ án ngày càng lớn, tính chất ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Hình minh hoạ: Internet.

Thế mới có chuyện, tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức năng nhiệm vụ tương tự nhau nhưng lại có mức thu nhập khác nhau. Trong cùng một đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, có thang bảng lương như nhau, cống hiến như nhau, nhưng về thu nhập, của cải thì có kẻ giàu “nứt đố, đổ vách”, còn nhiều người vẫn lo ăn, lo mặc, lo chi tiêu bằng đồng lương hạn hẹp.

Ai đó đã ngụy biện rằng, cán bộ, đảng viên cũng là con người, cũng có những nhu cầu, những ham muốn như những người bình thường khác, không thể đòi hỏi ở họ những gì quá đáng. Cho nên, họ vẫn có thể có những hành động tham nhũng, tiêu cực!

Nếu quả người cán bộ, đảng viên không hơn những người bình thường khác, vẫn có thể tham nhũng, tiêu cực và luôn đặt lợi ích cá nhân của mình lên trên lợi ích của nhân dân, của dân tộc thì tốt nhất, hãy ra khỏi hàng ngũ của Đảng. Bởi vì, mục đích của Đảng, Điều lệ của Đảng không cho phép họ làm như vậy. Người đảng viên, nhất thời do hoàn cảnh này, nọ, có thể mắc khuyết điểm, nhưng phải giữ được lòng tự trọng, tự xấu hổ, tự đấu tranh, chuộc lại những lỗi lầm.

Từ cuốn sách “Đường Kách mệnh” (1927) cho đến những năm đầu của chính quyền cách mạng Người đã viết các tác phẩm: “Sửa đổi lối làm việc”, “Đời sống mới”, “Đạo đức cách mạng”, để giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, lối sống và sớm ngăn chặn các hiện tượng suy thoái đạo đức xuất hiện trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, chủ nghĩa cá nhân chính là nguồn gốc của suy thoái đạo đức và cũng từ chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra mất đoàn kết, tổ chức và kỷ luật kém, không chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Người chỉ rõ, chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, một thứ “giặc nội xâm” nguy hiểm.

Nói cách khác, những chuẩn mực đạo đức trong lịch sử được sử dụng chưa đúng, những hành vi suy thoái không bị lên án đủ mức, chế tài chưa đủ mạnh. Nguy hiểm nhất, đạo đức chính là cốt lõi, là cội rễ của bách tính. “Vô đạo, vô lương sẽ khơi nguồn của lòng tham và đớn hèn, thấy đúng không dám nói, không dám bảo vệ, thấy sai thì bao che” – Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Thực tế đó cho thấy, “cán bộ xấu xa đang lẩn khuất trong cơ quan, đơn vị, tạo ra quốc nạn tham nhũng” như Đại biểu đoàn Bến Tre nói. Và một khi quyền lực của quan chức không bị kiểm soát, trách nhiệm không tương xứng với quyền lực, thì trước sức mạnh của đồng tiền, tham vọng cũng sẽ khó cầm.

Vì thế, nó là kẻ thù từ bên trong, dường như tự sinh, tự dưỡng, có sức sống mãnh liệt, dù chúng ta luôn luôn cảnh báo và đã huy động mọi khả năng để diệt trừ. Đây chính là “căn bệnh ung thư, di căn về nhân cách” dứt khoát phải loại bỏ ra khỏi xã hội bằng nhiều cách thức, biện pháp khác nhau.

Trong đó, đối với người đảng viên, cán bộ, phải làm cho họ nâng cao tính tiên phong, gương mẫu, biết “lo trước thiên hạ”, nhận khó khăn về mình và biết nhường nhịn, “hưởng sau thiên hạ”. Làm như thế là đúng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn có chủ nghĩa xã hội, trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa”.

Bên cạnh những quy chuẩn pháp luật, đạo đức, chúng ta cũng cần tạo ra một dư luận xã hội mạnh mẽ để tẩy chay những cán bộ có hành vi “vô đạo, vô lương” – mầm ươm của tham nhũng. Vì tác dụng của việc răn đe bằng dư luận xã hội nhiều khi còn cao hơn cả sự răn đe của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Loại bỏ “căn bệnh ung thư, di căn về nhân cách”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO