[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Thấy gì từ vụ du khách Nhật bị “chặt chém” gần 3 triệu đồng?

Bảo Lam (Cầu Giấy, Hà Nội) 08/08/2019 10:13

Mặc dù bị “chặt chém” 2,9 triệu đồng cho một cuốc xích lô chỉ 5 phút đồng hồ, thế nhưng cụ Oki vẫn nhận lỗi về mình.

Thông tin cụ Oki (83 tuổi), du khách đến từ Nhật Bản tuổi bị người lái xích lô chặt chém ngay tại trung tâm TP.HCM (Việt Nam) đã khiến dư luận thêm một phen dậy sóng bức xúc.

Cụ Oki - người Nhật Bản, nạn nhân trong vụ "chặt chém" gần 3 triệu đồng khi đi xích lô khoảng 5 phút tại Việt Nam. Ảnh: Internet.

Cần xử lý nghiêm

Theo báo chí đưa tin, cụ Oki đến Việt Nam thăm con trai út đang sinh sống và làm việc tại đây, sẵn tiện đi du lịch.

Khoảng 6 giờ sáng ngày 3/8, khi vừa ra khỏi khách sạn trên đường Tôn Đức Thắng để tản bộ thì cụ bị một người đàn ông đạp xích lô tới chèo kéo bằng tiếng Anh bồi. Một lúc sau, đến gần chợ Bến Thành, cụ gật đầu đồng ý cho anh ta chở về khách sạn.

Cuốc xích lô chỉ khoảng 5 phút đồng hồ đi từ chợ Bến Thành về khách sạn Liberty Central Saigon Riverside (đường Tôn Đức Thắng, P.Bến Nghé, Q.1), nhưng người đạp xích lô đã “chặt” của cụ Oki 2,9 triệu đồng.

Sau khi có sự lên tiếng của cộng đồng mạng, chính quyền đã vào cuộc, tìm ra người đạp xích lô có hành vi không thể chấp nhận này là ông Phạm Văn Dũng (49 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM) và đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với ông Dũng để điều tra về hành vi “Cướp giật tài sản”.

Có thể bạn quan tâm

  • Xin lỗi và tặng vé máy bay cho du khách Nhật bị "chặt chém" 2,9 triệu đồng

    08:00, 07/08/2019

  • Phát triển du lịch: Hãy xây dựng thương hiệu từ những cái nhỏ nhất!

    05:02, 08/08/2019

  • Hà Tĩnh: Kiên quyết dẹp bỏ nạn “chặt chém” du khách

    04:50, 17/04/2019

  • Nha Trang: Xử phạt nhà hàng bị tố “chặt chém” du khách

    16:35, 26/02/2019

  • Taxi dù “chặt chém” du khách tại Nha Trang - Ai chịu trách nhiệm quản lý?

    11:57, 24/07/2018

  • Nhà hàng hải sản ở Đà Nẵng bị tố “chặt chém” gửi lời xin lỗi thực khách

    13:45, 25/01/2018

  • Kinh doanh “chặt chém” và câu hỏi du lịch Việt bao giờ bằng Lào, Campuchia?

    05:16, 11/09/2017

Nhiều người Việt Nam khi được hỏi đã cho biết, họ rất sốc trước thông tin này, đồng thời cảm thấy vô cùng xấu hổ. Một số khác cho biết, nạn chặt chém ở các thành phố lớn tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng vẫn còn đang hoành hành khá nhiều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch. 

Trong khi việc xây dựng thương hiệu cho các cá nhân tổ chức doanh nghiệp kinh doanh thương mại du lịch và dịch vụ sẽ rất kỳ công, có thể phải 5-10 năm mới tạo dựng được thương hiệu của mình, thì chỉ một sự việc xấu sẽ làm mất niềm tin của khách thì công sức của chúng ta phấn đấu nhiều năm bị sứt mẻ một cách nhanh chóng.

Có thể nói, tại TP HCM, Hà Nội hay tại các tỉnh thành phố khác trong cả nước vẫn còn rất nhiều gương người tốt việc tốt trong kinh doanh thương mại du lịch và dịch vụ, nhưng vẫn còn còn tồn tại không ít những “con sâu làm rầu nồi canh”. Điều này buộc chúng ta phải có những giải pháp khắc phục ngay trong thời gian tới, cần xử lý nghiêm những hành vi gây rối, "chặt chém" du khách tại Việt Nam, đừng để hình ảnh đất nước ta xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế.

Học được gì từ câu chuyện này?

Trong khi dư luận còn chưa hết xấu hổ bởi hành động "chặt chém" của người lái xích lô thì phản ứng đáng kính của cụ ông Nhật Bản khi nhận hết phần lỗi về mình và cho rằng do mình không hỏi giá trước khi lên xe nên đã gây ra cớ sự này lại khiến chúng ta thêm một lần xấu hổ, phải suy nghĩ.

Người đàn ông đạp xích lô thể hiện hành động “cướp giữa ban ngày” đáng lên án bao nhiêu thì hành động của cụ ông Nhật Bản càng làm cho số đông người phải hổ thẹn.

Từ đầu đến cuối, ông cụ đều nhận lỗi về mình. Đặc biệt, khi biết gia cảnh người xích lô đó cũng không khá giả, ông cụ hoàn toàn không muốn đòi lại số tiền mình bị cướp đi. “Lỗi tại tôi, là do tôi không hỏi giá trước”. - dù là nạn nhân của vụ “chặt chém” nhưng ông cụ vẫn nhận lỗi.

Văn hóa xin lỗi thể đức tính khiêm tốn của con người. Mà khiêm tốn là đức tính được đánh giá rất cao ở Nhật Bản. Việc xin lỗi chưa hẳn là việc nhận mình sai mà có khi nó thể hiện thái độ tích cực, cầu tiến, có ý thức trách nhiệm. Dù có lý do như thế nào đi nữa thì ban đầu họ vẫn nhận lỗi về mình. Họ nghĩ con người bạn là do chính bạn điều khiển nó. Để cho nó mắc sai lầm là lỗi của chính bạn chứ không phải ai khác.

Chính bởi vậy mà người Nhật Bản luôn là một cộng đồng có những ứng xử chuẩn mực, khiêm tốn và hết sức có trách nhiệm.

Còn tại Việt Nam thì sao? Lời xin lỗi của cụ ông người Nhật có khiến nhiều người Việt Nam phải nhìn lại mình?.

Thực tế cho thấy, theo thời gian, một tính xấu của người Việt ngày càng phát triển mạnh hơn, đó là thói quen đổ lỗi. Khi có bất cứ sự vụ nào xảy ra, một bộ phận người Việt thường không có can đảm nhận trách nhiệm, không dám thừa nhận sự thật, mà cứ quanh co đổ lỗi trước. Họ cứ đổ lỗi cho nhau cho đến khi cùng đường, bị phanh phui chứng cớ, không còn lối thoát mới chịu... nhận lỗi.

Đây là một tính xấu cần phải khắc phục càng sớm càng tốt. Từ câu chuyện này, người viết mong muốn chúng ta cần có thái độ ứng xử tích cực với lỗi lầm mà mình đã gây ra. Cần phải học cách chịu trách nhiệm về những hành vi mình chưa đúng của mình. 

Văn hóa xin lỗi là vẻ đẹp cao quý trong đời sống giao tiếp của con người. Nhận ra lỗi lầm và chân thành nhận lấy nó để mong được tha thứ sẽ làm dịu bớt cơn giận dữ hoặc nỗi đau của người khác. Xin lỗi cũng là một phép lịch sự trong giao tiếp. Nó thể hiện sự văn minh và thái độ tôn trọng con người. Hơn cả lễ độ, biết nói nói lời xin lỗi thể hiện lối sống vị tha và cao thượng của con người.

Hãy bắt đầu khắc phục thói quen xấu từ bài học rút ra trong câu chuyện này - mặc dù là nạn nhân của một vụ cướp giật, nhưng trước tiên ông vẫn nhận lỗi về mình. Không những vậy, ông còn bao dung hơn khi tha thứ cho cả kẻ cướp tiền của mình vì nghĩ đến gia cảnh của người xích lô nghèo khó.

Con người đáng kính trọng, có lẽ chỉ ở chỗ ứng xử hơn người ấy mà thôi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Thấy gì từ vụ du khách Nhật bị “chặt chém” gần 3 triệu đồng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO