Diện mạo mới cho du lịch Tiền Giang

Phan Nam 27/11/2019 12:59

Quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt có 22 dự án du lịch được mời gọi đầu tư với tổng số vốn 8.360 tỉ đồng.

Lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang khảo sát các điểm du lịch trên cù lao Thới Sơn, TP. Mỹ Tho.

Lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang khảo sát các điểm du lịch trên cù lao Thới Sơn, TP. Mỹ Tho.

Cách đây không lâu, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định số 2893/QĐ-UBND về việc thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực lữ hành thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh Tiền Giang. Quyết định thông qua phương án đơn giản hóa 2 thủ tục hành chính gồm: Cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; Cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch.

Đây chỉ là một trong những hành động thể hiện quyết tâm hiện thực hoá mục tiêu du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Số liệu thống kê cho thấy, 9 tháng năm 2019, lượng khách du lịch đến Tiền Giang đạt 1.502,4 ngàn lượt, đạt 71,5% kế hoạch, tăng 5,6% so cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế 476,7 ngàn lượt, đạt 56,8% kế hoạch, tăng 0,3% so cùng kỳ. Doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đạt 4.979 tỷ đồng, tăng 9,1%; trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 98,2%. Mục tiêu mà tỉnh Tiền Giang đề ra trong năm 2019 thu hút hơn 2 triệu lượt khách du lịch, tăng 7,5% so cùng kỳ; trong đó khách quốc tế là 650 ngàn lượt, tăng 5% so cùng kỳ.

Lượng khách đến với Tiền Giang đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Nếu như vào năm 2013 Tiền Giang chỉ đón khoảng 1,3 triệu lượt khách, trong đó có hơn 547.000 lượt khách quốc tế thì đến năm 2018 đã đón khoảng 2 triệu lượt khách.

Để có được kết quả trên, ngành du lịch đã tập trung mọi nguồn lực cho phát triển hoạt động lữ hành, nghiên cứu các thế mạnh đặc thù, khai thác các địa danh, di tích văn hóa lịch sử, mạnh dạn mở thêm các tour tham quan mới, liên kết với các đơn vị kinh doanh lữ hành trong và ngoài tỉnh nhằm tạo nguồn khách. Sản phẩm du lịch cũng ngày càng đa dạng: Du lịch sinh thái tham quan sông nước, miệt vườn; du lịch tìm hiểu văn hóa bản địa, du lịch cộng đồng; du lịch tham quan di tích lịch sử - văn hóa tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe; du lịch thương mại, công vụ (MICE)...

Tuy nhiên, nhìn chung, sản phẩm du lịch sinh thái Tiền Giang chủ yếu tham quan sông nước, miệt vườn và nghỉ dưỡng. Nhiều khu du lịch đã được đầu tư khai thác chuyên nghiệp như: Khu du lịch sinh thái cù lao Thới Sơn, Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước), khu du lịch huyện Cái Bè và huyện Cai Lậy…
Nếu nhìn vào bức tranh tổng thể dựa trên các tiềm năng lợi thế du lịch Tiền Giang vẫn chưa phát triển xứng tầm.

Ông Lê Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cũng từng nhận ra rằng, là tỉnh đi đầu của Đồng bằng sông Cửu Long về du lịch sông nước miệt vườn, nhưng giờ đây có một số tỉnh trong vùng đã tiến xa hơn, nhiều sản phẩm du lịch hơn, đa dạng hơn. Đây cũng chính là trăn trở của các cấp chính quyền, làm thế nào để có thể khai thác các lợi thế so sánh để du lịch bứt phá vươn lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Diện mạo mới cho du lịch Tiền Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO