Ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng VEPR đã nêu 3 bài học vận dụng cho Việt Nam trong việc phát triển thị trường điện cạnh tranh.
Chiều ngày 16/8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Tổng Công ty Điện lực TP.HCM và Viện Nghiên cứu Ứng dụng Năng lượng thông minh (iSEAR) tổ chức Diễn đàn: “Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp: Giải pháp chuyển dịch và tiết kiệm năng lượng”.
Tham dự Diễn đàn có ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch VCCI; Ông Tạ Huy Hoàng – Trưởng văn phòng Đại diện Bộ Xây dựng tại phía Nam; Ông Phạm Thanh Trực – Phó Trưởng ban Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA); Ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc VCCI HCM; Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam; Ông Trần Thiên Long - Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam; Trung tá Phạm Thy Bình – Phó Đội trưởng phòng cháy Phòng cảnh sát PCCC & CNCH Công an TP.HCM; Ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) – thuộc trường Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Cao Anh Tuấn – Chuyên gia về Năng lượng tái tạo; Ông Nguyễn Hữu Khoa – Đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam; TS. Trần Huỳnh Ngọc - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu phát triển - PECC2 (thuộc EVN); Ông Hoàng Đình Lân – Phó Ban Kinh doanh Tổng Công ty Điện lực miền Nam; Ông Lê Hồng Khanh - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương.
Về phía Ban tổ chức có sự tham dự của Nhà báo Phạm Hùng - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Trưởng văn phòng phía Nam; Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp; Ông Phan Công Tiến – Giám đốc Viện nghiên cứu Ứng dụng năng lượng thông minh.
Phát biểu tham luận với chủ đề “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh và hoàn thiện mô hình mua bán điện trực tiếp điện mặt trời mái nhà trong các khu cụm công nghiệp”, ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) – thuộc trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, phát triển thị trường điện cạnh tranh giảm chi phí đầu tư và vận hành. Theo đó, về chi phí đầu vào, thị trường bán lẻ độc quyền ở hầu hết quốc gia trước đây dẫn đến rủi ro đầu tư thấp dẫn đến không đủ nguồn cung cấp điện đáp ứng tiêu chuẩn tin cậy.
Điều này đã xảy ra và có thể sẽ tiếp tục diễn ra với ngành điện Việt Nam, đặc biệt khi ngành điện không thể huy động đủ vốn đầu tư phát triển điện lực, độ dự trữ nguồn lưới giảm vì tăng trưởng phụ tải quá cao, có thể dẫn đến giá điện tăng cao hoặc thậm chí cắt điện (như vừa qua). Vì vậy, xu thế chung là giảm độc quyền và điều tiết nhà nước nhằm xây dựng thị trường bán buôn lẫn bán lẻ điện cạnh tranh.
Về chi phí vận hành, theo ông Việt, trên thế giới nguồn điện mặt trời dần có chi phí thấp nhất dẫn đến giá điện rẻ, đặc biệt đáp ứng nhu cầu chuyển dịch xanh thì điện mặt trời mái nhà là phương án tối ưu nhất.
Đối với điện mặt trời mái nhà (là các nguồn phân tán) chi phí tổn nhất này gần như bằng không. Một chi phí khác là chi phí bán lẻ thì chiếm tỷ lệ nhỏ hơn, bao gồm chi phí đo đếm và thu tiền bán điện. Ngoài ra, khi vận hành hệ thống, còn phải tính đến chi phí điều hành và các dịch vụ phụ trợ để đảm bảo hệ thống vận hành ổn định.
“Lợi ích lớn của thị trường mua bán điện cạnh tranh là sự nhận thức và tiết kiệm điện từ phía khách hàng, khách hàng Quốc gia Bắc Âu nào sử dụng nhiều hợp đồng cạnh tranh với giá điện giao ngay (so với giá cố định) có xu hướng tích cực theo dõi giá biến động từng giờ và điều chỉnh mức tiêu thụ điện cho phù hợp”, ông Việt đánh giá.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, phát triển thị trường điện cạnh tranh không làm tăng giá điện trong dài hạn. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi phát triển thị trường điện hoàn chỉnh thì về ngắn hạn chi phí sản xuất và truyền tải phân phối có thể tăng (ví dụ nghiên cứu thị trường điện cạnh châu âu (Zachmann et al. 2018 ), nhưng trong dài hạn sẽ được ổn định và giảm do tính chất tự điều chỉnh của thị trường cung cầu dài hạn (An Estimation of the Price Impact of Electricity Retail Competition Hill (2010). Mức độ giá bán lẻ điện hộ gia đình phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau chứ không phải do thị trường điện cạnh tranh.
Ông Việt cũng nêu 3 bài học vận dụng cho Việt Nam trong việc phát triển thị trường điện cạnh tranh. Thứ nhất, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vận hành song song và độc lập với thị trường bán buôn. Đơn vị bán lẻ điện là cấu nối giữa thị trường bán buôn điện cạnh tranh và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, đơn vị này mua điện từ thị trường bán buôn (đầu vào) và cạnh tranh để bán lẻ điện cho khách hàng (đầu ra).
Thứ hai, xoá bỏ bù chéo và tách độc lập các khoản trợ giá. Cơ chế hỗ trợ cho các hộ gia đình thu nhập thấp, các khách hàng dễ bị tổn thương/ khó khăn trongviệc chi trả tiền điện tại Singapore và Úc đều được thực hiện qua các chương trình của Chính phủ, không tính vào giá điện.
Thứ ba, cải cách quy định về giá bán lẻ. Cho phép từng đơn vị bán lẻ điện có quyền tự do định giá bán lẻ điện là cơ chế cơ bản đảm bảothị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoạt động hiệu quả.Mức giá sẽ tương ứng với các gói cước sử dụng điện khác nhau, tạo sự đa dạng hóa sản phẩm giúp khách hàng có thể lựa chọn gói cước sử dụng điện phù hợp với nhu cầu.
Đồng thời, ông cũng nêu các đề xuất xây dựng thị trường điện cạnh tranh nói chung như: Cải cách giá điện hiện tại theo lộ trình để chuyển đổi sang cạnh tranh bán lẻ điện; Xây dựng lộ trình phù hợp để từng bước đưa các nhóm khách hàng tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; Hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp lý phù hợp với các bước phát triển, mở rộng của Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Về các đề xuất DPPA gắn với điện mặt trời mái nhà không giới hạn lượng tiêu thụ trong khu cụm công nghiệp, ông Việt cho rằng, Nghị định 80 quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) quy định về Khách hàng lớn tại khoản 12 Điều 3, theo đó cần đạt sản lượng tiêu thụ bình quân 200.000 kWh/tháng, áp dụng trong cả trường hợp mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng và qua lưới điện quốc gia.
Bên cạnh đó, việc mua bán và truyền tải điện giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng thông qua lưới điện riêng trong nội bộ khu công nghiệp cho phép sản xuất điện ngay sát phụ tải tiêu thụ đồng thời chỉ có 1 điểm đấu nối với lưới điện quốc gia. Lượng điện từ các hệ thống, nhà máy điện tái tạo sẽ được phân phối chỉ trong phạm vi khu công nghiệp, chia sẻ giữa các khách hàng lớn và nhỏ, không phát điện lên lưới điện quốc gia.
Do đó, việc quy định công suất tiêu thụ của khách hàng phải từ 200.000 kWh/tháng là chưa hợp lý. Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và phía khách hàng hoàn toàn có thể tự thỏa thuận và đưa ra các yêu cầu phù hợp với nhu cầu tiêu thụ điện và khả năng phát điện của mình.
Ông Nguyễn Quốc Việt cũng đồng thời nêu các đề xuất cơ chế thí điểm khuyến khích giá điện theo công suất hoặc nguồn điện với DPPA.
Một là, khoản 4, Điều 6 Nghị định 80, “Trường hợp Đơn vị điện lực vừa thực hiện chức năng phát điện và chức năng bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm kết hợp mua điện từ hệ thống điện quốc gia đồng thời với các nguồn điện tại chỗ khác để bán lẻ điện cho các khách hàng sử dụng điện trong các mô hình khu, cụm, giá bán lẻ điện cho khách hàng được thực hiện theo Quy định về thực hiện giá bán điện do Bộ Công Thương ban hành”
Hai là, nếu hiểu là vẫn theo giá bán chung của EVN thì sẽ không tạo cơ chế giá bán lẻ cạnh tranh. Điều này có thể gây bó hẹp động lực đầu tư cũng như mua điện mặt trời mái nhà của các đơn vị sản xuất trong các khu –cụm công nghiệp
Ba là, việc gỡ bỏ giới hạn tiêu thụ điện với khách hàng mua điện trực tiếp và tự do xác lập giá bán lẻ theo gói cước sử dụng thoả thuận giữa bên mua –bán trực tiếp không những mở rộng cơ hội cho nhiều doanh nghiệp, tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp, tham gia cơ chế mà còn khuyến khích, thúc đẩy sự phát triển của thị trường điện năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời mái nhà nói riêng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường thu hút đầu tư của Việt Nam.