Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng mức giá “điện một giá” vừa được Bộ Công Thương đề xuất là mức quá cao, không hợp lý.
Bộ Công Thương vừa công bố Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để lấy kiến. Theo đó, khách hàng được quyền lựa chọn áp dụng biểu giá bán lẻ điện 5 bậc hoặc 1 giá để phù hợp với mức tiêu thụ điện của khách hàng, mức điện một giá bằng 145% - 155% giá bán lẻ điện bình quân.
Ngay sau khi được đưa ra, dự thảo nhận sự quan tâm rất lớn từ phía dư luận, đặc biệt là phương án "điện một giá". Phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam về vấn đề này.
- Ông đánh giá thế nào về hai phương án cho điện một giá được Bộ Công Thương đưa ra là chênh lệch 145% và 155% so với giá lẻ điện bình quân?
Nói một cách thẳng thắn đây là mức giá quá cao so với giá bình quân bán lẻ điện hiện hành và giá bán lẻ điện sinh hoạt của chính hai phương án bậc thang trong phương án 2A và 2B.
Sở dĩ như vậy vì, giá bán lẻ điện bình quân chung của 4 biểu giá là 186444 đ/kWh (chưa có VAT). Giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân hiện hành là 2.018 đ/kWh chỉ cao hơn 8% trong khi phương án giá điện một giá đang đề xuất là 2.703 đ/kWh và 2.889 đ/kWh, cao hơn mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 145% và 155%. Điều này là bất hợp lý bởi nó phá vỡ nguyên tắc của chính Bộ Công Thương đưa ra là “cải tiến nhưng không làm tăng giá bình quân hiện hành”. Điều này cần được giải thích một cách minh bạch và cần được tính toán lại.
- Với đề xuất về mức điện một giá này sẽ tác động như thế nào tới các hộ gia đình? Đây có phải mức hợp lý khi có tới hơn 90% số hộ đang sử dụng mức dưới 700kWh/tháng, thưa ông?
Với phương án một giá như Dự thảo nêu sẽ tác động bất lợi đến đại bộ phận các hộ khách hàng tiêu dùng điện trong xã hội nếu chọn phương án điện một giá thay cho biểu giá bậc thang. Cụ thể, nếu so với biểu giá bậc thang đang áp dụng, nếu áp dụng giá điện một giá thì 92,9% số hộ tiêu dùng điện phải trả tiền tăng thêm từ 16.700 đ -51.250 đồng/hộ/tháng (với phương án 2A) và 35.300 đ – 60.550 đ/hộ/tháng (với phương án 2B); còn lại 7,1% số hộ tiêu dùng điện sẽ được giảm giá tiền điện.
Nếu so với biểu giá bậc thang dự kiến và một giá dự kiến thì 92,9% số hộ dùng điện phải trả tiền điện tăng thêm từ 15.000 đ – 102.000 đ/hộ/tháng (với phương án 2A) và tăng từ 52.000 đ – 122.100 đ/hộ/tháng (với phương án 2B); còn lại 7,1% hộ dùng điện được giảm từ 83.000 đ – 240.000 đ/hộ/tháng (với phương án 2A) và 27.900 đ – 355.000 đ/hộ/tháng (với phương án 2B).
- Ông có kiến nghị, đề xuất xây dựng biểu giá điện để đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp, xây dựng thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam, thưa ông?
Chúng ta cần tiếp tục thực hiện cải tiến Biểu giá điện để phù hợp với cấp độ thị trường, đặc biệt là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh để người tiêu dùng được lựa chọn người cung ứng, giá và dịch vụ cung ứng điện.
Cụ thể, mức giá đó phải phản ánh đúng – đủ - hợp lý chi phí cung ứng điện và lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường, đáp ứng được mức giá hợp lý với đại bộ phận khách hàng tiêu dùng điện trong xã hội. Tuy nhiên cũng phải tạo được áp lực khuyến khích tiêu dùng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
15:00, 11/08/2020
06:00, 11/08/2020
11:00, 06/08/2020
05:00, 04/08/2020
06:00, 13/07/2020
18:07, 08/07/2020