Bạn có biết những thiết bị dù không được trang bị phần cứng GPS vẫn có thể xác định vị trí chính xác của bạn chỉ với sóng Wi-Fi?.
"Dịch vụ định vị" không chỉ là GPS
Các hệ điều hành tiên tiến, như iOS, iPadOS, Android, Windows 10, macOS và Chrome OS, đều được tích hợp sẵn "Dịch vụ định vị" trong hệ thống.
Khi một ứng dụng, như bản đồ hay la bàn, muốn truy cập dữ liệu vị trí, chúng không truy cập trực tiếp vào sóng GPS. Thay vào đó, ứng dụng sẽ đề xuất bạn cho phép truy cập "Dịch vụ định vị" của hệ điều hành.
"Dịch vụ định vị" hiện nay sử dụng nhiều công nghệ để xác định vị trí của người dùng. GPS chỉ là một trong số đó. Nhưng khi tín hiệu GPS hoặc phần cứng GPS không khả dụng, hoặc tín hiệu quá yếu, "Dịch vụ định vị" sẽ sử dụng những cách thức khác thay thế.
Ví dụ, nếu thiết bị của bạn có thế bắt sóng di động, "Dịch vụ định vị" có thể phân tích vị trí của bạn dựa trên tín hiệu từ ba trụ thu phát sóng di động gần đó, phương pháp này có độ chính xác khá cao.
Tuy nhiên, còn một công nghệ khác cũng được sử dụng để xác định vị trí của thiết bị, đó là rà soát những điểm truy cập Wi-Fi gần nhất.
Địa chỉ IP chỉ cho biết thông tin chung về vị trí
Bạn có thể dễ dàng kiểm chứng khả năng của công nghệ này. Ví dụ khi bạn sử dụng trình duyệt trên laptop, một vài trang web sẽ yêu cầu được truy cập dữ liệu vị trí. Nếu bạn cho phép, trang web sẽ có thể xác định chính xác vị trí của bạn, thường là chính xác cả địa chỉ đầy đủ hoặc chỉ sai lệch một hoặc hai căn nhà.
Nhưng laptop của bạn không hề được trang bị phần cứng GPS, vậy tại sao trang web có thể biết được vị trí chính xác của bạn?
Câu trả lời chắc chắn không phải do địa chỉ IP như nhiều người vẫn nghĩ. Nếu bạn truy cập trang web mà không sử dụng mạng Wi-Fi (sử dụng mạng dây và tắt tính năng kết nối Wi-Fi), trang web sẽ chỉ có thể hiện thị những thông tin chung về vị trí của bạn như quốc gia và thành phố, chứ không thể hiển thị chính xác đến tên đường, số nhà như GPS.
Từ Wi-Fi đến địa chỉ nhà?
Đây là cách mà "hệ thống định vị Wi-Fi" hoạt động: Thiết bị sẽ rà soát các điểm truy cập Wi-Fi lân cận và lập danh sách chúng kèm với độ mạnh tín hiệu. Sau đó, hệ thống sẽ truy cập máy chủ có chứa danh sách tên các điểm truy cập Wi-Fi và dữ liệu vị trí của chúng trên toàn thế giới.
Không chỉ chứa danh sách tên của các điểm truy cập (SSID), hệ cơ sở dữ liệu này còn bao gồm cả địa chỉ MAC của từng điểm (BSSID), địa chỉ này là duy nhất trên mỗi thiết bị router và thường không thay đổi dù tên điểm truy cập có được thay thế.
Bằng cách so sánh danh sách các điểm truy cập gần bạn và danh sách các điểm truy cập đã biết, "Dịch vụ định vị" có thể đoán vị trí tương đối của bạn. Và bằng cách so sánh độ mạnh tín hiệu Wi-Fi thiết bị có thể bắt được, "Dịch vụ định vị" sẽ phân tích vị trí và thường là cho kết quả chính xác như khi bạn sử dụng GPS.
Thiết bị cũng có thể tải xuống là lưu lại một số dữ liệu dưới dạng cache. Ví dụ, nếu thiết bị nhận ra bạn đang ở một thành phố nào đó, nó có thể tải xuống thông tin về các điểm truy cập Wi-Fi trong và xung quanh thành phố để có thể dễ dàng xác định vị trí của bạn, thậm chí ngay cả khi bạn không có kết nối internet để kiểm tra cơ sở dữ liệu trực tuyến.
Hệ cơ sở dữ liệu Wi-Fi được hình thành như thế nào?
Hơn một thập kỷ tước, Google đã thu thập dữ liệu mạng Wi-Fi bằng các sử dụng các xe Street View. Khi những chiếc xe này đi khắp các con phố để chụp ảnh cửa hàng, nhà cửa và phố xá, chúng cũng quét các điểm truy cập Wi-Fi lân cận và lưu lại để sử dụng cho "Dịch vụ định vị".
Và không chỉ có Google, cả Apple, Microsoft và nhiều công ty khác cũng có hệ thống "Dịch vụ định vị" riêng.
Mặc khác, hiện những chiếc xe Street View của Google không còn xuất hiện thường xuyên trên phố để cập nhật cơ sở dữ liệu của họ.
Thay vào đó, phần mềm "Dịch vụ định vị" được tích hợp trong thiết bị của người dùng sẽ cập nhật dữ liệu liên tục. Ví dụ, khi bạn mở ứng dụng Google Maps. Bạn có thể bắt được sóng GPS khá tốt, điện thoại có thể biết vị trí của bạn thông qua GPS. Giờ thì nó sẽ quét các điểm truy cập Wi-Fi xung quanh và tải danh sách này lên hệ cơ sở dữ liệu của Google cùng với vị trí của bạn.
Tất cả người dùng sử dụng "Dịch vụ định vị" sẽ liên tục cập nhật dữ liệu mới nhất lên hệ thống. Tất nhiên là các công ty cam kết những thông tin này đều được ẩn danh và không liên kết với bất cứ cá nhân nào.
Vậy còn quyền riêng tư?
Theo lý thuyết, tên và địa chỉ của điểm truy cập Wi-Fi là thông tin công khai. Thiết bị router không dây của bạn luôn cung cấp thông tin này cho thiết bị đầu cuối bắt được sóng.
Thông tin mà cơ sở dữ liệu có được chỉ là danh sách tên các điểm truy cập (SSID) gần bạn, mã định danh thiết bị router (MAC) và vị trí của router. Cơ sở dữ liệu này không có bất cứ thông tin nào về người dùng và dữ liệu truyền tải qua điểm truy cập Wi-Fi. Và cơ sở dữ liệu này cũng không nhận được thông tin mật khẩu của router.
Các hệ điều hành mới nhất đều chặn ứng dụng và trang web truy cập dữ liệu vị trí trừ khi bạn cấp quyền truy cập cho từng ứng dụng, trang web. Một trang web hay một ứng dụng không thể tự truy cập vào danh sách các điểm Wi-Fi xung quanh thiết bị và tìm ra vị trí của bạn. Chúng phải có sự cho phép của bạn thông qua trình duyệt hoặc hệ điều hành và bạn hoàn toàn có thể từ chối cấp quyền truy cập. Bạn vẫn là người kiểm soát dữ liệu của mình.
Tuy nhiên, những phần mềm trên máy tính có toàn quyền truy cập hệ điều hành (ví dụ như các ứng dụng của Windows) cũng có thể truy cập trực tiếp vào dữ liệu Wi-Fi. Mặt khác, các trang web, ứng dụng di động và ứng dụng được viết bằng framework UWP của Windows 10 đã bị chặn truy cập thông tin này.
Vậy nếu bạn không muốn cung cấp thông tin Wi-Fi của mình thì phải làm thế nào?
Để ngăn chặn việc thiết bị tự động tải lên thông tin về các mạng Wi-Fi xung quanh nó, bạn cần phải vô hiệu hóa "Dịch vụ định vị" trên điện thoại hay bất cứ thiết bị nào có tính năng này.
Bạn cũng có thể ngăn không cho các thiết bị khác tải lên thông tin về điểm truy cập không dây của mình nếu muốn. Đối với Google, bạn có thể thêm đuôi "_nomap" vào sau tên của điểm truy cập (SSID). Ví dụ, nếu tên điểm truy cập Wi-Fi của bạn hiện đang là "VnReview", bạn có thể đổi thành "VnReview_nomap" và Google sẽ không lưu lại thông tin về điểm truy cập này.
Tuy nhiên, Google cho biết cách này chỉ áp dụng đối với cơ sở dữ liệu "Dịch vụ định vị" của Google, cách thức có thể khác nhau đối với những nhà cung cấp dịch vụ khác. Vì vậy bạn sẽ cần phải nghiên cứu biện pháp đối với từng nhà cung cấp dịch vụ nếu muốn. Dù chúng tôi không nghĩ việc này là cần thiết cho lắm, sự lựa chọn vẫn là của bạn.