Tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Thụy Điển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, từ trái tim đến trái tim chúng ta hiểu nhau, tin nhau, mở ra hướng đầu tư mới...
Chiều 27/5, giờ địa phương (tối 27/5, giờ Việt Nam), cùng Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Thụy Điển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, từ trái tim đến trái tim chúng ta hiểu nhau, tin nhau, mở ra hướng đầu tư mới, đúng như câu Kiều mà Thủ tướng Stefan Löfven đã lẩy “gian nan mới tỏ lòng người”…
“Trên cương vị là Thủ tướng Thụy Điển, tôi vui mừng chào đón quý vị đến Thụy Điển trong tiết xuân tràn ngập muôn nơi và muôn hoa đua nở, khoe sắc. Đây cũng là dịp để chúng tôi đáp lại lòng mến khách nồng hậu mà Việt Nam đã dành cho Công chúa kế vị Victoria và Phu quân, Bộ trưởng Ngoại thương cùng nhiều đại biểu Thụy Điển trong chuyến thăm Việt Nam thành công tốt đẹp”, ông Stefan Löfven nói. Đó là đoàn đại biểu lớn nhất từ trước tới nay của Thụy Điển thăm Việt Nam.
Thủ tướng Stefan Löfven nhắc lại kỷ niệm khi ông thăm Việt Nam cách đây 20 năm với tư cách là đại diện thương mại của Thụy Điển, tham gia các vấn đề về phát triển thị trường của Việt Nam. “Tôi rất quan tâm đến thị trường Việt Nam lúc đó. Tôi rất vui mừng khi Việt Nam đã cam kết chương trình nghị sự về thương mại tự do và mong muốn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU sớm được ký kết. Tôi luôn tin tưởng Hiệp định này sẽ thúc đẩy lợi thế cạnh tranh trong các ngành công nghiệp của cả Việt Nam và Thụy Điển”.
Ông bày tỏ vui mừng khi thấy rất nhiều Bộ trưởng và Chủ tịch UBND từ 4 tỉnh và thành phố của Việt Nam cùng tham dự Diễn đàn hôm nay cũng như ấn tượng khi thấy doanh nghiệp Việt Nam tham dự Diễn đàn đông đảo như vậy. “Rõ ràng, quan hệ song phương giữa hai nước đã bước sang một trang mới”, Thủ tướng Thụy Điển nói.
Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã giành được thành tựu về phát triển kinh tế. Chính nhờ nỗ lực cải cách kinh tế và tham gia vào các hiệp định thương mại, Việt Nam đã hội nhập vào nền kinh tế thế giới và biến những con số tăng trưởng ấn tượng thành hiện thực, khi đời sống của hàng triệu người dân Việt Nam đã được cải thiện đáng kể và thực chất. Đồng thời, chúng ta cũng đều hiểu rằng, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng sẽ dẫn tới những biến chuyển sâu rộng về xã hội và đòi hỏi phải có các biện pháp, giải pháp bền vững. Thủ tướng Stefan Löfven cho biết, Thụy Điển có những giải pháp độc đáo để ứng phó với giai đoạn biến chuyển sâu rộng đó. Thụy Điển đã chuyển mình từ một nước nghèo sang một quốc gia phát triển bền vững về môi trường, bảo đảm bình đẳng và thịnh vượng và điều này cần có thời gian. Tăng trưởng cần phải đi đôi và nhất định phải đi đôi với việc thực hiện các nguyên tắc về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cùng mục tiêu phát triển bền vững, thực chất. Đó không phải là đánh đổi mà là ý nghĩa thực sự của kinh doanh.
“Tôi nhận thấy các doanh nghiệp Thụy Điển và Việt Nam đang đứng trước cơ hội hợp tác to lớn và thúc đẩy quan hệ đối tác trong tương lai. Những doanh nghiệp có mặt tại đây hôm nay chính là những doanh nghiệp tiêu biểu về năng lực sáng tạo, chất lượng sản phẩm, trách nhiệm xã hội và những thành tựu xuất sắc khiến cho tôi rất đỗi tự hào”, Thủ tướng Stefan Löfven nói.
Ngành công nghiệp của Thụy Điển đã cho ra đời các giải pháp mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực then chốt để xây dựng được những thành phố thông minh và bền vững. Trong đó bao gồm các giải pháp về giao thông công cộng, xe buýt nhanh BRT, các giải pháp về lưới điện và năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin và viễn thông, giải pháp về 5G, giải pháp kết nối và kiểm soát không lưu, giải pháp xử lý rác thải, nước thải. Việt Nam ngày nay đã trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu về các ngành công nghệ cao, điều đó mang lại cơ hội lớn cho các nhà cung cấp giải pháp tiên tiến của Thụy Điển.
Thủ tướng Thụy Điển cũng hết sức vui mừng được biết, Việt Nam đang có nhu cầu lớn đối với hàng tiêu dùng của Thụy Điển. Vậy là từ một nước sản xuất trước đây, Việt Nam ngày nay đã trở thành một thị trường lớn về hàng tiêu dùng. Ông nhấn mạnh rằng hai nước sẽ cùng nhau sánh bước trên chặng đường lớn lao sắp tới. “Như một lời gửi gắm trong truyện Kiều: Gian nan mới tỏ lòng người, toàn thể Chính phủ, người dân và doanh nghiệp Thụy Điển cùng mong muốn thắt chặt hơn nữa quan hệ với Việt Nam trong vòng 50 năm tới”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sống trong không khí hòa bình hôm nay, Việt Nam vẫn không quên cách đây 50 năm, vào tháng 1/1969, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Việt Nam đang diễn ra ác liệt, Thụy Điển là nước Tây Âu đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Thụy Điển là nước viện trợ ODA lớn hàng đầu cho Việt Nam trong thập niên 80, 90, khi Việt Nam đang còn rất nhiều khó khăn với nhiều công trình để lại dấu ấn sâu sắc đến hôm nay, như Bệnh viện Nhi Trung ương và Nhà máy giấy Bãi Bằng... Đúng như câu thơ trong Truyện Kiều mà Thủ tướng Thụy Điển vừa nêu, "gian nan mới tỏ lòng người", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói. Nền tảng quan hệ lịch sử tốt đẹp đã chắp cánh cho hợp tác hai nước ngày càng phát triển. Nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn nhất của Thụy Điển đang kinh doanh thành công tại Việt Nam, như ABB (thiết bị điện), Ericsson (viễn thông), Volvo (ô tô), Tetra Pak (bao bì) hay Electrolux (đồ gia dụng)...
Có thể bạn quan tâm
14:15, 19/05/2019
21:37, 22/05/2019
00:02, 20/05/2019
14:31, 22/05/2019
23:00, 19/05/2019
Thế hệ trẻ Việt Nam rất quen với các nhãn hàng, dịch vụ nổi tiếng, như H&M (thời trang), Spotify (nhạc online), Skype (viễn thông) hay IKEA (đồ nội thất). Đầu tháng 5/2019, Công chúa kế vị Victoria Ingrid Alice Desiree cùng gần 100 doanh nghiệp Thụy Điển thăm Việt Nam với nhiều cơ hội hợp tác mới được mở ra.
Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực duy trì đà tăng trưởng cao 6,5-7% đến 2020, tập trung đổi mới thể chế pháp luật, cơ cấu lại nền kinh tế, phát huy khu vực kinh tế tư nhân và tiếp tục mở cửa hội nhập quốc tế, Thủ tướng nêu rõ. “Chúng tôi tập trung thu hút nguồn lực, đầu tư vào phát triển nhanh, bền vững với các lĩnh vực ưu tiên như phát triển hạ tầng cơ sở, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, fintech, phát triển nhân lực chất lượng cao trong cách mạng công nghiệp 4.0... Rất mong được các nhà đầu tư, doanh nghiệp Thụy Điển quan tâm, hợp tác”.
Hiện nay Việt Nam và EU đang thúc đẩy để sớm ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), Thủ tướng mong nhận được sự ủng hộ của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Thụy Điển để các Hiệp định được ký kết và phê chuẩn sớm trong tháng 6/2019.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn coi Thụy Điển là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình và ngược lại Việt Nam được Thụy Điển xếp vào vị trí quan trọng bậc nhất ở khu vực Đông Nam Á. Trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA và EVIPA, khi hợp tác với doanh nghiệp Thụy Điển, hàng hóa Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi phân phối tiến vào thị trường EU rộng lớn và ngược lại đầu tư tại Việt Nam, các doanh nghiệp Thụy Điển có thể tiếp cận thị trường ASEAN phát triển năng động. Các doanh nghiệp chính là những chủ thể, người tiên phong thực thi hợp tác hai nước. Thành công của hợp tác Việt Nam-Thụy Điển tùy thuộc rất nhiều vào sự hợp tác thành công của cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Từ lịch sử quan hệ, từ trái tim đến trái tim hiểu nhau, tin nhau, mở ra hướng đầu tư mới trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhất định các doanh nghiệp Thụy Điển và Việt Nam sẽ thành công, phát triển bền vững thời gian tới, Thủ tướng nói.
“Tôi mong rằng qua Diễn đàn hôm nay doanh nghiệp hai bên sẽ hiểu nhau hơn, kết nối các cơ hội hợp tác thành công trong tương lai, góp phần đưa quan hệ hai nước, hai dân tộc lên tầm cao mới, trong thời kỳ mới”, Thủ tướng bày tỏ.
Cũng tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven đã cùng chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước; trong đó nổi bật là Dự án hợp tác của liên doanh ba bên giữa NutiFood-Tập đoàn Backahill-Hợp tác xã các nông trại chăn nuôi bò sữa Skånemejerier Ekonomisk Förening về việc chính thức vận hành nhà máy sữa mang tên NutiFood Sweden AB – một trong những dự án đầu tư có quy mô lớn nhất của Việt Nam tại Thụy Điển.
Nhà máy này ở giai đoạn 1 có giá trị đầu tư gần 20 triệu USD, với tổng công suất 15.000 tấn mỗi năm. Các sản phẩm từ nhà máy bao gồm: Bột ăn dặm, cháo, sữa bột organic cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đặc biệt, nhà máy còn sản xuất các dòng sản phẩm sữa công thức, cháo và bột ăn dặm organic từ sữa dê. Khi hoàn thiện đầu tư giai đoạn 2 sẽ sản xuất sữa tươi tiệt trùng organic và sữa bột organic cao cấp đóng lon, hướng đến phân phối không chỉ châu Âu, châu Á, mà còn vươn ra thị trường toàn cầu. Một số dòng sản phẩm cũng sẽ chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam trong quý III/2019.