Sáng 27/4, ông Kim Jong Un đã đến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ góp phần phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Vào lúc 9h30' sáng nay theo giờ địa phương, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un được chào đón bởi ông Moon Jae-in tại ngôi làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Đây là cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 và là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ năm 2007.
Phát biểu tại buổi gặp mặt ông Kim Jong-un, Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh: "Hàn Quốc cam kết đối thoại thẳng thắn và đạt một thỏa thuận lớn, để có thể mang lại một món quà lớn cho toàn thể nhân dân hai miền Triều Tiên và những người mong muốn hòa bình".
Câu chuyện về hai nền kinh tế
Sự khác biệt về kinh tế của Triều Tiên và Hàn Quốc là rất lớn. Bất chấp các vụ thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên và những lời de dọa của quốc gia này đối với Hàn Quốc trong thời gian qua, nhưng nền kinh tế Hàn Quốc vẫn ổn định. OECD ước tính Hàn Quốc sẽ tăng trưởng với tốc độ 3% đến năm 2019. Chỉ số thị trường chứng khoán Hàn Quốc (KOSPI) đạt mức cao kỷ lục mới 2.589,19 điểm vào tháng 1 vừa qua. Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ tư của châu Á (và thứ 11 trên thế giới), sở hữu các sản phẩm công nghệ cao, cơ sở hạ tầng hàng đầu thế giới và nền dân chủ mạnh mẽ. Hàn Quốc cũng đã phát triển một nền kinh tế khởi nghiệp sôi động, với một số công ty, như Coupang và Yellow Mobile, đạt đến trạng thái "kỳ lân" - trị giá hơn 1 tỷ USD. Năm ngoái, theo Hiệp hội đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc, các nhà đầu tư đã đầu tư 2.380 tỷ won (2,23 tỷ USD) vào Hàn Quốc, tăng 9,3% so với năm 2016.
Trong khi đó, nền kinh tế Triều Tiên là chỉ bằng một phần nhỏ quy mô của Hàn Quốc. Triều Tiên đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, phụ thuộc vào Trung Quốc về thực phẩm và nhiên liệu. Ước tính khoảng 41% dân số Triều Tiên bị suy dinh dưỡng.
"Trong lịch sử, nền kinh tế Hàn Quốc gần như đã "miễn dịch" với những lo ngại về an ninh từ Triều Tiên”, chuyên gia về Hàn Quốc Marcus Noland, Phó Chủ tịch điều hành và Giám đốc nghiên cứu tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nói và cho biết, sau nhiều năm lắng nghe những lời đe dọa từ Triều Tiên, các nhà đầu tư Hàn Quốc có xu hướng phớt lờ những căng thẳng dọc biên giới.
"Nếu bạn khảo sát hàng trăm người dân Hàn Quốc, thì họ đều nói không hề có sự sợ hãi những lời đe dọa của Triều Tiên. Nhưng nếu bạn xem tin tức trên TV, bạn sẽ nghĩ rằng một cái gì đó sắp nổ ra”, ôngBom Kim, người sáng lập và CEO của Coupang, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Hàn Quốc cho biết.
Những khó khăn, thách thức
Về lâu dài, Hàn Quốc có thể sẽ phải đối mặt với một số vấn đề kinh tế khó khăn. OECD nói rằng, nền kinh tế này có thể sẽ tăng trưởng chậm lại dân số Hàn Quốc đang già đi. Trong khi đó, năng suất trong lĩnh vực dịch vụ lại khá thấp.
Trong nhiều năm nay, bán đảo Triều Tiên luôn trong tình trạng căng thẳng, khiến các nhà đầu tư nước ngoài luôn dè dặt rót vốn vào Triều Tiên và Hàn Quốc. Nếu căng thẳng địa chính trị trên bán đảo Triều Tiên được xoa dịu, thì Hàn Quốc có thể sẽ thu hút được thêm các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, Triều Tiên cũng được hưởng lợi từ xu hướng này.
Có thể có những lợi ích to lớn từ việc thống nhất 2 miền Triều Tiên, mặc dù hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy điều này có thể sớm xảy ra. Trước đó, vào năm 2015, Viện Chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc, một tổ chức nghiên cứu của chính phủ, ước tính rằng nếu 2 miền Triều Tiên được thống nhất, thì có thể tạo ra một nền kinh tế trị giá 8,7 nghìn tỷ USD vào năm 2055, gấp 1,7 lần quy mô dự kiến của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, nếu lấy quá khứ là một thước đo, cũng như căn cứ vào thực trạng của 2 quốc gia này, thì Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần này có thể chưa đạt được thỏa thuận thống nhất 2 miền Triều Tiên, nhưng việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên có thể đạt được.