Trên thị trường, giá cổ phiếu SRC của CTCP Cao su Sao Vàng (SRC) đã tăng gấp đôi từ đầu năm 2019 đến nay, hiện đang giao dịch ở mức khoảng 29.000đ/cp.
Giá trị thẩm định gấp 2,2 lần giá trị tài sản
Theo thông báo của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), ngày 04/06 tới đây, Tập đoàn sẽ bán 4,2 triệu cổ phiếu (tương đương với 15% vốn) của SRC qua đấu giá tại Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) để giảm tỷ lệ sở hữu theo phương án cấu trúc Vinachem đã được phê duyệt.
Mức giá khởi điểm mà Vinachem chính thức công bố là 46.452 đồng/cp, cao gấp 2,3 lần mức giá giao dịch bình quân trên thị trường trong thời gian từ 28/03/2019 đến 24/04/2019, và gấp 1,8 lần mức giá khởi điểm cổ phiếu DRC của CTCP Cao su Đà Nẵng cũng dự kiến đấu giá vào ngày 04/06- cùng ngày với SRC.
Có thể bạn quan tâm
Bản công bố thông tin của Vinachem cho biết, mức giá này dựa trên Chứng thư thẩm định giá của Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Việt Nam xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 0h00 ngày 1/7/2018. Theo đó, giá trị thực tế của SRC được xác định là 1.835,3 tỷ đồng, trong đó, giá trị vốn chủ sở hữu là 1.278,1 tỷ đồng, tương ứng gấp 2,2 lần giá trị tài sản, gấp 3,7 lần giá trị vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2018, theo BCTC được kiểm toán bởi công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC.
So với DRC, giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu của SRC được định giá thấp hơn nhưng số cổ phần lưu hành của SRC cũng thấp hơn, chưa bằng 1/4, do đó mức giá trên mỗi cổ phiếu cao hơn.
Rõ ràng, cách xác định theo giá trị thị trường (theo chứng thư thẩm định giá) và các xác định theo phương pháp giá gốc (đối với báo cáo tài chính) đã tạo ra sự khác biệt lớn trong định giá của SRC. Trong đó, nguyên nhân đáng kể nhất được đánh giá đến từ các tài sản đất đai mà SRC đang sở hữu.
Giá trị từ “đất vàng”
Theo theo bản công bố thông tin chuyển nhượng vốn của Vinachem, trước thời điểm chào bán cổ phần, SRC đang có quỹ đất sản xuất kinh doanh, thương mại, khu công nghiệp khá lớn với nhiều vị trí đắc địa.
Cụ thể, với đất trả tiền một lần, SRC có 43m2 làm văn phòng tại Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, 2.475m2 tại Huyện Hòa Vang, Tp. Đà Nẵng và 212.538m2 đất khu công nghiệp tại KCN Châu Sơn, Hà Nam. Đây là lô được SRC ký hợp đồng thuê với Công ty TNHH MTV VPID Hà Nam từ tháng 7/2016 trong thời gian 40 năm (2016-2056) để xây dựng nhà máy mới. Số tiền thuê đất (chưa thuế GTGT) khoảng 173,4 tỷ đồng.
Với đất trả tiền thuê hàng năm, SRC sở hữu 31.643,7m2 tại TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình; 84.735m2 tại 3 khu vực thuộc TP. Phúc Yên, Vĩnh Phúc; 2.698,8m2 tại quận Thanh Xuân, Hà Nội và 62.438m2 đất tại số 231 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Ngoài ra, còn 124,26m2 đất đặt trạm bơm được SRC sử dụng từ năm 1960 nhưng chưa được công nhận quyền sử dụng đất.
Bản công bố thông tin của SRC cũng cho biết, trong báo cáo thậm định giá xác định giá thoái vốn, do mặt bằng thuê đất tại khu Nguyễn Trãi sẽ được Công ty TNHH Sao Vàng- Hoành Sơn toàn quyền quản lý và sử dụng thực hiện dự án nên thẩm định viên chỉ xác định giá trị quyền sử dụng đất thuê và công trình trên đất tương ứng số tiền hỗ trợ từ CTCP Tập đoàn Hoành Sơn là 435 tỷ đồng.
Dù vậy, chỉ riêng giá trị khu đất này đã đóng góp 23,7%- tức gần 1/4 giá trị thực tế của SRC được Công ty TNHH kiểm toán và định giá Việt Nam xác định.
Long đong số phận khu đất 231 Nguyễn Trãi
Trong số tài sản quyền sử dụng đất của SRC, giá trị nhất và cũng thu hút nhiều sự chú ý nhất là khu đất tại số 231 Nguyễn Trãi đang sử dụng làm trụ sở hiện tại. Không chỉ diện tích lớn (hơn 6,2 ha) tại vị trí đắc địa mà chiều dài mặt tiền theo trục đường chính lên đến 250m. Hợp đồng thuê đất gần nhất được SRC ký kết với Ủy ban nhân dân Tp. Hà Nội vào tháng 7/2019 với thời gian thuê 50 năm, từ 2005-2055, hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.
Tại Đại hội cổ đông năm 2012, SRC đã trình cổ đông phương án di dời nhà máy, sau đó cùng 2 đối tác là CTCP Bất động sản Việt Hưng và CTCP tập đoàn Phú Mỹ lập liên danh (vốn 1.300 tỷ đồng) để xây khu dân cư và trung tâm thương mại. Mức kinh phí di dời nhà máy để đổi lấy quyền xây dựng dự án mà liên danh đối tác đề xuất với SRC là 720 tỷ đồng, tương đương 12,42 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, cổ đông lớn Vinachem đã có ý kiến đề nghị xem xét lại đề án này. Sau đó tờ trình hợp tác chưa được thông qua.
Tháng 11/2015, SRC đã công bố hợp tác đầu tư dự án “Tổ hợp thương mại và Nhà ở Sao Vàng Hoành Sơn” tại khu đất này sau khi hoàn tất di dời nhà máy. Đối tác được lựa chọn là Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn. Đến ngày 15/6/2016 Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn đã được thành lập, với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Trong đó, SRC góp 26% bằng nguồn cho vay lãi suất 0% của Hoành Sơn
Cùng với hợp tác phát triển dự án, 2 bên cũng thống nhất việc Hoành Sơn sẽ hỗ trợ SRC 435 tỷ đồng (chưa bao gồm các loại thuế) để di dời nhà máy sản xuất về KCN Châu Sơn. Số tiền hỗ trợ của Hoành Sơn theo kế hoạch ban đầu sẽ được chia làm 4 lần chuyển tiền trong thời gian từ 2016-2018. Tuy nhiên, với giá trị hỗ trợ 435 tỷ đồng, tương ứng số tiền đối tác trả cho SRC để có quyền thực hiện dự án chỉ 6,97 triệu đồng/m2, thấp hơn 40% so với đề xuất năm 2012, không ít cổ đông của SRC đã e ngại về việc thất thoát giá trị và đề xuất đấu giá công khai.
Tính đến cuối năm 2018, vốn điều lệ của công ty dự án đã tăng lên 500 tỷ đồng, trong đó SRC góp 26%, tương đương 130 tỷ đồng bằng tiền vay của Hoành Sơn. Thế nhưng, sau hơn 2 năm thực hiện, dự án này vẫn đang dừng ở giai đoạn hoàn thiện pháp lý do SRC chưa hoàn thiện được thủ tục theo quy định về quản lý đất đai và di dời cơ sở ô nhiễm môi trường.
Ngày 16/5, cổ đông tại Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng (SRC) sở hữu 4,6% cổ phần đã có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng phản ánh những bất bình thường trong việc tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Công ty, việc bầu bổ sung thành viên hội đồng quản trị, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính hấp dẫn của đợt thoái vốn nhà nước đang diễn ra ở SRC. SRC hiện có vốn điều lệ 280 tỷ đồng, đang niêm yết cổ phiếu trên HOSE, Nhà nước do Vinachem quản lý vốn, đang sở hữu 51% cổ phần tại Công ty. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 tổ chức hôm 27/4, Vinachem đã đồng ý cho những thành viên HĐQT và BKS của SRC từ nhiệm và đồng ý cho việc miễn nhiệm ông Nguyễn Công Tuấn (trong khi ông Tuấn đang đại diện cho cổ đông tổ chức Cao su Việt Hàn) theo kiến nghị của nhóm cổ đông sở hữu 19% cổ phần trong khi tất cả các thành viên đang hoạt động bình thường không mắc lỗi gì, đồng thời không có bản xác định nhóm cổ đông trên nắm giữ đủ 6 tháng như quy định hay không. Lạ lùng là Vinachem sở hữu 51% cổ phần nhưng không thực hiện đề cử bổ sung thành viên HĐQT trong nhiệm kỳ mới, tự tước bỏ quyền của cổ đông nhà nước và để cho nhóm cổ đông nắm giữ chưa đến 20% cổ phần có 2/5 thành viên HĐQT tại SRC. Cụ thể, tài liệu đại hội đồng cổ đông được ký ngày 10/4/2019, thì ngay hôm sau ngày 11/4/2019, nhóm cổ đông nắm giữ hơn 19% đã có đơn gửi đề cử thành viên HĐQT và BKS. Tại đại hội cổ đông, cổ đông đã phát hiện và có ý kiến về lý lịch, quá trình công tác của ứng cử viên tham gia HĐQT và BKS thiếu trung thực (ứng viên không làm việc tại đơn vị ký tên, đóng dấu xác nhận lý lịch). Ông Lâm Thái Dương, Chủ tịch SRC, chủ tọa đại hội đã tự ý cho dừng đại hội để tổ giúp việc thay thế sơ yếu lý lịch của những ứng viên đó bằng một sơ yếu lý lịch photo, không có dấu đỏ. Tại đại hội, các cổ đông đã có ý kiến phản đối và không đồng ý bầu cử, tuy nhiên đại diện cổ đông lớn nhà nước, với tỷ lệ cổ phần chi phối, đã tiếp tục cho bầu cử. Sự việc đã được ghi lại diễn biến trong Biên bản đại hội đồng cổ đông SRC. Có hay không việc SRC cố tình tạo các rào cản đối với các cổ đông khác để không có cơ hội tham gia đề cử, ứng cử vào HĐQT và BKS thay thế nhiệm kỳ 2016 – 2021? Ngày 14/5/2019, Vinachem ra thông báo về việc thoái vốn nhà nước tại SRC, việc bán vốn diễn ra sau 10 ngày làm việc kể từ thời điểm đại hội cổ đông của SRC. Câu hỏi đặt ra là, tại sao trước khi bán vốn nhà nước, Vinachem lại tự tước quyền của mình và cho nhóm cổ đông nắm giữ chưa đến 20% vốn SRC vào 2/5 ghế trong HĐQT và 1/3 ghế trong ban kiểm soát. Việc này có làm giảm sức hút của đợt bán vốn của nhà nước tại SRC vì cổ đông mới vào mua với tỷ lệ 15% rất khó để có 1 ghế trong HĐQT hoặc BKS nhiệm kỳ 2016-2021. Có hay không việc tiếp tay cho một nhóm cổ đông lớn bỏ ra một lượng tài chính nhỏ để thâu tóm SRC nắm quyền kiểm soát khi nhà nước thoái vốn? Với nhiều yếu tố trên, cổ đông cho rằng, cần làm rõ những uẩn khúc quanh các động thái của Vinachem, mà trước tiên là tạm dừng đợt đấu giá phần vốn nhà nước tại SRC đang diễn ra nhằm bảo vệ tài sản của nhà nước và giá bán cổ phiếu SRC phản ánh đúng giá trị thực của nó. |