Điều gì quyết định Thượng đỉnh Mỹ - Triều?

Cẩm Anh 13/02/2019 11:00

Từ quá khứ nhiều mâu thuẫn, nhưng trong tám tháng kể từ cuộc gặp đầu tiên ở Singapore, đã có những thay đổi đáng chú ý để thế giới chờ đợi những điều diệu kì sẽ đến tại Việt Nam

Cả thế giới đang trông chờ sự tái ngộ của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tại Việt Nam lần này

Cả thế giới đang trông chờ sự tái ngộ của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tại Việt Nam lần này

Đã có những thay đổi đáng chú ý trên Bán đảo Triều Tiên sau cuộc gặp đi vào lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bao gồm việc hồi hương binh lính Mỹ, chấm dứt các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên và giảm các hành động khiêu khích do Mỹ dẫn đầu.

Chủ nghĩa đơn phương hiếu chiến trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump có một ngoại lệ đáng chú ý, đó là cách tiếp cận ngoại giao của ông đối với Triều Tiên.

Thay vì bất ổn như thái độ ông dành cho những người đồng cấp khác, sự đe dọa ban đầu đối với chế độ của ông Kim Jong-un có xu hướng dịu dần và đã mở đường cho chính sách ngoại giao bền vững để thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân.

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng: Tổ chức tốt cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội

    20:16, 11/02/2019

  • Mỹ - Triều: “68 năm mâu thuẫn và 48h hóa giải”

    06:00, 10/02/2019

  • Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai: Con đường không dễ đi

    06:00, 11/02/2019

  • Việt Nam sẵn sàng phối hợp để Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều thành công

    20:17, 06/02/2019

Trước hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai diễn ra vào cuối tháng này tại thủ đô Hà Nội, ông Trump đã bày tỏ sự tin tưởng rằng ông Kim đã chuyển trọng tâm từ việc tập trung phát triển vũ khí hạt nhân sang đổi mới nền kinh tế.

Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa thực sự đạt được sự đồng thuận về việc Triều Tiên sẽ hoàn toàn loại bỏ các chương trình hạt nhân. Điều này đã dẫn đến bế tắc và đổ vỡ trong các cuộc đàm phán.

Các chuyên gia chính sách đối ngoại của phương Tây đã có những nghi ngờ về việc hai nước có thể duy trì mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp trong bao lâu mà không có sự va chạm giữa mục tiêu chiến lược của hai bên.

Có thể thấy rõ với Mỹ khi Dan Coats, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ đã nói với Quốc hội rằng không có khả năng ông Kim sẽ từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của mình.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên coi chương trình hạt nhân của đất nước là một tấm khiên quan trọng đối với sự tồn tại của chế độ. Về mặt này, ông Kim đã rút ra một bài học từ sự can thiệp của quân đội Mỹ tại Iraq và Libya.

Một thực tế không được thừa nhận công khai hiện nay là Mỹ đã phải công nhận rằng Triều Tiên đã gia nhập câu lạc bộ các quốc gia có vũ khí hạt nhân. Không ai mong muốn Triều Tiên sẽ trừ bỏ hoàn toàn chiếc khiên này trừ khi hoặc cho đến khi Mỹ rút chiếc ô quân sự khỏi Hàn Quốc.

Đặc sứ Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun (phải) gặp quan chức Hàn Quốc tại Seoul sau khi trở về từ Bình Nhưỡng ngày 9-2 - Ảnh: REUTERS

Đặc sứ Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun (phải) gặp quan chức Hàn Quốc tại Seoul sau khi trở về từ Bình Nhưỡng ngày 9-2 - Ảnh: REUTERS

Mặc dù vậy, điều này lại có thể dẫn đến một hậu quả khác là làm mất ổn định an ninh của khu vực Đông Nam Á khi khuyến khích những người có quan điểm hiếu chiến tại Tokyo và Seoul thúc đẩy các chương trình hạt nhân quốc gia của riêng họ.

Do đó, hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần hai có thành công hay không phụ thuộc vào những gì Washington sẵn sàng cho đi để tạo thành chất xúc tác cho phản ứng từ phía Triều Tiên. Để có tiến bộ ở Hà Nội, sự bế tắc trong câu chuyện hạt nhân Triều Tiên dứt khoát này phải được khắc phục.

Bước một bao gồm tuyên bố đầy đủ và công khai của Triều Tiên về kho vũ khí hạt nhân, căn cứ, cơ sở... Lịch sử đã cho thấy rằng Bình Nhưỡng nhiều lần không trung thực với những tuyên bố của mình. Nhưng có những điều kiện nếu Mỹ thực sự thực hiện chúng sẽ đem lại những kết quả đáng kinh ngạc.

Bên cạnh việc nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế, Bình Nhưỡng đã báo hiệu muốn thay thế bằng một hiệp ước hòa bình chính thức về hiệp định đình chiến chấm dứt chiến tranh Triều Tiên 1950-53. Những yêu cầu này khiến ông Trump có lợi thế trong việc đàm phán.

Các chuyên gia phương Tây nói rằng Tổng thống có thể bắt đầu từ những câu chuyện này để đổi lấy một bản danh sách chi tiết và minh bạch về các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Vậy Mỹ sẵn sàng bỏ ra hay không để giành được thứ họ muốn từ Triều Tiên?

Việc Tổng thống Trump đình chỉ các cuộc tập trận quân sự hàng năm giữa Mỹ và Hàn Quốc trong năm 2018 (mặc dù các cuộc tập trận quy mô nhỏ hơn vẫn tiếp diễn) là một món quà lớn mà Bình Nhưỡng luôn chờ đợi.

Nhưng nếu Tổng thống Trump quyết định giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, hoặc tuyên bố chấm dứt chính thức cho cuộc chiến tranh Triều Tiên? Đó sẽ là một sự nhượng bộ hoành tráng.

Không gì có thể phủ nhận được mọi con mắt sẽ đổ dồn vào sự xuất hiện tại Việt Nam vào cuối tháng Hai. Cả hai đều hy vọng đây sẽ là cơ hội để đánh bóng thương hiệu cá nhân của chính họ.

Ông Kim muốn người dân của mình thấy ông được coi trọng và có vị thế bình đẳng khi đứng cạnh những nhà lãnh đạo của những quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới. Còn Tổng thống Trump muốn ghi điểm bằng cách thực hiện được một thỏa thuận lịch sử đã làm bó tay những người tiền nhiệm.

Tất cả đều trông đợi sự đột phá và mong đợi quá trình phi hạt nhân hóa diễn ra sâu sắc hơn tại Việt Nam. Nhưng dường như luôn có một suy nghĩ chạy song song với sự mong đợi này, đó là với Tổng thống Mỹ, không có điều gì là có thể đoán trước được cho đến khi thực sự diễn ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Điều gì quyết định Thượng đỉnh Mỹ - Triều?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO