Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Nếu không tìm ra nguyên nhân COVID-19 bùng phát, thế giới có thể đối mặt với những đại dịch khác trong tương lai.
Mỹ và Trung Quốc tiếp tục làm nóng tranh cãi về nguồn gốc dịch Covid-19. Vấn đề này đang đặt ra sức ép với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ra lệnh lực lượng tình báo Mỹ nỗ lực để điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19, bao gồm cả khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm và báo cáo kết quả điều tra trong vòng 90 ngày.
Ông Biden cũng chỉ đạo phòng thí nghiệm quốc gia và cộng đồng tình báo chuẩn bị danh sách câu hỏi dành cho Trung Quốc và kêu gọi chính phủ Trung Quốc hợp tác với các cơ quan quốc tế nhằm tìm ra nguồn gốc của đại dịch.
"Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác cùng chí hướng để thúc ép Trung Quốc tham gia vào cuộc điều tra quốc tế đầy đủ, minh bạch, dựa trên bằng chứng; đồng thời cung cấp quyền truy cập vào tất cả các dữ liệu và bằng chứng liên quan", ông Biden nhấn mạnh.
Ngay sau lệnh của Tổng thống Mỹ Joe Biden được phát ra, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã ra tuyên bố nói rằng "một số lực lượng chính trị đã cố ý thao túng chính trị và chơi trò đổ lỗi". Đại sứ quán Trung Quốc cũng cho biết, họ ủng hộ tiến hành một nghiên cứu toàn diện về tất cả ca COVID-19 đầu tiên được phát hiện trên thế giới và cuộc điều tra kỹ lưỡng về một số căn cứ bí mật, phòng thí nghiệm sinh học trên toàn thế giới.
Theo các chuyên gia trên thế giới, việc điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 đang trở nên quan trọng hơn đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là với Mỹ và Trung Quốc. Trong khi chính quyền Biden đang đứng trước sức ép để chứng minh rằng họ có đủ sức ảnh hưởng và sẵn sàng truy tìm nguồn gốc của virus gây dịch COVID-19, thì Bắc Kinh đang nỗ lực để thoát khỏi cáo buộc làm bùng phát đại dịch.
Cho đến thời điểm hiện tại, đang có hai giả thuyết được thúc đấy mạnh mẽ là virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ động vật hoang dã lây sang người và sản phẩm của một vụ rò rỉ phòng thí nghiệm. Trước đó, cuộc điều tra của nhóm chuyên gia đến từ WHO đã bác bỏ giả thuyết thứ hai, nhưng sau đó, Tổng Giám đốc WHO cho biết, tất cả các phương án đều được tiếp tục xem xét.
Tuy nhiên, sự thiếu cởi mở của Trung Quốc là yếu tố chính dẫn đến thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm. Những phát hiện của cuộc điều tra hồi đầu năm được cho là thiếu minh bạch và không độc lập với chính quyền Trung Quốc. Trong khi đó, việc điều tra nguồn gốc đại dịch cần phải minh bạch để tạo niềm tin vào kết quả điều tra.
Cố vấn của Tổ chức Y tế Thế giới, Jamie Metzl, cho biết giả thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm là có thể xảy ra. “Để tìm hiểu rõ hơn về giả thuyết này, Trung Quốc cần cho phép các chuyên gia quốc tế tiếp cận phòng thí nghiệm Vũ Hán và các dữ liệu thô, đặc biệt là vào thời điểm dịch bệnh mới xuất hiện và bùng phát. Nếu điều này không xảy ra, các cuộc điều tra vẫn sẽ tiếp tục đi vào bế tắc”, chuyên gia này nhận định.
Điều này sẽ đặt sức ép lên WHO khi các cuộc điều tra mới đang chuẩn bị được tiến hành trong thời gian tới. Tổ chức này đã phải vật lộn để đảm bảo đưa ra câu trả lời kịp thời và chi tiết về những gì đang diễn ra vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020 khi virus SARS-CoV-2 bùng phát.
Việc tìm ra nguồn gốc gây COVID-19 rất quan trọng và thế giới cần sự hợp tác của chính phủ Trung Quốc để truy tìm nguồn gốc của COVID-19 và ngăn chặn các đại dịch trong tương lai.
Scott Gottlieb, ủy viên của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm dưới thời cựu Tổng thống Trump và hiện là thành viên ban quản trị hãng dược Pfizer, cho biết, thông tin ủng hộ giả thuyết virus SARS-CoV-2 thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán (Trung Quốc) ngày càng nhiều.
Cho đến nay, Trung Quốc chưa đưa ra bằng chứng bác bỏ giả thuyết trên, trong khi các nghiên cứu về dấu hiệu virus bắt nguồn từ động vật hoang dã chưa thu được nhiều kết quả, ông Gottlieb cho biết trên chương trình “Face the Nation” của CBS News.
Peter Hotez, đồng Giám đốc Trung tâm Phát triển vaccine của Bệnh viện Nhi Texas, cho biết, nếu không tìm ra nguyên nhân COVID-19 bùng phát, thế giới có nguy cơ đối mặt với những đại dịch khác trong tương lai. “Sẽ có dịch COVID-26 hay COVID-32 nếu chúng ta không hiểu rõ nguồn gốc của COVID-19”, ông Hotez nói.
Theo chuyên gia Hotez, các nhà khoa học nên được phép tiến hành một cuộc điều tra dài hạn ở Trung Quốc và lấy mẫu máu của người và động vật. “Chúng ta cần một nhóm các nhà khoa học, chuyên gia dịch tễ, chuyên gia virus học, chuyên gia nghiên cứu dơi ở tỉnh Hồ Bắc trong 6 tháng hoặc kéo dài 1 năm để điều tra”, ông Hotez nói.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 25/5 đã lên tiếng bác bỏ thông tin về việc 3 nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán bị ốm vào mùa thu năm 2019.
Một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố vào tháng 3 chưa thể kết luận về nguồn gốc của SARS-CoV-2 nhưng cho rằng khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là “rất khó xảy ra”. “Tất cả các giả thuyết về Covid-19 vẫn cần xem xét thêm”, Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết khi báo cáo hồi tháng 3 được công bố.
Nhưng theo Washington Post ngày 25/5, giả thuyết SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm vì cuộc điều tra ban đầu của WHO không khẳng định được nguồn gốc tự nhiên của virus. Thêm nữa, dù đã công bố báo cáo nhưng các quan chức WHO vẫn kêu gọi nên có một cuộc điều tra thêm và kêu gọi sự cởi mở từ Trung Quốc.
Và nếu vậy, WHO vẫn nợ thế giới câu trả lời cho câu hỏi: Virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ đâu?
Có thể bạn quan tâm
05:00, 31/05/2021
04:00, 31/05/2021
04:00, 31/05/2021
05:20, 30/05/2021
05:14, 30/05/2021
17:51, 29/05/2021
15:00, 29/05/2021
05:00, 29/05/2021