Ngày 6/11 tới sẽ diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đang chạy đua quyết liệt để giành đa số tại Quốc hội.
Đảng Dân chủ đang có lợi thế
Cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra vào thời điểm giữa nhiệm kỳ cầm quyền của Tổng thống Mỹ nên có ý nghĩa rất quan trọng trên hai phương diện. Thứ nhất, cuộc bầu cử này thường được coi như cuộc trưng cầu dân ý không chính thức về thành tựu cầm quyền của Tổng thống Mỹ. Thứ hai, cử tri Mỹ thường sử dụng lá phiếu trong cuộc bầu cử này để trừng phạt nếu họ thất vọng về kết quả cầm quyền của Tổng thống. Bởi vậy, các Tổng thống Mỹ luôn phải tuỳ liệu vào kết quả cuộc bầu cử này để điều chỉnh chính sách của mình trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
15:09, 13/12/2016
22:30, 06/09/2016
13:23, 09/11/2016
19:01, 08/11/2016
23:39, 29/08/2016
Thông thường trong cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa kỳ, tất cả 435 dân biểu của Hạ viện và khoảng 1/3 trong tổng số 100 thành viên của Thượng viện được bầu lại. Nhiệm kỳ của Hạ viện chỉ 2 năm, trong khi nhiệm kỳ của Thượng viện là 6 năm.
Trước đó trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 11 năm 2016, đảng Cộng hoà đã giành được đa số trong cả lưỡng viện lập pháp. Theo đó, đảng Cộng hoà chiếm 235 ghế tại Hạ viện và 51 ghế tại Thượng viện. Tại cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ lần nay, toàn bộ Hạ viện được bầu lại, trong khi chỉ có 35 Thượng nghị sỹ được bầu lại, trong đó 26 Thượng nghị sỹ hiện thuộc đảng Dân chủ và chỉ có 9 Thượng nghị sỹ thuộc đảng Cộng hoà. Điều đó cho thấy, đảng Dân chủ có thể dễ dàng giành quyền kiểm soát Hạ viện hơn là Thượng viện.
Điểm cộng của Trump
Kinh tế Mỹ hiện trong tình trạng tăng trưởng tích cực, mặc dù GDP quý 3 đã giảm xuống 3,5% (quý 2 là 4,2%), nhưng vẫn ở mức cao trong nhiều năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp, chỉ 3,7%, thấp nhất trong gần 50 năm qua. Những số liệu này đang có lợi cho đảng cầm quyền, dù đó không hẳn là thành tựu cầm quyền của ông Trump.
Trong nửa nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên, ông Trump chứng tỏ là người kiên định thực hiện cam kết tranh cử, nhưng trên thực tế chưa thực hiện được hết những cam kết tranh cử liên quan đến kinh tế. Ông Trump đã thực hiện được cam kết về cải cách thuế. Tác động tâm lý của cuộc cải cách này thuận cho kinh tế Mỹ nhưng hiệu ứng cụ thể phải chờ trong thời gian tới mới có được và hệ lụy tiêu cực lâu dài của nó cũng phải chờ trong tương lai mới xuất hiện. Ngoài ra, cam kết tranh cử trọng tâm nữa của ông Trump về kinh tế là đưa ra chương trình kích cầu tăng trưởng kinh tế và hiện đại hoá, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho nước Mỹ với quy mô khổng lồ hoàn toàn chưa được bắt đầu thực hiện.
Về kinh tế đối ngoại, ông Trump tập trung chủ yếu vào việc đàm phán lại các thoả thuận thương mại đa phương cũng như song phương, và giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. Trên phương diện này, ông Trump tự coi là rất thành công cho đến nay. Ông Trump đã phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, thành công trong việc đàm phán lại thoả thuận thương mại với Argentina, Brazil, Hàn Quốc, cũng như hai nước láng giềng là Mexico và Canada. Ông Trump cũng đã buộc EU, Anh và Nhật Bản phải chấp nhận đàm phán lại thoả thuận thương mại song phương với Mỹ.
Trên phương diện tài chính và tiền tệ, những chính sách đã được ông Trump thực thi là tiếp tục tăng mức độ nợ công của chính phủ Mỹ, dần nới lỏng những quy định chế tài và kiểm soát chặt chẽ hệ thống tài chính- ngân hàng cũng như gây áp lực mạnh mẽ đối với Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) để buộc Fed không tiếp tục tăng lãi suất, tức là không muốn USD quá mạnh như hiện tại.
Hai kịch bản
Cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ này có ý nghĩa rất quan trọng đối với Trump vì nếu đảng Cộng hoà tiếp tục kiểm soát Quốc hội thì ông Trump sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi trong cả cầm quyền lẫn mưu tính tái tranh cử Tổng thống Mỹ. Đồng thời, chính sách đối nội và đối ngoại của ông Trump cũng sẽ không có thay đổi cơ bản gì, các chính sách đã được triển khai sẽ được tiếp tục theo đuổi với mức độ còn quyết liệt hơn. Chính sách an ninh, chính trị của ông Trump cũng sẽ được thực hiện theo hướng đó. Thậm chí, ông Trump rất có thể còn dùng những định hướng chính sách này làm cốt lõi cho cương lĩnh tranh cử Tổng thống lần thứ hai.
Tuy nhiên, nếu đảng Cộng hoà bị mất đa số hiện tại ở một trong hai cơ quan lập pháp của Quốc hội, mà kịch bản này rất có thể sẽ xảy ra, thì ông Trump sẽ gặp nhiều khó khăn trong điều hành đất nước. Khi đó, ông Trump sẽ phải giảm bớt mức độ quyết liệt trong xung đột thương mại với các đối tác bên ngoài và phải nỗ lực đạt được thoả thuận hợp tác thương mại với các đối tác.
Ngoài ra, ông Trump sẽ phải nỗ lực để có được chương trình kích cầu tăng trưởng kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng như đã cam kết trong cuộc vận động tranh cử trước. Hay nói cách khác, ông Trump sẽ bớt bảo hộ mậu dịch và bớt biệt lập nước Mỹ với thế giới bên ngoài hơn. Bởi vậy, các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ tuỳ thuộc vào mức độ coi trọng dành cho Mỹ trong chính sách của mình để có chính sách thích hợp với chính quyền Trump và nước Mỹ ở bối cảnh hậu bầu cử Quốc hội kỳ này.