Trên thế giới, hiếm có một mối quan hệ gắn bó từ tình bạn, cộng sự rồi khởi nghiệp kinh doanh cho đến cuộc sống như Larry Page và Sergey Brin - những người sáng lập ra Google.
Câu chuyện Google bắt đầu vào năm 1995 tại Đại học Stanford, đây cũng là thời điểm của cuộc gặp gỡ định mệnh trong giới công nghệ để tạo ra một thứ mà người ta có thể gọi là “thay đổi tiến trình lịch sử nhân loại”.
Thời đó, Larry Page đang xem xét theo học chương trình sau đại học tại đây và Sergey Brin - một sinh viên ở đó, là người được chỉ định để đưa Page đi thăm quan trường. Nghe nói họ đã bất đồng về gần như mọi chuyện trong buổi gặp gỡ lần đầu tiên đó, cả hai đều tranh luận quyết liệt dựa trên lập luận vững chắc, hướng đến việc quan điểm nào đúng, từ đó bổ sung kiến thức cho nhau.
Cho đến năm sau, họ đã trở thành cộng sự. Cả hai đã làm việc ngay trong ký túc xá và tạo ra một công cụ tìm kiếm sử dụng các liên kết để xác định tầm quan trọng các trang web riêng lẻ trên World Wide Web. Họ gọi đó là Backrub, cái tên nguyên thủy của Google.
Sau này, khi Google thành công, người ta nhìn thấy ở Larry Page là một nhà quản lý đầy rẫy những ý tưởng lạ lùng và táo bạo nhưng lại có tầm nhìn chiến lược cực kỳ chắc chắn. Google dưới sự điều hành của Page đã vừa theo đuổi những giấc mơ lớn nhưng vẫn tạo ra một công ty đại chúng đạt doanh thu cực khủng.
Trái ngược với Larry Page, Sergey Brin lại là một người khá phóng khoáng, kỳ lạ và thậm chí là “điên rồ”. Sergey luôn cảm thấy cuốn hút bởi các trò chơi cảm giác mạnh như nhảy dù, đu dây, trượt tuyết, lướt ván. Trong đế chế của Google, Sergey Brin đóng vai trò một nhà sáng tạo, những ý tưởng tham vọng nhất của ông là xe tự hành, kính áp tròng thông minh và Google Glass.
Nhưng, người luôn đi cùng Sergey Brin trong các trò chơi mạo hiểm lại cũng chính là Larry Page. Sergey và Larry đặc biệt hâm mộ lễ hội nổi tiếng Burning Man, lễ hội về nghệ thuật tổ chức hàng năm ở sa mạc Nevada. Năm 1998, 2 người thiết kế ra "Google Doodle" đầu tiên với biểu tượng Burning Man. Sau này, họ nhận Eric Schmidt vào làm CEO với lý do ông này cũng thích... Burning Man.
Theo “The Google Story”, một cuốn sách ghi lại hành trình của bộ đôi này, Page đã tóm tắt một trong những yếu tố chính góp phần vào thành công của họ: “Chúng tôi đã làm việc suốt những ngày nghỉ, và rất nhiều giờ một ngày. Cuối cùng cũng thành công, nhưng thật vất vả”. Trong khi Brin thì tiết lộ: "Chúng tôi vẫn cố gắng làm những điều mình thích, dù người khác cho rằng nó vô cùng điên rồ".
Có thể nói, từ quá khứ cho đến hiện tại, cả hai là những người bạn tuyệt vời của nhau và là sự bổ sung hoàn hảo cho những tham vọng của Google trong bất kỳ thời điểm nào.
Nhưng trên hành trình của mình, đã có lúc hai người đàn ông nghĩ đến việc bán công ty khi không nhận ra được tiềm năng của sản phẩm.
Trên thực tế, Page và Brin đã cố gắng bán Google với giá 1 triệu USD cho Excite vào năm 1999, theo lời kể của người sáng lập Khosla Ventures, Vinod Khosla. Page và Brin đã hạ giá của Google xuống mức thấp nhất là 750.000 USD, nhưng CEO Excite khi đó, George Bell vẫn không chấp nhận thỏa thuận.
Năm 2002, Yahoo, một “gã khổng lồ” về internet với quy mô lớn chưa từng có, cũng sẵn sàng trả tới 3 tỷ USD, một số tiền vô cùng khổng lồ khi đó cho một công ty khởi nghiệp với doanh thu mờ nhạt. Rất may là có vẻ như Page và Brin đã nhận ra tiềm năng phát triển mạnh mẽ của Google và cả hai đã không bán “lúa non”.
Sau này, một trong những tính toán kinh doanh thành công nhất của Page là việc lường trước sự trỗi dậy của điện toán di động và đã nhanh chóng thành lập một công ty khởi nghiệp nhỏ tên là Android vào mùa hè năm 2005, với niềm tin có thể giúp công ty xâm nhập thị trường phần mềm di động. Tất nhiên, hiện tại Android đã trở thành hệ điều hành di động phổ biến nhất trên thế giới.
Bên cạnh đó, một thương vụ mang tính bước ngoặt trong sự thành công của Google là việc chấp thuận bỏ ra 1,65 tỷ USD để mua lại một trang web video trực tuyến có tên là YouTube. Google đã nhanh chóng nhìn thấy một cơ hội để kết hợp hai dịch vụ và sớm xác định đây là bước đi chiến lược trong cuộc đua video trực tuyến đầy cạnh tranh. Và giờ đây, YouTube đang trở thành “con gà đẻ trứng vàng” cho họ.
Nhưng vào năm 2019, cả hai đã rời khỏi vị trí quản lý hàng ngày của công ty để đảm nhận vai trò cố vấn. Họ quyết định giao quyền kiểm soát Google và công ty mẹ, Alphabet, cho cộng sự lâu đời Sundar Pichai. Đây được coi là dấu chấm hết cho kỷ nguyên của “gã khổng lồ” công cụ tìm kiếm, vốn đã được xây dựng và tuân theo các giá trị cá nhân của họ.
Nhưng đó cũng có thể sẽ là một khởi đầu mới cho sự phát triển của Google…
Có thể bạn quan tâm
06:40, 05/10/2021
16:15, 23/09/2021
11:28, 01/09/2021
18:27, 17/08/2021
11:20, 04/08/2021
05:00, 01/08/2021
03:23, 14/07/2021