Điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp

Nguyễn Việt 16/03/2018 16:49

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, trong đó quy định điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 2/5/2018.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp phải đáp ứng 7 điều kiện:

1- Là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật và chưa từng bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

2- Có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên.

3- Thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, chủ sở hữu đối với doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên, cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không bao gồm tổ chức hoặc cá nhân từng giữ một trong các chức vụ nêu trên tại doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và Nghị định này.

4- Ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

5- Có mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng, chương trình đào tạo cơ bản rõ ràng, minh bạch và phù hợp với quy định của Nghị định này.

6- Có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp, trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp.

7- Có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp.

Có 3 trường hợp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp: 1- Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hết hiệu lực mà không được gia hạn; 2- Doanh nghiệp tự chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp; 3- Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi.

Nói về sức sống của bán hàng đa cấp tại Việt Nam, một chuyên gia truyền thông đã chia sẻ, sở dĩ đa cấp biến tướng “sống dai” tại Việt Nam bởi mô hình biến đổi đa dạng, phức tạp, khiến người dân khó nhận diện và luật pháp cũng khó theo kịp.

Trong khi mô hình bán hàng đa cấp kiểu truyền thống vẫn đang được các tổ chức đa cấp lừa đảo lợi dụng hiệu quả, thì những chiêu kinh doanh biến tướng mới cũng ngày càng nở rộ, lôi kéo thêm hàng nghìn nạn nhân. Theo tìm hiểu, hiện ngoài đa cấp trong bán hàng, còn có đa cấp trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và cả trong hoạt động từ thiện.

“Các khóa học làm giàu siêu tốc, đào tạo tư duy triệu phú liên tục mở ra với học phí từ vài triệu tới vài chục triệu đồng. Người tham gia nếu rủ được nhiều người cùng đi, cùng đóng phí sẽ được chia hoa hồng”, vị chuyên gia cho biết.

Theo tìm hiểu, kiểu đa cấp – từ thiện còn tồn tại dưới hình thức huy động và chiếm dụng vốn. Công cụ để mô hình này lôi kéo hàng nghìn người tham gia trong thời gian ngắn chính là chính sách trả thưởng hậu hĩnh theo mô hình tháp ảo.

Vẫn theo vị chuyên gia trên, chỉ cần làm phép tính đơn giản, cứ 1 cá nhân thành công trong hệ thống sẽ có 100 cá nhân bên dưới chịu thiệt. Vậy một tổ chức đa cấp có khoảng 100 người thành công, sẽ có tương ứng 100 x 100 = 10.000 người lãnh hậu quả. Và đó mới chỉ là con số ước tính về số nạn nhân của 1 hệ thống trong nhiều hệ thống đa cấp đang hoạt động bất minh hiện nay.

Cũng như các hành vi vi phạm về kinh tế khác, ở Việt Nam doanh nghiệp đa cấp vẫn “chiêu dụ” được người tiêu dùng dễ dàng phần lớn xuất phát từ môi trường kinh doanh mà tính minh bạch không được chú trọng. Đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp, để bảo vệ người tiêu dùng, người tham gia, tính minh bạch của doanh nghiệp và việc công khai phương thức bán hàng đa cấp của mình cần là tiêu chí thiết yếu hàng đầu.

Nếu doanh nghiệp không minh bạch, vi phạm về công bố, công khai thông tin doanh nghiệp, sản phẩm, vi phạm các chế độ phúc lợi, quyền lợi người tiêu dùng, phương thức kinh doanh của mình... thì đó chính là những cơ sở để rút phép hoạt động của doanh nghiệp trước khi họ kịp gây ra hậu quả cho hội viên và người tiêu dùng.

Một vấn đề nữa cần đặt ra cho nhà quản lý và làm luật của Việt Nam là có nên hạn chế mô hình bán hàng trong đó lợi ích kinh tế của người tham gia không dựa trên doanh thu mà phần lớn lại dựa trên việc “chiêu dụ” thêm thành viên vào trong hệ thống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO