Mỹ đã cấp phép cho việc sử dụng huyết tương từ người mắc COVID-19 đã bình phục làm phương pháp điều trị. Tại Việt Nam, phương pháp này cũng chuẩn bị được áp dụng cho bệnh nhân đầu tiên.
Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép cho việc sử dụng huyết tương từ người mắc Covid-19 đã bình phục làm phương pháp điều trị. Huyết tương được cho là chứa các kháng thể mạnh mẽ có thể giúp điều trị bệnh nhanh hơn và bảo vệ người mắc khỏi bị tổn thương nghiêm trọng.
"Sản phẩm này có thể hiệu quả trong điều trị dịch Covid-19. Những lợi ích tiềm năng đã biết lớn hơn những rủi ro tiềm ẩn của phương pháp này", FDA cho biết trong một thông báo.
Mặc dù phương pháp điều trị đã được sử dụng cho các bệnh nhân ở Mỹ và các nước khác nhưng tính hiệu quả của nó vẫn được các chuyên gia thảo luận và một số người cảnh báo, phương pháp này có thể đem đến các tác dụng phụ.
Được biết, trong 24h qua, Mỹ ghi nhận thêm 32.718 ca mắc mới, nâng tổng số ca tại quốc gia này lên hơn 5,8 triệu trường hợp với 180.604 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 430 người chết vì dịch bệnh này.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã phê duyệt nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng phương pháp "Đánh giá tính an toàn và hiệu quả bước đầu điều trị bệnh nhân COVID-19 thể trung bình, nặng và nghiêm trọng bằng huyết tương của người bệnh đã phục hồi".
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là đầu mối chính tiếp nhận và sàng lọc người đến hiến huyết tương. Hiện bệnh viện đã tiếp nhận được 5 người hiến huyết tương phục vụ công tác nghiên cứu, điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Trong 5 người tình nguyện có một bác sĩ từng mắc COVID-19.
Là người điều phối chính của nghiên cứu trên, TS.BS Văn Đình Tráng - phụ trách Khoa Vi sinh - Sinh học phân tử (Bệnh viện Nhiệt đới TƯ) cho biết, phương pháp dùng huyết tương của người hồi phục để chữa bệnh đã có từ rất lâu. Liệu pháp này cũng đã từng dùng để ngăn chặn bùng phát của các bệnh gây ra bởi virus như: SARS, sởi, quai bị, cúm…
Theo đó, với việc dùng để điều trị cho bệnh nhân COVID- 19, nguyên lý là lấy huyết tương của người nhiễm COVID-19 đã hồi phục để truyền cho bệnh nhân bị COVID-19 ở thể trung bình, nặng và nghiêm trọng. Người bệnh sẽ được cung cấp kháng thể để tiêu diệt virus SARS-COV-2 khi tiếp nhận kháng thể thụ động từ huyết tương của người hồi phục.
Tính đến sáng 24/8 là buổi sáng thứ 4 không ghi nhận thêm ca mắc mới. Tính theo ngày thì 4 ngày gần đây vẫn rải rác ghi nhận bệnh nhân, nhưng số mắc mới phát hiện được đã giảm xuống nhiều lần so với các tuần trước đó.
Tính đến 24/8 đã có 568 bệnh nhân khỏi bệnh, ngoài ra 116 bệnh nhân đã có từ 1-3 kết quả xét nghiệm âm tính, sẽ sớm được ra viện trong vài ngày tới. Trong số 414 bệnh nhân đang điều trị, có 19 trường hợp đang ở tình trạng nặng, chiếm 4,6%. Sáu người trong đó phải thở máy xâm nhập, 2 phải dùng ECMO (thiết bị tim phổi nhân tạo), hầu hết bệnh nhân nặng đều là bệnh nhân lây nhiễm cộng đồng liên quan đến khu vực Đà Nẵng.
Riêng bệnh nhân 996, ca bệnh COVID-19 trên nền bệnh ung thư có kết quả xét nghiệm miễn dịch không được tốt, các chuyên gia đang hội chẩn truyền Interferon hoặc thay huyết tương từ người nhiễm đã được điều trị khỏi và đã có kháng thể. Nếu bệnh nhân được thay huyết tương, đây sẽ là một trong số ca bệnh đầu tiên được sử dụng huyết tương người bệnh đã khỏi để điều trị, trong phạm vi nghiên cứu cấp bộ vừa bắt đầu khởi động từ đầu tháng 8 này với sự hỗ trợ tích cực từ những người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh.
Có thể bạn quan tâm
07:01, 10/04/2020