Tổng Công ty CP Phát triển Đầu tư Xây dựng (DIC, HoSE: DIG) đầu tư dàn trải, nhưng không chọn được đối tác bắt tay, khiến doanh nghiệp này tiếp tục loay hoay hoàn thiện pháp lý và triển khai dự án.
Là ông lớn bất động sản của thị trường phía Nam, đóng đô tại Vũng Tàu, song rải quỹ đất khắp nơi bao gồm cả địa phương miền Bắc, DIG có nhiều lợi thế trong kinh doanh địa ốc.
Quỹ đất tích lũy được hàng chục năm bao gồm từ thời còn liên quan đến Bộ Xây dựng cho đến nay qua các thương vụ M&A và phát triển mở rộng của DIG, đã giúp DIG chính thức sở hữu các dự án với tổng quy mô đất lên đến hàng nghìn ha với dự kiến hàng chục nghìn tỷ đồng là tổng vốn đầu tư.
Báo cáo của DIG cuối năm 2019 thể hiện công ty có tới 3 nhóm dự án. Trong đó, phía Nam có 16 dự án, phía Bắc có 4 dự án và nhóm các dự án nghiên cứu đầu tư. Tức có sẵn 20 dự án và chưa bao gồm các dự án đang trong tầm ngắm đầu tư khác.
Một số các dự án tiêu biểu về quy mô của DIG, phía Bắc có Nam Vĩnh Yên quy mô 191,91 ha; phía Nam có DIC Phoenix Vũng Tàu với 2.762 ha. Chỉ riêng 2 dự án này, giới đầu tư cho rằng nếu cứ làm phong cách “cuốn chiếu” từ tốn như hiện tại, DIG đã có thể phát triển… chậm rãi thêm vài năm nữa cũng không lo không có sản phẩm để bán.
Có lẽ với điểm mạnh này mà mặc dù tài chính không hoàn toàn là điểm mạnh trong lúc này của DIG cũng như trong thời gian vài năm qua, song các nhà quản trị DIG vẫn không thay đổi định hướng. Việc cổ đông DIG mới đây đã từ chối một ông lớn bất động sản phía Nam là HimLam trong nỗ lực hùn hạp hợp tác phát triển dự án tại Khu đô thị Bắc Vũng Tàu 10.000 tỷ đồng, là một ví dụ.
Đi một mình có thể đi xa?
80 tỷ đồng là lãi trước thuế hợp nhất bán niên 2020 của DIG, mới chỉ hoàn thành được 12,4% kế hoạch 2020.
Dù có lợi thế lớn về quỹ đất, nhưng DIG vẫn loay hoay tìm chiến lược phát triển sao cho xứng tầm tiềm năng. Bởi thực tế kinh doanh của DIG vẫn không phản ánh đúng quy mô và kỳ vọng của nhà đầu tư trên thị trường, do sự trồi sụt trong kinh doanh, dễ bị tác động bởi bối cảnh chung cũng như chiến lược đầu tư quá dài hạn.
Cụ thể, nếu như năm 2019, DIG có doanh thu đạt 2.363,1 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 471,3 tỷ đồng và chia cổ tức cho cổ đông chỉ ở mức 10%, trong đó có sự đóng góp tích cực từ công tác tái cấu trúc, thoái vốn và thanh lý tài sản, thì trong 6 tháng đầu năm 2020, Công ty vẫn chưa tỏ rõ được việc thực hiện quyết tâm đột phá.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, DIG ghi nhận tăng ở cả chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 898,7 tỷ đồng và lãi trước thuế 80 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 30,2% và 60% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mới chỉ hoàn thành được 12,4% kế hoạch lợi nhuận trước thuế sau 6 tháng đầu năm nay.
Cùng với các chỉ tiêu kinh doanh ở mảng bất động sản mẹ đang bị sụt giảm, nguồn thu từ các khoản khác của DIG, như thu du lịch và dịch vụ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19; chiến lược đầu tư dàn trải vào các dự án trong khi không chọn được đối tác bắt tay có thể khiến DIG tiếp tục trượt trên lối mòn loay hoay giữa ngổn ngang quỹ đất đang cần tiền để hoàn thiện pháp lý và đẻ ra tiền. Hẳn không phải ngẫu nhiên mà một Công ty “gừng già” trên thị trường địa ốc phía Nam liên quan đến doanh nhân Nguyễn Cao Trí của Capella Hodings mà chúng tôi đã nhắc đến trong bài viết trước, Công ty Khahomex, sau 1 năm đầu tư vào DIG, đã phải “chào thua” – thoái vốn.
Và dù quy mô lớn như vậy, nhưng thị giá cổ phiếu DIG vẫn mải miết lẹt đẹt trên sàn.
Có thể bạn quan tâm