Không chỉ riêng Việt Nam, xây dựng đội ngũ công dân toàn cầu đang trở thành mục tiêu của nhiều quốc gia.
>>Để lao động Việt trở thành những “công dân toàn cầu”
Trong đó, 3 khía cạnh cốt yếu trong định hướng phát triển của công dân toàn cầu là năng lực cá nhân, phẩm chất toàn cầu và tinh thần cống hiến.
Mỗi công dân đều cần nâng cao năng lực cá nhân
Khía cạnh đầu tiên của công dân toàn cầu là đảm bảo nền tảng năng lực cá nhân tối thiểu. Tích luỹ tri thức từ giáo dục là hành động đầu tư hiệu quả trong tương lai. Công dân toàn cầu được quyền tiếp nhận nền tảng giáo dục đầy đủ và phù hợp để nâng cao các kỹ năng trong quá trình học tập, làm việc tại mọi khu vực, quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, năng lực cá nhân tối thiểu của một công dân toàn cầu được thể hiện thông qua 3 kỹ năng.
Đầu tiên, đó là kỹ năng tìm kiếm và sử dụng thông tin hiệu quả. Thế kỷ 21 mở ra cánh cửa của công nghệ kỹ thuật số. Điều kiện làm việc trên không gian mạng đòi hỏi công dân phải thích ứng với môi trường số, tiếp cận với thông tin và thực hiện công việc từ xa. Ngày nay thông tin tồn tại ở nhiều hình loại khác nhau. Năng lực số được thể hiện phổ biến thông qua hành vi công dân sinh sống và làm việc ở nhiều quốc gia. Bằng cách tiếp cận và thực hiện công việc với những phương thức công nghệ số, mỗi công dân đều có thể hoàn thành phần việc, thích nghi và hòa nhập với cuộc sống bất cứ lúc nào và tại bất kỳ đâu. Từ đó, tạo ra một cuộc sống tự do cho người lao động nhưng vẫn hoàn thành yêu cầu của đơn vị, cơ quan tại một hoặc một số quốc gia sở tại.
Thứ hai, trang bị kỹ năng sinh tồn sẽ giúp công dân toàn cầu duy trì sự sống trong những điều kiện, hoàn cảnh khó khăn. Nhiều câu chuyện quốc gia về khả năng sinh tồn như Nhật Bản với những cơn động đất bất chợt quanh năm, những cơn giông bão càn quét hàng năm tại Philippines, hay những ngọn núi lửa vẫn còn âm ỉ hoạt động tại các tỉnh thành của Indonesia. Khi những thói quen sinh hoạt và môi trường học tập, làm việc thay đổi, kỹ năng sinh tồn có thể hỗ trợ công dân đáp ứng được hài hoà yêu cầu sinh hoạt, giáo dục và công việc tại mọi thời điểm và dù ở nơi nào.
Thứ ba, công dân toàn cầu phải là những nhà quản lý, lãnh đạo khi cần thiết nên tiếp cận sớm với kỹ năng lãnh đạo giúp hỗ trợ định hướng phát triển tốt từ khi còn là một công dân quốc gia. Kỹ năng lãnh đạo được chính phủ nhiều quốc gia đề cao và chính thức đưa vào chương trình giáo dục phổ thông để giảng dạy cho học sinh từ cấp bậc tiểu học. Ví dụ, theo Trường quốc tế Scotch College Adelaide (Úc), các học sinh sẽ được trang bị những kiến thức cần thiết, tư duy công dân toàn cầu với quan điểm độc lập về giá trị cốt lõi trong việc đóng góp lợi ích chung và phục vụ cộng đồng với tư cách là một công dân có trách nhiệm. Đồng thời, học sinh được làm quen, khám phá và phát triển các mối quan hệ với những bạn bè, giáo viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhìn chung, nâng cao năng lực cá nhân không chỉ là thách thức, mà còn là cơ hội để các quốc gia phát triển nền giáo dục, chất lượng con người nhằm xây dựng nền tảng tri thức bền vững và hội nhập. Các kỹ năng trên được nhìn nhận cho công dân toàn cầu với mức độ phát triển hướng đến những công dân ưu tú.
>>[Công dân toàn cầu] (Kỳ 1) Giấc mơ “hội nhập giáo dục”
>>[Công dân toàn cầu] (Kỳ 2) “Xuất khẩu giáo dục” theo cách của IFI
Rèn luyện những phẩm chất toàn cầu
Để trở thành công dân toàn cầu, một khía cạnh không kém phần quan trọng, đó là phẩm chất toàn cầu. Công dân toàn cầu là tập hợp của những công dân các quốc gia, những người có khả năng trở thành các công dân ưu tú ở phạm vi toàn cầu. Chính vì vậy, để trở thành những công dân toàn cầu, không thể thiếu việc rèn luyện những phẩm chất tích cực của một công dân gương mẫu, bao gồm: (1) Hiểu và tuân thủ nguyên tắc quyền lợi đi kèm với trách nhiệm; (2) Cởi mở trong việc đưa ra ý kiến; (3) Đón nhận những đóng góp một cách cầu thị.
Phẩm chất toàn cầu không phải là lựa chọn, mà cần được bồi dưỡng theo thời gian. Bên cạnh việc rèn luyện sự kỷ luật và tính trách nhiệm, một phẩm chất khác mà công dân toàn cầu cần phải có, đó là nhận thức đa văn hoá. Sự khác biệt văn hoá hoặc tôn giáo nhiều lúc sẽ làm nảy sinh những mâu thuẫn. Một công dân toàn cầu cần học được khả năng thích ứng với những gì xảy ra ở quốc gia sở tại và luôn giữ thái độ tích cực trong suốt quá trình giải quyết vấn đề. Sử dụng những sự khác nhau về văn hóa để tiếp cận, phân tích, đánh giá các vấn đề xã hội một cách khách quan và trung lập.
Ngoài ra, sự tôn trọng màu da, ngôn ngữ và những khác biệt văn hoá là dấu hiệu rõ ràng của phẩm chất toàn cầu. Một công dân toàn cầu không được kỳ thị sắc tộc, màu da hay tôn giáo của công dân quốc gia khác. Công dân toàn cầu phải là người có tính gắn kết văn hóa. Trong thực tế, hội nhập đa văn hoá là điều kiện cần thiết đối với những nhân viên du lịch, tiếp viên hàng không và trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác.
Tạo nên những giá trị thông qua tinh thần cống hiến
Khía cạnh thứ ba trong định hướng phát triển công dân toàn cầu là tinh thần cống hiến cho cộng đồng chung. Nhiều tranh cãi liên quan đến định nghĩa thế nào là một công dân toàn cầu, hay nói cách khác là các điều kiện để trở thành công dân toàn cầu. Tuy nhiên, tất cả các quan điểm đều đồng ý rằng bất kỳ người nào cũng có thể là công dân toàn cầu. Đối với những trẻ em và thanh thiếu niên, nâng cao kỹ năng được xem là yếu tố quan trọng trong việc hình thành một công dân toàn cầu. Ngược lại, ở người trưởng thành, các điều kiện về kỹ năng không còn quá được ưu tiên mà sẽ tập trung nhiều hơn vào việc rèn luyện nhận thức và hiểu giá trị của bản thân trong cộng đồng chung thông qua trách nhiệm xã hội và tinh thần cống hiến.
Có rất nhiều những nhân vật điển hình về tinh thần cống hiến. Một trường hợp cụ thể gần đây đã tốn không ít giấy mực của truyền thông quốc tế là Giáo sư Sarah Gilbert. Bà đã cùng những cộng sự khai sinh ra vắc-xin AstraZeneca; sau đó tìm kiếm và hợp tác doanh nghiệp để sản xuất vắc-xin trên quy mô lớn, với điều kiện vắc-xin sẽ được bán trên cơ sở phi lợi nhuận. Đây là là một công dân toàn cầu đúng nghĩa, với tinh thần cống hiến vì lợi ích chung của cộng đồng.
Mặt khác, công dân toàn cầu phải là người có nhận thức đúng đắn trong việc bảo vệ môi trường. Đứng trước yêu cầu bảo vệ môi trường và thách thức với cam kết giảm khí thải nhà kính về “0” vào năm 2050, công dân của các quốc gia có nghĩa vụ phải hoàn thành mục tiêu về chống biến đổi khí hậu toàn cầu đặt ra trong Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26). Trong quá trình hội nhập quốc tế, nghĩa vụ ứng phó với biến đổi khí hậu trở thành trách nhiệm của mỗi công dân toàn cầu. Hay nói cách khác, công dân toàn cầu là công dân có trách nhiệm với xã hội, những lãnh đạo doanh nghiệp có thể cân bằng giữa quyền lợi doanh nghiệp và lợi ích cộng đồng, tạo ra những tác động tích cực đối với các khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội.
Một số kiến nghị
Về phía cá nhân, không thể chối bỏ tầm quan trọng của giáo dục có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của công dân toàn cầu. Mỗi công dân đều phải chủ động trong việc học tập và nâng cao phẩm chất của bản thân để hoàn thiện chính mình và có giá trị cho cộng đồng.
Về phía doanh nghiệp, doanh nghiệp lập kế hoạch rõ ràng trong việc xác định và tổ chức người lao động là những công dân toàn cầu. Đồng thời, các doanh nghiệp cần có chính sách ưu biệt đối với công dân toàn cầu, đặc biệt là công dân có quốc tịch nước ngoài để khuyến khích đội ngũ công dân toàn cầu gia nhập thị trường Việt Nam. Đây vừa góp phần thúc đẩy chính sách quốc gia trong việc thu hút nhân tài nước ngoài vào nước ta, vừa giao lưu văn hoá quốc tế và nâng cao hệ tri thức thông qua quá trình hợp tác phát triển lâu dài.
Về phía cơ quan nhà nước, Chính phủ nên xây dựng khung năng lực và đánh giá năng lực đối với công dân toàn cầu để làm nền tảng chuẩn mực tối thiểu, tạo động lực phấn đấu cho công dân quốc gia. Trong đó nêu rõ rằng bất kỳ ai cũng có thể trở thành công dân toàn cầu nếu công dân đáp ứng đầy đủ được các điều kiện cần thiết, đề xuất bao gồm: năng lực cá nhân, phẩm chất toàn cầu và tinh thần cống hiến.
Có thể bạn quan tâm
04:23, 02/01/2019
11:00, 26/01/2020
05:00, 27/01/2020