Tâm điểm

Định hướng trong điều chỉnh Đề án phát triển ngân hàng xanh

NGUYỄN ĐỨC LỆNH, P.GĐ NHNN chi nhánh TP HCM 08/08/2024 17:05

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Quyết định có những nội dung bổ sung, chỉnh sửa liên quan đến phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh.

Cụ thể, ngày 6/8/2024, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 1663/QĐ-NHNN về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam.

Ngân hàng xanh
NHNN đã chủ động lồng ghép, xây dựng các đề án, chương trình tín dụng góp phần tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án góp phần bảo vệ môi trường, hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Ảnh minh họa

Quyết định vừa ban hành có những nội dung bổ sung, chỉnh sửa liên quan đến phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh và nhiệm vụ cụ thể của các tổ chức, đơn vị có liên quan. Trong đó, những chỉnh sửa bổ sung liên quan đến tổ chức tín dụng và định hướng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn xanh để phát triển dự án xanh là những chỉnh sửa bổ sung cần thiết và ý nghĩa.

Theo đó, nội dung sửa đổi điểm c khoản 2 Mục I Điều 1 không thay đổi nhiều so với đề án cũ, song điều chỉnh nhỏ có tính câu chữ: từ “các ngân hàng” thành “các tổ chức tín dụng” lại chứa đựng nội hàm mang tính toàn diện về mặt chính sách và định hướng chính sách.

Ý nghĩa này phản ánh trên một số phương diện chính sau:

Yêu cầu phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh không chỉ là nhiệm vụ của các ngân hàng thương mại mà là nhiệm vụ của tất cả các tổ chức tín dụng, bao gồm cả các tổ chức tín dụng phi ngân hàng (công ty tài chính; công ty cho thuê tài chính…) và các quỹ tín dụng nhân dân…. Định vị như vậy sẽ là cơ sở quan trọng để toàn ngành thực hiện tốt đề án, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển ngân hàng xanh, kinh tế xanh trong thời gian tới.

Điều chỉnh này có ý nghĩa toàn diện mang lại nhận thức đầy đủ trách nhiệm từ tất cả các tổ chức tín dụng về phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh. Từ đó không chỉ nâng cao tinh thần chủ động trong phát triển hoạt động này mà còn làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, nhất là thông tin tuyên truyền trong nội bộ của hệ thống từng tổ chức tín dụng, giúp cán bộ nhân viên tại đơn vị và toàn ngành nhận thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa của đề án, của hoạt động tín dụng xanh, từ đó không chỉ thực hiện tốt các hoạt động nghiệp vụ này mà còn nâng cao ý thức trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ “xanh hóa ngân hàng” tại tổ chức tín dụng.

Điều chỉnh này có ý nghĩa toàn diện, định vị trách nhiệm và hành động thực thi. Theo đó, với chỉ tiêu định hướng như: 100% các tổ chức tín dụng đến năm 2025 phải hoàn thành việc xây dựng quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; thực hiện đánh giá rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp tín dụng; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng.

Những mục tiêu và nhiệm vụ nêu trên, khi thực hiện tốt, sẽ là cơ sở nền tảng về nghiệp vụ, về quy trình mang tính quản lý, quản trị có ý nghĩa lớn trong phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh. Đây chính là cơ sở và điểm khởi đầu để thực hiện hoạt động tín dụng xanh, mở rộng và tăng trưởng tín dụng xanh của mỗi tổ chức tín dụng.

279a8986.jpg
Hiện nay, các TCTD đã triển khai nhiều sản phẩm tín xanh khác nhau như: Tín dụng xanh song phương, Cho vay xanh hợp vốn, Tài trợ dự án xanh... song vẫn cần sự đa dạng và cơ chế khuyến khích từ cả mở rộng nguồn xanh đầu vào đến sản phẩm xanh hóa tín dụng đầu ra. Ảnh: Betrimex

Phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh không chỉ là nhiệm vụ mà còn là xu hướng phát triển tất yếu nhằm phù hợp với xu hướng thời đại khi các nền kinh tế, các doanh nghiệp và lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều sẽ và phải đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn kỹ thuật về sản xuất xanh; sản phẩm xanh…

Những điều chỉnh của ngành Ngân hàng là rất cần thiết, kịp thời và việc thực hiện Quyết định vừa ban hành về những sửa đổi, bổ sung cho Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam sẽ có ý nghĩa định hướng và chiến lược rất quan trọng cho giai đoạn tới của ngành, cần được các tổ chức tín dụng đặc biệt quan tâm tổ chức triển khai thực hiện.

Ngân hàng xanh là một trong những trụ cột, nguồn lực quan trọng để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, kinh tế xanh của quốc gia. Nếu những năm 2012, ngân hàng xanh là còn là câu chuyện mới với các ngân hàng thì đến nay, ngân hàng xanh đã trở thành định hướng chiến lược bền vững của mỗi một tổ chức tín dụng, chứ không chỉ là "mô hình" hay chỉ một mảng, một phần hoạt động.

Trong 7 năm qua (2017 - 2023), dư nợ cấp tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng tăng trưởng bình quân hơn 22%/năm, với nhiều tổ chức tín dụng đã xây dựng các gói tín dụng xanh, chương trình tín dụng xanh phù hợp với đặc thù hoạt động kinh doanh, chuyển đổi xanh.... Nhưng bên cạnh đó, hoạt động cấp tín dụng xanh và phát triển xanh vẫn còn một số rào cản.

Đơn cử như cho đến nay, việc xây dựng các đưa ra một danh mục cụ thể các lĩnh vực, ngành nghề cần ưu tiên hỗ trợ, cũng như cần hạn chế trong chiến lược phát triển ngân hàng xanh để các NHTM làm căn cứ trong quá trình cấp tín dụng cho các dự án; hay làm căn cứ để có chế tài xử phạt đối với các TCTD cho vay các dự án có tính tác động tiêu cực tới môi trường xã hội... vẫn chưa được thống nhất.

Việc gỡ vướng các rào cản này đòi hỏi có sự phối hợp của các các bộ ngành cùng Ngân hàng Nhà nước để hoàn thiện hành lang pháp lý, từ đó hoạt động triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh ngày càng hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Định hướng trong điều chỉnh Đề án phát triển ngân hàng xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO