Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Góp ý kiến tại Hội thảo "Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu", TS Cấn Văn Lực cho rằng, bối cảnh hiện nay Việt Nam cần lưu ý về các xu hướng quan trọng.
Thứ nhất, “chúng tôi có tham vấn và Chính phủ cũng rất đồng tình hiện nay trên thế giới từ khi có dịch COVID – 19 đa số đều đã thay đổi về phương thức toàn cầu hoá, ưu tiên trong khu vực và trong khối” – TS Lực nói và chia sẻ các nước thay đổi rất nhiều về chính sách tài khóa và tiền tệ với các gói hỗ trợ chính sách khổng lồ. Theo tính toán sơ bộ thì chiếm khoảng 15%GDP trên toàn cầu 2020 và riêng Mỹ đã tung ra các gói hỗ trợ lên đến 28% GDP năm 2020. Trong bối cảnh toàn cầu biến động như vậy, vai trò của Chính phủ được tăng lên.
Thứ hai, xu hướng phục hồi xanh rất rõ. Các nước hiện nay đều mong muốn rằng sau dịch bệnh sẽ phát triển xu hướng này rộng rãi và bền vững. Việt Nam cũng không nằm ngoài dòng chảy xu hướng đó.
Thứ ba, xu hướng đứt gãy các chuỗi. TS Lực phân tích, hiện nay chúng ta thấy có sự đứt gãy cả về cung và cầu và điều này rất khác so với chuỗi đứt gãy dịch bệnh năm ngoái hay những tháng đầu năm nay. Điều này là một trong những nguyên nhân khiến cho giá cả hàng hoá tăng mạnh trên toàn cầu. Việt Nam cũng chịu áp lực về sức ép tăng giá này.
Trong xu hướng này đáng chú ý là sự thay đổi cấu trúc chuỗi cung ứng tức là nói tới dòng vốn đầu tư. “Chúng tôi đã phân tích xem có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài cụ thể từ Trung Quốc, Hồng Kông vào Việt Nam như thế nào trong ba năm vừa qua. Năm 2019 có sự dịch chuyển tương đối nhanh và mạnh từ Trung Quốc sang Việt Nam, tăng 65% và từ Hồng Kông sang Việt Nam là 143%. Nhưng từ 2020 đến hết 6 tháng đầu 2021 thì sự dịch chuyển này lại quay ngược trở lại, tức là giảm. Dịch bệnh là một trong những nguyên nhân nhưng trong đó còn là do những bất định của toàn cầu và Việt Nam. Xu hướng đã không được như chúng ta mong đợi” – TS Lực nói.
Về chuỗi giá trị, TS Lực cho rằng chúng ta phải làm rõ hơn về cách thức chúng ta đo lường chuỗi giá trị cung ứng đó như thế nào, đây không chỉ ở câu chuyện xuất khẩu, nhập khẩu mà còn gắn với khâu phân phối. Trong khi với Việt Nam, khâu chuỗi này khá là thiệt thòi.
Ông Lực dẫn chứng, như ở lĩnh vực thực phẩm và điện tử thì nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu. Vậy nguyên nhân ở đâu? Do vấn đề cấu trúc của nền kinh tế: công nghiệp hỗ trợ và năng lực nội địa hoá của hai lĩnh vực này ở Việt Nam chưa được phát triển.
Thứ tư, về chỉ số năng lực cạnh tranh TS Lực cũng đồng tình với TS Võ Trí Thành cho rằng, cần chú ý tới cơ sở khoa học và tính đúng đắn cũng như hạn chế của các bộ chỉ số mà Việt Nam tiếp cận để có cách ứng xử phù hợp, hiệu quả.
“Báo cáo cũng nêu lên các điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng, đổi mối sáng tạo nhưng chưa có điểm mới và tính phát hiện” – TS Lực nói.
Đối với chỉ số năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) cũng cần làm rõ hơn. Ông dẫn chứng, Báo cáo đưa ra rằng chỉ số này của DN nhà nước đang giảm và đúng theo số liệu. Nhưng có vẻ hơi mẫu thuẫn khi nói rằng TFP tỷ lệ thuận với với quy mô; trong khi quy mô DN nhà nước lớn hơn so với DN tư nhân và một số DN FDI.
Hay DN tư nhân thì TFP rất thấp nhưng lại mâu thuẫn với điều mà chúng ta hay nói với nhau rằng “DN tư nhân rất năng động và sang tạo” và TFP tỷ lệ thuận với năng lực đổi mới sáng tạo.
Ông Lực cho rằng, TFP phụ thuộc vào thay đổi kĩ thuật và công nghệ; kỹ năng của lực lượng lao động. Do đó, cần phải làm rõ hơn điều mâu thuẫn này dựa trên các yếu tố đó.
Về ngắn hạn, TS Lực cho rằng, hiện nay chiến lược vaccine, hiệu quả của những gói hỗ trợ cho DN và người dân là vô cùng quan trọng. Những bất ổn liên quan đến vĩ mô, giá cả tăng mạnh, bong bóng tài sản… là những điều hết sức cần lưu tâm.
Có thể bạn quan tâm
Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động:(Kỳ 3) Gắn chặt với các xu thế lớn của thế giới
04:00, 31/07/2021
Định vị lại nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu
05:00, 30/07/2021
Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động: (Kỳ 2) Chiến lược nào cho nền kinh tế?
04:00, 30/07/2021
Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động: (Kỳ 1) Các kịch bản tăng trưởng
11:00, 29/07/2021