Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đang phải chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 do số lao động lớn, không ký được đơn hàng mới và gặp ách tắc trong xuất khẩu các đơn hàng cũ.
Theo báo cáo của các đơn vị thuộc Vinatex, áp lực lớn đang đè nặng lên các doanh nghiệp ngành dệt may cả về tài chính và lao động. Nếu không có sự điều chỉnh về chính sách, khả năng nhiều doanh nghiệp sẽ mất khả năng thanh khoản vào cuối tháng 4/2020. Dự báo lao động sẽ thiếu việc làm từ 30% tới 50% trong tháng 4 và tháng 5/2020.
Áp lực trả lương
Thiệt hại ước tính với toàn ngành dệt may lên tới trên 5.000 tỷ đồng nếu 30% công nhân thiếu việc làm trong tháng 4/2020 và 50% công nhân thiếu việc làm trong tháng 5/2020. Trong đó, riêng Vinatex ước tính thiệt hại 403 tỷ đồng. Nếu tình hình kéo dài thêm, mỗi tháng ngành dệt may của Việt Nam sẽ thiệt hại tới 3.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, việc tồn kho lên tới 300 triệu USD vật tư mà các doanh nghiệp ngành dệt may đã nhập khẩu về thời gian qua nhưng không được sử dụng do không có đơn hàng đang khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Ước tính đến hết năm 2020, số hàng tồn kho trong hai tháng 4 và tháng 5/2020 của toàn ngành dệt may sẽ mất 50% giá trị, tương ứng khoảng 300 triệu USD (Vinatex mất khoảng 24 triệu USD). Nếu dịch COVID-19 kết thúc cuối tháng 5 và kinh tế phục hồi từ tháng 6, ước tính ngành dệt may Việt Nam thiệt hại 11.000 tỷ đồng. Tập đoàn sẽ thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
05:38, 16/04/2020
11:00, 15/04/2020
03:53, 14/04/2020
Lãnh đạo Vinatex cho biết, đã yêu cầu các đơn vị tận dụng cơ hội tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu sản phẩm phòng dịch như khẩu trang, quần áo y tế dùng vải kháng khuẩn, quần áo dùng một lần từ vải không dệt. Áp dụng chế độ làm việc linh hoạt, giảm giờ làm xuống còn khoảng 32h-40h/tuần, làm việc luân phiên, trên cơ sở thảo luận thống nhất với người lao động. Cùng với tiết giảm chi phí, hoãn đầu tư, giảm lương khối gián tiếp tương ứng với công nhân trực tiếp và làm thủ tục xin miễn, hoãn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn…
Vinatex cũng kiến nghị ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại cho ân hạn các khoản phải trả dài hạn đến hạn năm 2020, kéo dài thời gian khoản nợ ngắn hạn lên 11 tháng, không giảm hạn mức, không chuyển loại nợ, cho vay trả lương cho đối tượng bị thiếu việc.
Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex, quỹ chi lương mỗi tháng của doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi các đơn hàng bị hủy hoặc tạm hoãn từ nửa cuối tháng 3/2020. Lượng nhân sự với hơn 120.000 người, áp lực chi trả lương mà không có việc làm khiến doanh nghiệp dệt may sẽ cạn vốn. “Việc duy trì hoạt động để doanh nghiệp không phá sản, người lao động có thu nhập, có việc làm là một thách thức được đặt ra cho Vinatex lúc này”, ông Trường bày tỏ.
Xin tạm hoãn một số loại phí
Vẫn theo chia sẻ của lãnh đạo Vinatex, hiện tạị các doanh nghiệp đang được nhận sự hỗ trợ từ những chính sách kịp thời, nhân văn của Chính phủ như gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất hay hỗ trợ tiền lương cho người lao động. Điều này có ý nghĩa với sự sống còn của doanh nghiệp, bởi giảm được áp lực bất cứ dòng tiền ra nào lúc này đều vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, các tiêu chí bị ảnh hưởng bởi COVID-19 cần được làm rõ, bởi với doanh nghiệp dệt may, mức độ giãn, giảm thuế ảnh hưởng không lớn vì dệt may làm xuất khẩu không có thuế giá trị gia tăng (VAT). Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 thì đã tạm nộp hàng quý, số còn lại chưa nộp chỉ là 1 quý; trong khi quý I/2020 thì không có lợi nhuận, nên thực chất chiểu theo chính sách này thì doanh nghiệp dệt may cũng không được giảm. Tiền thuê đất tỷ trọng trong chi phí thấp, nên cũng không tác động được đáng kể khi được gia hạn nộp.
Bà Phạm Nguyên Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Vinatex cho rằng, với doanh nghiệp dệt may, quan trọng nhất là hoãn đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp, vì chi phí này lên tới 34% của quỹ lương, mà quỹ lương chiếm 60% chi phí doanh nghiệp may. Nên tỷ trọng chi đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp lên tới 20% tổng chi phí toàn doanh nghiệp.
“Do đó, với các thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất mà doanh nghiệp dệt may nào đã nộp cho năm 2019 nên được trừ vào các phí cần đóng như Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn của năm 2020”, bà Hạnh đề xuất.
Thực tế, đừ đầu năm đến nay, khi dịch bệnh COVID-19 mới bùng phát ở Trung Quốc, doanh nghiệp dệt may Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực do nguyên liệu đầu vào chủ yếu nhập từ thị trường này. Khi Trung Quốc công bố kiểm soát được dịch bệnh, nguyên phụ liệu nhập về thuận tiện, hoạt động sản xuất trở lại bình thường thì liên tiếp các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Italy, Mỹ và châu Âu lần lượt bùng phát dịch đã khiến các đơn hàng đến thị trường này gặp rào cản lớn.
Những biến động này tiếp tục gây bất lợi tới ngành dệt may Việt Nam. Vì Mỹ và châu Âu là 2 thị trường nhập khẩu hàng dệt may, giày dép lớn nhất của Việt Nam. Số liệu Tổng cục Hải quan cho thấy, 2 thị trường này chiếm 58,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may cả nước, tương ứng giá trị 19,2 tỷ USD năm 2019. Dịch lan rộng, Mỹ và châu Âu phải gồng mình đối phó khiến nhu cầu giảm sút, nhiều đơn hàng dệt may theo đó bị hủy hoặc bỏ.