[DNNN TRONG “BÃO” COVID-19] VNR có thể "ôm lỗ" gần 1.000 tỷ đồng trong năm 2020

Nguyễn Việt 10/04/2020 11:00

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) là 1 trong 7 đơn vị đã bắt đầu không cân đối được thu chi khi lỗ tới 100 tỷ đồng trong quý I/2020 do dịch COVID-19.

Theo VNR, do không có khách đi tàu, từ đầu năm đến nay các công ty cổ phần vận tải đường sắt đã đề nghị dừng chạy hàng loạt các đoàn tàu trong nước và tàu liên vận quốc tế, gây ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu và lợi nhuận của ngành đường sắt, khó đảm bảo việc hoàn thành kế hoạch đã được giao.

Giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử

Trong 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu vận tải hành khách dự kiến 527,88 tỷ đồng, giảm 65 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, ước lỗ khoảng 100 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2020, công ty mẹ doanh thu giảm từ 700 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch 2020 và lỗ từ 694 tỷ đồng đến 935 tỷ đồng tùy theo từng thời điểm kết thúc dịch COVID-19.

Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong 3 tháng đầu năm 2020, Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR) đã bị thua lỗ 100 tỉ đồng.

Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong 3 tháng đầu năm 2020, Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR) đã bị thua lỗ 100 tỉ đồng.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đánh giá, đây là giai đoạn ngành đường sắt phải hứng chịu những khó khăn nhất trong lịch sử. Vẫn theo lãnh đạo VNR, ngành đã lên phương án trong các tình huống, cụ thể, nếu dịch COVID-19 kết thúc trong quý II/2020, dự báo năm 2020 doanh thu của công ty mẹ đạt hơn 1.400 tỷ đồng, bằng 66,7% kế hoạch năm; Lợi nhuận trước thuế âm 694 tỷ đồng; Thu nhập người lao động 6,6 triệu đồng, bằng 82,5% kế hoạch năm.

Nếu dịch kết thúc vào quý III/2020, doanh thu chỉ còn hơn 1.227 tỷ đồng, bằng 58,5% kế hoạch; Lợi nhuận trước thuế âm tới hơn 842 tỷ đồng; Thu nhập người lao động 6,2 triệu đồng, bằng 77,5%. Nếu dịch kết thúc vào quý IV/2020, doanh thu chỉ hơn 1.114 tỷ đồng, bằng 53,1% kế hoạch; Lợi nhuận trước thuế âm tới hơn 936 tỷ đồng; Thu nhập người lao động 5,9 triệu đồng, bằng 73,8%.

Hiện tại, ngành đường sắt với hàng chục nghìn lao động đang bị ảnh hưởng rất nặng nề, vì thế, VNR kiến nghị Chính phủ, Bộ ngành có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, miễn nộp các loại thuế, phí năm 2020 như: Thuế thu nhập cá nhân; Miễn đóng BHXH, BHYT, BHTN; Miễn đóng phí công đoàn. Cùng đó, miễn khoản phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt 8% trên doanh thu vận tải năm 2020, ước tính số tiền là 280,6 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vận tải…

Đối với các khoảng vay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét khoanh nợ gốc và miễn giảm lãi vay cho các khoản vay của các ngân hàng cho các dự án đầu tư của Tổng công ty và các công ty vận tải đường sắt nhằm giảm áp lực trả nợ gốc và lãi vay trong giai đoạn khó khăn. Dự kiến cả nợ gốc và lãi vay năm 2020 các doanh nghiệp vận tải đường sắt phải trả ngân hàng là 333,16 tỷ đồng.

Chuyển hướng để "sống sót" qua mùa dịch

Đứng trước những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc VNR cho biết, đơn vị đã đẩy mạnh khai thác tàu hàng thay cho tàu khách. Để thu hút nguồn hàng, VNR cung cấp cả dịch vụ nhận và giao hàng tận nhà; giảm 10% giá cước vận tải hàng hoá; đưa vào khai thác các đoàn tàu container lạnh liên vận quốc tế...

Được biết, dịch vụ vận chuyển hàng hóa theo phương thức “từ nhà đến nhà" được đường sắt đưa vào khai thác từ tháng 8/2019. Theo đó, khách hàng chỉ cần truy cập website: www.harapost.vn để đặt vận chuyển trực tuyến hoặc khách hàng có thể đến đặt vận chuyển tại các cửa đăng ký nhận vận chuyển hàng hóa qua harapost ở các ga.

Khách hàng có thể đặt vận chuyển online hoặc ra ga đăng ký vận chuyển hàng hóa. Nhân viên đường sắt sẽ đến tận địa chỉ của khách hàng để nhận hàng hóa, hoặc khách hàng có thể tự đem ra ga. Hàng được vận chuyển bằng tàu hỏa và nhân viên đường sắt giao đến tận tay người nhận. Đặc biệt, nếu khách hàng có nhu cầu có thể chọn hình thức nhờ phía đường sắt thu hộ tiền hàng từ người nhận hàng (người mua) và gửi trả cho khách hàng (người bán hàng).

Với hình thức vận chuyển này, đường sắt có thể vận chuyển được nhiều loại mặt hàng, nhất là hàng tươi sống như: Trái cây, hàng chuyển phát nhanh, cần bảo đảm như giấy tờ, mỹ phẩm, dược phẩm… kể cả những mặt hàng cần bảo quản lạnh như: sữa mẹ vắt ra. Hàng sẽ được giao ngay đến địa chỉ nhận chỉ sau vài tiếng tàu đến ga.

Theo bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, khách hàng có thể tra tìm trên hệ thống bán vé điện tử của đường sắt về thời gian tàu đi, đến các ga để chủ động kế hoạch gửi hàng và nhận hàng. Khách hàng đặt vận chuyển hàng bưu kiện, chuyển phát nhanh online qua website nhận vận chuyển của đường sắt, nếu yêu cầu sẽ có nhân viên đến nhận hàng và giao hàng tại nhà, bà Hà nói.

Tuy nhiên, ông Quốc Anh thừa nhận, vận tải hàng hoá giờ cũng không dễ, khi nền kinh tế trong nước và quốc tế đều đình trệ. Hiện tại, VNR có hơn 15.000 nhân sự (kể cả đơn vị thành viên), phải áp dụng nghỉ luân phiên 2/3 thời gian mỗi tháng. Giải pháp này đảm bảo tất cả người lao động vẫn có thu nhập hằng tháng, dù chỉ bằng 1/3 so với trước đây.

VNR cũng kiến nghị Bộ GTVT thúc đẩy giải ngân gói 7.000 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam đã được Quốc hội thông qua từ cuối năm 2017. “Đến nay, tàu khai thác rất ít, nên VNR tranh thủ cho xây dựng, sửa chữa đường. Để khi dịch bệnh qua, kinh tế phục hồi hoạt động khai thác tàu sẽ phát huy tối đa hiệu quả. Nếu cứ chậm giải ngân như hiện nay, chỉ sợ tới lúc hết dịch VNR vẫn phải cắt giảm chạy tàu”, ông Quốc Anh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
[DNNN TRONG “BÃO” COVID-19] VNR có thể "ôm lỗ" gần 1.000 tỷ đồng trong năm 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO