Khi gói thuế mới nhất mà Mỹ áp lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực, thế giới sẽ cảm nhận rõ rệt hơn ảnh hưởng của chiến tranh thương mại.
Ngày 1/8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định áp thuế mới đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ trị giá 300 tỷ USD với thuế suất 10% từ ngày 1/9/2019.
Đây là động thái đầu tiên của Mỹ đối với Trung Quốc sau vòng đàm phán cấp cao giữa 2 nước không thành công. Phía Mỹ cho biết: “Trung Quốc nhượng bộ quá ít, họ đăng ký mua nông sản Mỹ với số lượng lớn song họ không làm như vậy”.
Tiếp tục "so găng"
Đáp lại hành động của Mỹ, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ không lùi bước và có những biện pháp đáp trả kịp thời. Từ động thái trên, chắc chắn là hàng hóa dư thừa của Trung Quốc không xuất được sang Mỹ sẽ tìm cách tiêu thụ ở các nước khác, và đặc biệt là thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Trong cuộc chiến tranh thương mại này, Việt Nam cũng được hưởng lợi một số mặt như: Việt Nam sẽ tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ để thay thế một số mặt hàng mà Trung Quốc bị áp thuế cao như điện tử, đồ gỗ, may mặc, đồ da giầy.. Trong 5 tháng đầu năm 2019, Mỹ đã giảm nhập khẩu hàng của Trung Quốc 12,3% nhưng tăng nhập khẩu của Việt Nam tới 36%.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư từ nước ngoài của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam đã giải ngân được 9,1 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, vốn đăng ký đạt 18,5 tỷ USD, bằng 90,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn cam kết đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kong chiếm tỷ trọng 41%.
Đây là những lợi ích về xuất khẩu và đầu tư mà cuộc chiến tranh giữa 2 nước đã mang lại. Việt Nam phải tận dụng được những cơ hội đó một cách hiệu quả.
Việt Nam lưu ý mặt trái “cuộc chiến”
Bên cạnh những lợi ích kể trên, bao giờ cũng đi kèm theo những mặt trái của cuộc xung đột thương mại này. Về đầu tư, Việt Nam cần chú ý Trung Quốc có khả năng chuyển dịch những cơ sở sản xuất lạc hậu sang Việt Nam, nếu đúng như vậy sẽ tạo gánh nặng cho môi trường trước mắt cũng như lâu dài, vì vấn đề môi trường ở Việt Nam đang tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết cấp bách.
Vấn đề gia tăng xuất khẩu cũng tương tự như vậy, khi tăng xuất khẩu thì phải tăng nhập khẩu nguyên vật liệu, phụ liệu, phụ tùng... mà hiện nay đang nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Việc gia tăng nhập khẩu sẽ dẫn tới nhập siêu của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Trong khi chúng ta đang phấn đấu cân đối cán cân thương mại và đang phấn đấu giảm nhập siêu lớn từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Xuất khẩu của Việt Nam do chiến tranh thương mại cũng có khả năng chậm lại do sự bất ổn của các quan hệ thương mại quốc tế, gần đây, nhất là trong tháng 7/2019 giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, quan hệ thương mại giữa Mỹ và EU…
Trong 6 tháng đầu năm 2019, số liệu chính thức về xuất nhập khẩu cho biết, Việt Nam đã nhập siêu 43 triệu USD, so với 2,7 tỷ USD xuất siêu của cùng kỳ năm trước. GDP nửa đầu năm 2019 của Việt Nam tăng 6,76%, chậm lại so với với 7,1% cùng kỳ năm 2018.
Rõ ràng, chiến tranh thương mại giữa 2 nước lớn có quan hệ thương mại khá chặt chẽ với Việt Nam đã “góp phần” không nhỏ vào việc làm chậm lại tăng trưởng GDP của Việt Nam trong nửa đầu năm 2019.
Có thể bạn quan tâm
02:46, 30/07/2019
23:40, 09/06/2019
11:03, 09/06/2019
Vấn đề tiếp theo cũng cần đặc biệt lưu ý, đó là khả năng Trung Quốc dùng Việt Nam làm nước trung chuyển hàng hóa của họ để xuất sang Mỹ, dưới mác “made in Việt Nam” nhằm tránh thuế. Khi hàng Trung Quốc vào Việt Nam với hình thức tạm nhập tái xuất, lại có “sự tiếp tay” của một bộ phận các doanh nghiệp và tiêu cực của một số lực lượng chức năng, tạo điều kiện hợp thức hóa cho hàng hóa Trung Quốc nhập vào Việt Nam rồi xuất khẩu sang Mỹ.
Việt Nam tăng xuất khẩu sang Mỹ tức là tăng xuất siêu đối với Mỹ. Năm 2018, Việt Nam xuất siêu 39 tỷ USD và có khả năng lên tới 50 - 52 tỷ USD trong năm 2019. Chính Tổng thống Mỹ đã “có ý kiến” với các nước xuất siêu lớn với Mỹ, trong đó Việt Nam xếp thứ 5, chỉ sau Trung Quốc, Mehico, Nhật, Đức.
Thực tế, trong 1, 2 tháng vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã tuyên bố áp mức thuế lên tới 456, 23% đối với sản phẩm thép chống gỉ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam với nguyên liệu để sản xuất nhập khẩu từ Hàn Quốc và Đài Loan.
Ngoài ra, còn câu chuyện tỷ giá hối đoái, Mỹ cũng xem xét có đối tác nào thao túng tỷ giá hối đoái để chiếm lợi thế khi xuất khẩu sang Mỹ hay không?
Tháng 5 vừa qua, Việt Nam cũng bị Mỹ xếp hạng vào 1 trong những nước phải “theo dõi”. Hay về vấn đề sở hữu trí tuệ - Việt Nam được xếp vào một trong 36 nước gây quan ngại về việc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Mỹ cần theo dõi và bàn biện pháp khắc phục cùng với Việt Nam trong lĩnh vực này, yêu cầu Việt Nam phải có luật pháp và chính sách rõ ràng về quyền sở hữu trí tuệ trong thời gian tới.
Về thị trường nội địa, trong hơn nửa đầu năm 2019, xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ giảm 8,5% và xuất khẩu sang các nước ngoài Mỹ chỉ tăng 2,1%, và câu hỏi đặt ra là ai sẽ mua hàng hóa dư thừa của Trung Quốc? Một khi xuất khẩu sang Mỹ và các nước bị chậm lại, chắc chắn Trung Quốc sẽ tìm đường giải quyết số hàng tồn kho một cách nhanh hơn sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, Trung Quốc còn thúc đẩy việc hoàn thành ký kết khu vực thương mại tự do Đông Á (RCEP) vào cuối năm 2019 bao gồm các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.
Những động thái trên của Trung Quốc nhằm đa dạng xuất khẩu hàng hóa dư thừa. Thị trường bán lẻ Việt Nam rất tiềm năng về tiêu thụ hàng hóa tiêu dùng ở khu vực Đông Nam Á, hệ thống phân phối hiện đại đang phát triển, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tích cực lấn sân vào lĩnh vực này.
Vì vậy, nguồn cung hàng hóa từ sản xuất trong nước và nhập khẩu là vô cùng quan trọng để mang lại hiệu quả kinh doanh cho các nhà đầu tư. Chúng ta đã hội nhập và chấp nhận mở cửa để hàng hóa và hệ thống phân phối các nước vào thị trường nội địa.
Điều quan trọng bây giờ là công tác quản lý hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước hay hàng hóa sản xuất trong nước nhằm đảm bảo chất lượng và quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, thu nộp ngân sách cho nhà nước.
Không để hàng ngoại lấn át ngay trên sân nhà
Song song với đó, chúng ta phải nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và hệ thống phân phối, chủ động hợp tác và cạnh tranh ngay tại sân nhà. Bài toán về thị trường nội địa cần được Bộ Công Thương và các ngành liên quan cùng các địa phương đặt ra một cách đúng mức để giải quyết nhằm phát triển thị trường nội địa một cách nhanh, vững chắc, không để hệ thống phân phối và hàng hóa ngoại nhập lấn át ngay trên sân nhà.
Ban bí thư đã chỉ thị: “Chúng ta phải phát triển hàng hóa Việt để chinh phục người Việt Nam, bán lẻ các nước đầu tư vào Việt Nam phải có những điều kiện cụ thể”. Cuộc cạnh tranh giữ vững thị trường nội địa, thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước phát triển là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn trong điều kiện hệ thống phân phối các nước phát triển có nhiều sức mạnh, hàng hóa các nước có nhiều lợi thế đang xâm nhập ngày càng mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam.
Sản xuất trong nước muốn phát triển phải gắn chặt với hệ thống phân phối Việt. Đảm bảo nguyên tắc các bên cùng có lợi, không ép cấp, ép giá, ép chiết khấu và những chi phí vô lý đối với người sản xuất, nhà cung ứng là cái gốc phát triển bền vững. Cần xây dựng những tập đoàn bán lẻ Việt kinh doanh có trách nhiệm với hàng hóa Việt, sản xuất Việt, người tiêu dùng Việt, đồng thời có đủ sức dẫn dắt thị trường bán lẻ và góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.
Cần có những cơ chế chính sách để phát triển hệ thống phân phối Việt, ngăn chặn tình trạng ở thị trường nội địa có những doanh nghiệp làm ăn thiếu công bằng, chèn ép, vi phạm hợp đồng kinh tế mua bán, giao dịch, vi phạm các quy định về đạo đức, cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh thương mại của Việt Nam, như đã từng xảy ra trong thời gian đầu tháng 7/2019 của 1 doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài với các ngành hàng cung ứng dệt may Việt Nam.