Tôi rủ bạn đi Đồ Sơn. Hắn nhìn tôi cười nhăn nhở như vừa nghe kể câu chuyện tiếu lâm tục tĩu. Chắc gã “của nợ” đã nghĩ đến nơi mà khi vào đó đàn ông buộc phải để vợ ở nhà.
Thế nhưng tôi không giận hắn, vì cũng từ lâu Đồ Sơn bị mất tên trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.
“Núi đẹp như vẽ”- Một người Đồ Sơn đã nói như thế! Dù chữ “tàu” tôi chỉ biết “nhất” là một, “nhị” là hai, nhưng tôi tin anh nói đúng. Ngay từ hồi đầu thế kỷ 20, người Pháp đã mở mang khu du lịch Đồ Sơn cùng với Vũng Tàu, Đà Lạt. Và cùng với họ, ông vua ăn chơi Bảo Đại cũng lập biệt thự ở cả 3 nơi. Đến thời “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” Đồ Sơn lại được chia thành 3 khu. Khu 3 ngoài cùng bán đảo Đồ Sơn đẹp nhất, ở đó có nhà nghỉ của các vị lãnh đạo đất nước. Khu 2 - vùng đệm- đẹp nhì. Dân thường được vào khu 1. Hàng năm nếu có danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua” (Hồi đó khó hơn đi làm tiến sĩ bây giờ của nhiều quý vị), người ta sẽ bầu chọn nhau để được đặc cách vào khu 2 nghỉ vài ngày. Và rồi sau đấy họ sẽ có cả mùa hè để hãnh diện với hàng xóm.
Đồ Sơn chỉ mở toang cả 3 khu khi thời “Mở cửa” bắt đầu.
Chúng tôi ra đến Đồ Sơn vào một ngày mùa biển lặng. Mặt trời to bằng quả bưởi nóng bỏng thả những ngón tay vàng óng ngập tràn mặt biển. Lũ chim cao cẳng tíu tít đan đôi chân dài đuổi theo từng đợt sóng rút ra xa để nhặt nhạnh đám nhuyễn thể li ti lộ trên mặt cát. Con cún của ông bạn tôi sướng như điên nhào xuống nước. Tôi bỗng lo gã làm theo. Khi ở tuổi U70, mọi thứ trên người đều run lẩy bẩy, nhăn nheo, teo tóp, trừ bụng lại to đùng - Không phải là cái có thể đem khoe dưới ánh nắng mặt trời của vùng biển.
Dù cho quang cảnh bờ biển đẹp như trong tấm bưu thiếp, tôi không định đứng trước biển hàng giờ khi trên bờ cát của nó, vào mùa COVID-19, thiếu vắng những phụ nữ Hải Phòng xinh đẹp chơi đùa với sóng. Mặt trời đã lặn chạm vào mặt biển. Cái nắng trong vắt ban ngày cũng ngả sang màu đồng thau. Đến lúc phải đi ăn rồi. Xe chạy vào con đường nhỏ khu 2. Ngoài khơi biển vẫn gầm gào. Trong bờ một bầu không khí tĩnh lặng như tấm lưới mỏng giăng mắc giữa các dãy nhà cửa đóng then cài. Vài nhà hàng còn sống sót qua nạn mất khách vì bệnh dịch. Du khách chỉ cần dừng xe là sẽ có ngay 6 anh hầu bàn chạy ra.
Chúng tôi vào một nhà hàng có con chó già gắt nhặng lên ngay ngoài cửa chắc vì mùi thơm ngọt đến nồng nàn của những con hàu, ngao, sò chết chìm êm ả trong biển nước sốt cà chua. Bạn tôi là người có lưỡi hoàng đế, anh đòi thêm món nộm sứa, bánh cuốn nhân tôm, giò nghé chấm mắm Cát Hải.
Ông chủ “dạ ran” khi chúng tôi gọi thanh toán. Hàm răng lóe trong bóng tối tựa như ánh dao vừa được rút ra khỏi vỏ. Thế nhưng chúng tôi chia tay vui vẻ, dẫu sao thì đồ ăn của Đồ Sơn ngon tuyệt!
Dọc đường về ngôi biệt thự trên núi nghỉ đêm, trăng thượng huyền bắt đầu mọc, nhợt nhạt, mỏng manh như chiếc lưỡi liềm. Mặt biển lấp lánh sáng màu thủy ngân dưới ánh trăng non dìu dịu.
Cô lễ tân của biệt thự mua hộ chúng tôi một mớ củi thông để đốt trong chiếc lò sưởi phòng khách. Chúng tôi ngồi uống rượu vang và nghe Duy Thái hát “Tìm tên em trên bờ cát”. Tiếng đàn guitar réo rắt như tiếng lửa cháy. Đêm tối nguyên vẹn tràn qua cửa sổ vào phòng mang theo mùi hương lấp lánh của hoa thủy tiên. Tôi ra ngoài hành lang đứng, thấy mặt trăng in bóng trên cái đài nước trồng hoa súng và cô lễ tân đang nhúng ngón tay vào ánh trăng lạnh. Bạn tôi thốt lên: “Đồ Sơn đẹp quá, đi ngủ thì thật uổng phí!”.
Đúng thế, nhưng đấy là vẻ huy hoàng cô liêu phù hợp với những ông già đang bước vào đoạn ướp thân bằng rau củ quả như tôi. Còn với những người trẻ hơn thì sao?
Họ nói: “Biển đâu chỉ để nghỉ ngơi mà còn là chốn vui chơi, giải trí”. Họ không ra biển để chỉ ngồi ngắm những cánh buồm trắng trông ma quái dưới ánh trăng. Họ thích được phóng mô tô bay trên mặt nước và cưỡi dù lượn trong những ngày hè bầu trời trong trẻo không mây. Đêm xuống, họ muốn nhảy nhót với nhạc điện tử trên quảng trường lớn hơn ngồi bờ cát, đốt lửa, kể chuyện ngày xưa. Họ thích lễ hội ngập tràn như một nạn dịch nông nổi, vui vẻ còn hơn mỗi năm chỉ có một ngày xem “Hội chọi trâu” Đồ Sơn.
Chắc gì họ đã muốn ở những ngôi biệt thự cũ rích, mốc meo trên núi khi đã có các khách sạn 5 sao hiện đại đứng bên bờ biển (Đáng buồn thay là tọa lạc ở những mảnh đất đẹp nhất Đồ Sơn hiện nay là các khách sạn, sản phẩm của thời bao cấp, xấu hủy xấu hoại. Những “thảm họa về kiến trúc” không “tẩy” đi được này, theo kiến trúc sư tài danh Hải Phòng Đỗ Nam, đã “Lôi tuột Đồ Sơn xuống vị trí hơn một thị trấn”). Tôm, cua, cá, mực, mãi cũng phải chán, họ thích ăn nhà hàng Pháp với thịt bò và rượu vang Bordeaux. Ra về, họ muốn mua sắm hàng souvenir tinh xảo, đa dạng trong các siêu thị hơn chỉ vào chợ dân sinh mua mớ cá khô “một nắng” hay vài cân táo Bàng La.
Đến nay, biển Đồ Sơn vẫn đục ngầu màu chocolate, hết phương cứu chữa! Đã thế Đồ Sơn, vẫn như ngày xưa, thiếu đủ mọi thứ làm vui lòng các du khách hiện đại ngày một giàu hơn và khó tính hơn. Do đó, từ nhiều năm rồi, bốn mùa Đồ Sơn đều là mùa biển lặng (lẽ). Trong khi ở Nha Trang hay Vũng Tàu dân đi du lịch ầm ĩ như đi chiếm đất!
Thế nhưng, dạo ấy, Hải Phòng đang đánh mất dần vị thế của một thành phố thứ 3 trong nước. Chính sách đã không gia tốc cho nền kinh tế, cũng không giống con dao mổ. Thủ tục hành chính nhiêu khê nằm giữa chính quyền và giới doanh nghiệp như một chiến hào. Nhiều chuyện nhỏ nhặt cũng bị thổi lên thành những vấn đề không thể vượt qua. Dần dần, Hải Phòng trở thành nơi người ta đến để hồi tưởng thời vàng son, chứ không phải tìm thú vui du lịch.
Dân Hải Phòng biết điều đó. Họ buồn lòng thấy thành phố lê bước nặng nhọc qua những năm tháng, trong khi người láng giềng đang khiêu vũ trên các đại lộ thời đại. Họ lập nhiều dự án cho Đồ Sơn. Có cái nghiêm túc. Có cái với đầy đủ sự lạc quan gấp gáp, thậm chí cả sự khoác lác của thứ diễn đàn ngoài trời, mà mục tiêu là chiếm đất chờ thời! Và rồi thất bại toàn tập, kể cả casino của tỷ phú Macau- Stenly Ho. Thành công một phần chỉ đến với hai dự án - Sân golf và Resort Hòn Dáu.
Năm 2009, hai người đàn ông chính cống Hải Phòng đứng ra thành lập công ty CP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương. Một người là Bùi Quang Khả, chuyên gia lấn biển cự phách, mặt sạm nắng gió như sườn núi, ánh nhìn buồn bã và mái tóc đen hoang dại. Người kia, ông Phạm Văn Hùng, bề ngoài thì không gân guốc, chỉ có bên trong đặc lại như chú tôm hùm. Họ có tham vọng làm một dự án “ nghỉ ngơi, vui chơi , giải trí” trên vùng “Đồi Rồng” Đồ Sơn. Năm 2017, có một sự kiện trọng đại đã xảy ra ở “Vạn Hương”- ông Vũ Văn Tiền, một đại gia của Việt Nam, tham gia với tư cách là chủ tịch HĐQT. Người đàn ông này có đủ tiền để không bị cuốn chìm trong sự tầm thường nhạt nhẽo của cái thường nhật.
Ông ta cho rằng: Đến một mức độ nào đó, công việc chỉ có nghĩa là tiền bạc thì bản thân nó không có giá trị. Kiếm tiền cũng để đóng góp vào phúc lợi và thịnh vượng xã hội. Bất chấp đại dịch, thời tiết, cỗ xe “tam mã” Vạn Hương vẫn đang phăng phăng về đích. Họ được cổ vũ bởi một thế hệ lãnh đạo Hải Phòng mới, những nhà kỹ trị. Bản thân họ không phải kiểu doành nhân luôn thắt chặt dây an toàn trước những bùng nổ bất chợt khó dự báo như cơn dông mùa hè. Có lúc, gần 3.000 người lao động miệt mài làm việc. Ban đêm, đồi Rồng sáng rực như một viên kim cương hồng giữa biển Đồ Sơn. Vạn Hương là công ty biết nuôi dưỡng bản sắc cá nhân. Sản phẩm của họ đều là hàng độc: Sân golf 27 lỗ làm trên mặt biển do hãng Greg Norman nổi tiếng thiết kế và thi công, 3 bãi tắm biển nhân tạo cho hàng vạn người, trải cát trắng của Nha Trang, để xóa hình ảnh nước biển màu chocolate của Đồ Sơn…
Einstein nói :“Kẻ chẳng biết gì thì khẳng định, kẻ còn nghi ngờ thì tuyên bố, kẻ biết rõ thì không nói gì hết!”. Các nhà lãnh đạo “Vạn Hương” không chia sẻ với báo chí việc họ sẽ làm nhưng ông chủ tịch quận Đồ Sơn - Trần Khắc Kiên - thì hồ hởi: “Đồi Rồng sẽ có đủ thứ, cả dương thế lẫn tâm linh, phục vụ nam nữ, già trẻ!” Ôi thế thì lão già này không phải lên ngôi biệt thự trên núi mà vẫn ngắm được những nụ hoa xuân dịu dàng hé nở trong các bình gốm men xanh trên bậu cửa sổ ở đồi Rồng rồi!