Sau khi nhận nhiệm vụ, đoàn công tác y tế Đà Nẵng đã lên đường để chi viện Gia Lai, sẵn sàng kích hoạt công tác hỗ trợ tỉnh bạn chống dịch COVID-19.
Chiều 05/02, đoàn y, bác sỹ của TP. Đà Nẵng gồm 08 thành viên đến từ Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế các quận đã lên đường chi viện cho tỉnh Gia Lai chống dịch COVID-19. Theo đó, đoàn công tác có nhiệm phối hợp với nhân lực y tế tỉnh Gia Lai thực hiện điều tra, truy vết, xử lý ổ dịch phòng, chống dịch.
Thông tin từ Sở Y tế Đà Nẵng, 08 thành viên đoàn công tác chi viện Gia Lai có 01 y, bác sĩ của Sở Y tế (Th.s.BS Nguyễn Tiên Hồng - trưởng đoàn), 02 y, bác sĩ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (BS CKI Nguyễn Tam Lãm, Ths Bùi Thức Thắng) và 05 y, bác sĩ của Trung tâm y tế các quận (Mạc Hồ Anh Tuấn, Hồ Minh, Trương Thái Dương, Phạm Đình Trung, Lê Văn Quốc Huy).
Trong buổi làm việc tiễn đoàn công tác lên đường làm nhiệm vụ, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng gửi lời cảm ơn từ thành phố, ghi nhận tình cảm, trách nhiệm của 08 đồng chí - những người đầu tiên trong đội ngũ cán bộ y tế xung phong nhận nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với đất nước, đối với các địa phương bạn bè.
"Trong bối cảnh diễn biến dịch phức tạp của dịch COVID-19, các đồng chí là biểu hiện cụ thể của tinh thần trách nhiệm tương thân, tương ái và đặc biệt đây là sự "trả nghĩa" đối với các địa phương khi mà thành phố chúng ta có những khó khăn trong đợt dịch lần thứ 2. Lúc đó Đà Nẵng rất khó khăn, các địa phương đã chung tay cử y bác sĩ, các điều dưỡng viên đến giúp thành phố. Đây là một yếu tố quan trọng giúp thành phố chúng ta vượt qua đợt dịch vừa qua." - Ông Nguyễn Văn Quảng nói.
Bí thư Đà Nẵng cũng nhấn mạnh hiện tại chính là thời điểm để Đà Nẵng thể hiện tinh thần tương thân tương trợ, trách nhiệm đó đối với các địa phương khác. Và đặc biệt đoàn công tác sẽ mang trách nhiệm, kinh nghiệm của mình đến cho Gia Lai, một địa phương đang có những diễn biến hết sức phức tạp về dịch bệnh.
Không mấy bất ngờ khi được giao nhiệm vụ lên đường tiếp viện Gia Lai, anh Trương Thái Dương - Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu chia sẻ, khi hay tin sẽ lên đường làm nhiệm vụ đã vội trở về nhà xếp vội áo quần, căn dặn vợ và con cố gắng ở nhà đón Tết vui vẻ. Do dịch bệnh phức tạp, nên Tết năm nay gia đình anh Dương cũng chưa kịp chuẩn bị gì để đón tết bởi vì vợ anh cũng đang công tác tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, tết này cũng phải trực tại Bệnh viện. Ngoài ra, con của anh cũng chỉ mới 3 tuổi, phải gửi cho ông bà ngoại ở Quảng Nam chăm sóc.
"Mọi thành viên của gia đình tôi cũng động viên, ủng hộ tôi, mong tôi giữ gìn sức khỏe, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ tốt. Ngay từ đầu dịch bùng phát trở lại ở các tỉnh miền bắc, tôi đã chuẩn bị tinh thần, sẵn sàng lên đường tiếp viện cho các tỉnh." - Anh Dương cho biết.
Đà Nẵng tiếp tục kích hoạt chương trình phòng chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Tân Sửu 2021 Để tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19 một cách chủ động và đồng bộ trên địa bàn, đảm bảo người dân được đón Tết Nguyên đán trong không khí vui tươi, an toàn. Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch trong thẩm quyền; tích cực phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương, đặc biệt là phối hợp với Sở Y tế, triển khai các kế hoạch, phương án, kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 đã được xây dựng như khi đang có dịch trên địa bàn. Sẵn sàng vận hành các phương án và biện pháp ứng phó phòng, chống dịch COVID-19 ở mức độ cao nhất; sẵn sàng triển khai các hoạt động ngay khi có yêu cầu. TP. Đà Nẵng yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể người dân tuân thủ thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Đồng thời, TP. Đà Nẵng cũng hạn chế tổ chức các sự kiện đông người, các lễ hội không cần thiết, nhất là các hoạt động trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Nếu tổ chức các sự kiện tập trung đông người phải đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định. Thiết lập các chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ ra, vào thành phố, sân bay, bến cảng, nhà ga, bến xe để tăng cường khai báo y tế, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Kịp thời phát hiện các trường hợp đến thành phố Đà Nẵng từ vùng dịch để có biện pháp can thiệp y tế phù hợp. Đà Nẵng cũng thực hiện cách ly y tế tập trung đủ 21 ngày tính từ ngày cuối cùng tiếp xúc với nguồn lây hoặc ngày rời khỏi địa phương đối với các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 (F1), người từng đi đến, trở về từ thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương) và sân bay Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) và những người từng đi đến, về từ các khu vực đang bị phong tỏa trên cả nước (áp dụng đến khi khu vực hết phong tỏa). Đối với các trường hợp tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 (F2), người từng đi đến, về từ tỉnh Hải Dương (trừ thành phố Chí Linh), tỉnh Quảng Ninh (trừ Sân bay Vân Đồn), người từng đi đến, trở về từ các quận, huyện có trường hợp mắc do lây lan tại cộng đồng của Hà Nội, người từng đi đến, trở về từ các các xã, phường có ghi nhận trường hợp mắc do lây lan tại cộng đồng trên cả nước hoặc nhữnggười đã từng đến, đi về từ các địa điểm trong khoảng thời gian Bộ Y tế thông báo khẩn nhưng không phải là người tiếp xúc gần (F1) sẽ được cách ly tại nhà 21 ngày. Riêng đối với những người đã từng đi đến, về từ các quận, huyện chưa có ca bệnh của Hà Nội, đã từng đi đến, về từ các xã, phường chưa có ca bệnh thuộc các tỉnh, thành phố đang có ca bệnh và những người nghi ngờ là F1, F2 sẽ thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà. |
Có thể bạn quan tâm
Hải Dương: Phong tỏa Điện lực Cẩm Giàng vì có 2 nhân viên mắc COVID-19
15:35, 05/02/2021
Hà Nội thêm 1 ca mắc COVID-19, bệnh nhân 1.694 lây cho 12 người
10:49, 05/02/2021
Sáng nay, Việt Nam không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng và nhập cảnh
07:26, 05/02/2021
Hà Nội và các địa phương khác ghi nhận 9 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng
18:31, 04/02/2021